70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: Nhật ký Chiến dịch từ ngày 01/5 đến 06/5/1954
Trên dãy đồi phía đông, Trung đoàn 98
(Đại đoàn 316) nhanh chóng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1 (Eliane 1), thừa
thắng đẩy mạnh vây lấn và chuẩn bị tiêu diệt C2 (Eliane 4); đồng thời củng cố
trận địa vừa chiếm được, sẵn sàng đập tan các cuộc phản kích của địch. Trên bờ
phía đông sông Nậm Rốm, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tiến công các cứ điểm 505
và 505A (Dominique 3), tiêu diệt 1 đại đội lính An-giê-ri.
Ở phía tây, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt gọn 1 đại bộ binh lê
dương, hoàn toàn chiếm lĩnh cứ điểm 311A (Huguette 5). Ở phía nam, Trung đoàn
57 của Đại đoàn 304 tiêu diệt một bộ phận địch tại khu C trong cụm cứ điểm Hồng
Cúm.
* Trong cuốn: Henri Navarre, Thời
điểm của những sự thật (Trích Hồi ký của Tướng Navarre về Điện Biên phủ), Nguyễn
Huy Cầu dịch, Nxb Công an nhân dân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, có viết:
“Ngày 1/5, chiến hào đối phương đã trực tiếp tiếp xúc với chúng tôi. Quân số
của họ được bổ sung và còn có thêm đầy đủ lực lượng dự bị. Dự trữ đạn cũng đã
có đủ. Đối đầu với họ lúc này, chúng tôi chỉ có những đơn vị mệt mỏi và rất
thiếu hụt quân số. Một phần pháo binh đã bị phá hủy và đạn cũng rất thiếu.
Việt Minh bắt đầu tổng công kích. Sau một ngày chiến đấu, khắp xung quanh
khu Trung tâm đều bị đánh chiến. Những cuộc phản kích của chúng tôi chỉ khôi
phục được một phần tình hình. Đứng trước thế phải lựa chọn, hoặc chứng kiến
cuộc chiến đấu sẽ nhanh chóng kết thúc, hoặc còn cố thủ được nó rất ít ngày
bằng cách tăng cường lực lượng, theo yêu cầu của Tướng Cô-nhi, tôi quyết định
ngày 2 tháng 5 sẽ ném xuống Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù thứ 5 - Tiểu đoàn dù
thuộc địa số 1 (1BPC), nhưng do khu vực nhảy dù đã bị thu hẹp nên chỉ ném xuống
được nửa tiểu đoàn”.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Tại Hồng Cúm, Trung đoàn 57 tăng cường
vây ép, tiến công diệt nhiều sinh lực địch, rạng sáng ngày 2/5/1954, địch phải
rút khỏi khu C.
4 giờ sáng cùng ngày, Trung đoàn 209
(Đại đoàn 312) chiếm được cứ điểm 505 và 505A (Dominique 3) trên bờ phía đông
sông Nậm Rốm. Đêm ngày 2/5/1954, Trung đoàn 36 diệt gọn cứ điểm 311B (Huguette
4). Trong ngày, các đơn vị của ta loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn địch,
bắn rơi 1 máy bay quan sát kiểu Morane và 1 máy bay Corsair.
Sau thắng lợi của ta, Trung tâm đề
kháng Eliane án ngữ phía đông tập đoàn cứ điểm chỉ còn hai vị trí là A1 (Eliane
2), C2 (Eliane 4). Bên phía tây cánh đồng Mường Thanh, bộ đội mở các đường hào
thẳng hướng đến Sở chỉ huy của Đờ Cát, có nơi chỉ cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ
điểm 300m.
Về phía địch: Trong lúc các đơn vị
quân Pháp đang bị vây hãm tại lòng chảo Điện Biên Phủ, ngày 2/5/1954, Chính phủ
Mỹ buộc phải chấp nhận lập trường kiên định của Chính phủ Liên Xô về việc Việt
Nam Dân chủ cộng hòa là một bên trong Hội nghị Giơ-ne-vơ. Với sự ủng hộ tích
cực của Liên Xô, lần đầu tiên Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế lớn, mặc dù
chưa được các nước Anh, Pháp, Mỹ công nhận về mặt ngoại giao.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt ở Điện Biên
Phủ, ngày 2/5/1954, Navarre vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội triệu tập một cuộc
họp bàn cách cứu vãn tình thế. Tướng Navarre cũng đã báo cáo về Pháp và được
trả lời: “Dù thế nào cũng không được đầu hàng". Trước tình thế đó,
Navarre chủ trương: Tiếp tục chiến đấu cầm cự nhằm kéo dài thời gian tồn tại
của Điện Biên Phủ.
Dưới sự đôn đốc trực tiếp của Navarre,
ngay trong ngày và đêm 2/5/1954 đã có 120 tấn hàng tiếp tế thả xuống Điện Biên
Phủ, trong đó 50% bị thất lạc, góp phần nâng số lương thực dự trữ từ ba lên năm
ngày, cùng với 5 cơ số đạn pháo 105mm, 3 cơ số đạn pháo 155mm, 3 cơ số đạn cối
102 mm.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Ngày 3/5/1954, quân Pháp tăng cường
Đại đội 2, Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1, 100 khẩu pháo 57mm và khoảng 400 trọng
liên đã được thả xuống Điện Biên Phủ. Ở Hải Phòng, Tàu sân bay Bois Belleau cập
bến cảng.
Trong bài viết "Liên khu Việt Bắc
phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ" (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học:
“Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, Trung tướng Nguyễn Hồng
Thái, có viết:
"Trước yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ chi viện cho chiến trường,
Liên khu ủy Việt Bắc đã ra Chỉ thị “Tích cực bảo vệ đường giao thông quốc
phòng”, động viên quân và dân phát huy vai trò là hậu phương phối hợp với mặt
trận chính Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy Liên khu Việt Bắc giao nhiệm vụ bảo quản,
sửa chữa những con đường nội tỉnh cho từng địa phương phụ trách bảo vệ. Với sự
cố gắng, nỗ lực không ngừng, quân và dân Liên khu Việt Bắc đã huy động được
2.368.876 ngày công lao động làm mới được hơn 1.600km đường, bắc 214 cầu với
chiều dài 2.482m. Toàn Liên khu có tới 36.519 lượt người đi dân công hỏa tuyến;
đặc biệt có nhiều gia đình cả ba thế hệ cùng ra trận. Đồng bào các dân tộc Việt
Bắc tự quyên góp tiền mua hơn 6.000 xe đạp thồ, hình thành “Đội quân tay ngai”
tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Cùng với đó, nhân
dân huy động ủng hộ mặt trận được 4.680 tấn gạo, 454 tấn thịt, 113 tấn đậu, 800
tấn rau quả. Đoàn dân công bao gồm già, trẻ, gái, trai từ các rẻo cao ngày đêm
nô nức ra các điểm tập kết trên tuyến Đường số 1, Đường số 3 tiếp nhận hàng
viện trợ của các nước anh em, vận chuyển lên chiến trường Điện Biên Phủ.
* Trong cuốn Lời thú nhận muộn mằn,
Nxb Hà Nội, 2004, tr. 78, Marcel Bigeard (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Pháp) có viết: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những
chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh
của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn”.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm
nhiệm vụ, đường hầm dài 49m đã hoàn thành. Chiều và đêm ngày 4/5/1954, khối
thuốc nổ gần 1.000kg chia làm 49 gói, do đồng chí Nguyễn Điệt thiết kế đưa vào
buồng nổ cuối đường hầm cùng với 6 đường dây chuyền nổ nối vào nụ xòe, dây cháy
chậm và 1 đường dây điểm hỏa bằng điện. Phân đội công binh đã hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ đào đường hầm và đưa thuốc nổ vào lòng đồi A1.
Tiếp đó, 1 tổ gồm các đồng chí: Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Lưu
Viết Thoảng và Nguyễn Văn Bạch, do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy được
giao nhiệm vụ điều khiển cho bộc phá nổ khi có lệnh. Toàn phân đội công binh đã
nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh để làm nhiệm vụ, trong đó có đồng
chí Lưu Viết Thoảng, sau này cùng với thành tích phá bom được tuyên dương Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Về phía địch: Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 tới tiếp viện
cho Đại đội 2 đóng tại Eliane 2 (A1) vào lúc rạng sáng ngày 4/5/1954; tiểu đoàn
1 thuộc bán Lữ đoàn lê dương số 13 rút lui.
Ngày 4/5/1954, Cônhi điện cho Đờ Cát-xtơ-ri một số chỉ thị về cuộc rút
chạy theo quyết định của Tổng chỉ huy, trao cho Đờ Cát-xtơ-ri quyền lựa chọn
cách thức và thời gian tùy theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh;
trước hết phải phá hủy các xe tăng, đại bác, tài liệu mật, mật mã và dụng cụ vô
tuyến điện. Cho tới khi có lệnh phải duy trì nhiệm vụ chống cự tại chỗ, không
được có tư tưởng rút lui, phải hết sức giữ bí mật về kế hoạch và chuẩn bị sự
thực hiện thận trọng tối đa.
Thực hiện quyết định của Na-va, ngay trong ngày 4/5/1954, Đờ Cát-xtơ-ri
họp các sĩ quan cao cấp tại Mường Thanh phổ biến kế hoạch Albatros. Cuộc họp có
mặt Lăng-gơ-le, Lơ-mơ-ni-ê, Bi-gi-a, Va-đô và Xê-ganh Pa-gít. Sau khi bàn thảo,
Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ quyết định phải chia làm ba cánh quân khi
rút chạy. Dự kiến kế hoạch rút chạy sẽ được thực hiện vào 20 giờ ngày 7/5/1954.
Ở Hà Nội, Tổng cao ủy Dejean và Tổng tư lệnh Na-va nghiên cứu kế hoạch xúc
tiến ngừng bắn ở Đông Dương.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Ngày 5/5/1954, quân ta củng cố các vị
trí đã chiếm được tại Eliane 1 (C1) và Dominique 3 (505, 505A).
Về phía địch: Những
trận mưa lớn ban đêm cản trở các hoạt động quân sự; nhiều hầm hố bị ngấm nước
mưa đã sụp đổ. Quân Pháp tiếp tục chi viện 74 lính thuộc Tiểu đoàn dù thuộc địa
số 1 nhảy dù xuống chi viện cho Điện Biên Phủ. Quá
nửa đêm cùng ngày, Bộ chỉ huy pháo binh địch báo cáo về cơ quan hậu cần tình
hình đạn pháo bắn trong ngày: 2600 quả 105mm, 40 quả 155mm và 1180 quả 120mm.
Với nhịp bắn như thế này, nếu tiếp tế đường không không tăng lên thì Điện Biên
Phủ ngay từ ngày mai sẽ thiếu đạn pháo. Kiểm kê kho: lương thực còn 3
ngày, đạn pháo 105mm còn 3 cơ số, đạn pháo 155mm còn 2 cơ số, đạn cối 120mm còn
1 cơ số. Đại đội 3 thuộc
Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 tới Eliane 2 (A1) thay cho bộ phận còn lại của Tiểu
đoàn 1 bán Lữ đoàn lê dương 13.
Mỹ lập cầu hàng không tiếp tế bằng máy bay vận tải cỡ lớn C119 chi viện
cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ gặp khó khăn. Vào lúc 5 giờ ngày 5/5/1954, hai
chiếc C119 thả được dù, 37% của 78 tấn hàng thả dù trong ngày bị mất. Hầu hết
số hàng nêu trên đều rơi sang trận địa của ta.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Giữa lúc địch đang ráo riết chuẩn bị
cho cuộc rút chạy, ngày 6/5/1954, quân ta tiếp tục tiến công. Đại đoàn 316 đánh
chiếm các cứ điểm C2 (Eliane 4), A1 (Eliane 2). Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm
506, 507 (Eliane 10), quét sạch quân địch ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308
tiến đánh cứ điểm 310 (Nà Noọng) (Claudine 4), nhanh chóng mở một mũi tiến công
hướng vào Sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri. Đại đoàn 304 dùng một đơn vị chốt chặn
ở Nà Tu, bịt đường sang Lào đề phòng địch rút chạy. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết
định nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công, chuẩn bị mọi điều kiện
chuyển sang tổng công kích.
20 giờ ngày 6/5/1954, quân ta tập
trung hỏa lực pháo cối bắn dữ dội vào A1 (Eliane 2), C2 (Eliane 4), các cứ điểm
506 (Eliane 10), 310 (Claudine 4). Ngoài lực lượng pháo 105mm, sơn pháo 75mm,
cối 120mm, 81mm, lần này còn có 12 dàn hỏa tiễn H6 (6 nòng), mỗi loạt bắn 72
phát lần đầu tiên xuất hiện. Sau đợt pháo kích kéo dài 45 phút. Địch phản ứng
yếu ớt nhưng chúng đã có sự chuẩn bị. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả các
khẩu pháo của địch còn lại ở Mường Thanh tập trung trút đạn xuống những trận
địa chiến hào ta ở chung quanh A1 (Eliane 2), C2 (Eliane 4).
Tại khu vực đồi A1, lúc 20 giờ 25 phút
cùng ngày, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về
phía đồi A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của khối bộc
phá gần 1 tấn phát nổ. Đúng 20 giờ 30 phút, sau tiếng nổ trầm trên đồi A1,
Trung đoàn 174 chia làm nhiều mũi theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi; thọc
một mũi dùi chia cắt A1 (Eliane 2) với Mường Thanh.
Về phía địch: Quân Pháp tiếp tục
tăng cường 94 lính thuộc Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1, đại đội chỉ huy và một
phần đại đội 4 nhảy dù xuống Điện Biên Phủ cùng với đại úy tiểu đoàn trưởng
Bazin. Đại tá Langlais lệnh cho máy bay Dakota chở Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn dù
thuộc địa số 1 quay trở về Hà Nội. Trong đêm, tướng Đờ Cát-xtơ-ri đề nghị tiếp
tế gấp đạn súng cối tất cả các cỡ. Kết quả, có 42 tấn hàng đã thả xuống nhưng
không thu nhặt được một kiện hàng nào.
XEM CHI TIẾT>>>
BBT