70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: Nhật ký Chiến dịch từ ngày 08/4 đến ngày 16/4
Để hoàn
thành tốt nhiệm vụ còn lại của đợt 2, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị các đơn vị
tăng cường xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch; khi trận địa ta càng
vào gần, vòng vây càng khép chặt, địch sẽ càng ngoan cố đối phó. Do vậy, ta
phải có trận địa tốt để bao vây và trụ bám đánh địch phản kích.
Bên cạnh đó, ta khống chế không phận Điện Biên
Phủ bằng mọi thứ hỏa lực, suốt cả ngày lẫn đêm, tổ chức tranh đoạt dù tiếp tế
và tiếp viện đường không, làm mất chỗ dựa chủ yếu còn lại của địch, đẩy chúng
vào tình thế ngày càng nguy khốn...
Về phía địch, chúng tăng cường 167 lính nhảy
dù cho Điện Biên Phủ; điều 2 máy bay C119 trút toàn bộ số đạn pháo mang theo
xuống bãi thả dù. Đến sáng ngày 8/4/1954, một đơn vị Pháp được cử ra tận bản Cò
Mỵ để thu nhặt thì không còn vết tích gì về số đạn pháo đã thả lạc.
Tại Sài Gòn, Đại tá Gentil, Trưởng ban kỹ
thuật Quân đội Pháp cho biết, sau khi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia ở Pháp
và đề xuất có thể gây mưa nhân tạo trên đoạn Đường 41 dẫn đến Điện Biên Phủ.
Những trận mưa nhân tạo, kết hợp với những cơn dông tự nhiên có thể gây khó
khăn cho xe ô-tô tải chở vật chất tiếp tế cho bộ đội ta.
Dù khả năng đạt kết quả của công trình thử
nghiệm này rất yếu, nhưng Navarre đã đồng ý cho huy động các phương tiện để thử
nghiệm.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Ngày
9/4/1954, de Castries huy động 1 tiểu đoàn có xe tăng và hỏa lực mạnh yểm hộ,
mở cuộc phản kích chiếm lại đồi C1 để cải thiện thế đứng chân của chúng tại khu
đông trận địa trung tâm, nhưng chúng bị Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp
bẻ gãy ba đợt xung phong.
16 giờ cùng ngày, quân ta phát bức điện về
việc trao đổi thương binh: Gửi Ông Chỉ
huy quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ - “stop” - Chúng tôi đã nhận được
lời thông báo của ông về chuyện thương binh chúng tôi đang đợi chỉ thị của cấp
trên và hy vọng mai sẽ trả lời được cho ông biết giờ hẹn gặp - “stop” - Ký tên
Trung đoàn trưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam bố trí ở phía đông Điện Biên
Phủ.
Trong ngày, cơ quan quân y của ta báo cáo có
240 thương binh "được nằm", còn 350 người khác vẫn "phải
ngồi" trong hầm chật hẹp; thương binh nào không cần phải có thầy thuốc
theo dõi thường xuyên được trả về đơn vị; tổng số thương binh ở trạm xá và ở
đơn vị vào thời điểm này là hơn 1.500 người.
18 giờ ngày 9/4/1954, địch sử dụng 2 máy bay
Helldiver của hàng không mẫu hạm Arromanches bay thấp trên Đường 41 tìm đánh
phá những đoàn vận tải của ta đang trên đường chuyển ra mặt trận; trong đó 1
máy bay của địch đã bị pháo cao xạ của ta bố trí ở Him Lam bắn rơi xuống phía
tây Nà Noọng (Claudine 4). Ngay trong đêm, Pháp tiếp tục bổ sung 77 lính dù và
195 tấn hàng tiếp tế xuống Điện Biên Phủ, nhưng địch chỉ thu nhặt được 6 tấn
hàng.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Cuộc phản
kích chiếm lại đồi C1 của địch bước sang ngày thứ 2. Đến trưa ngày 10/4/1954,
địch đã chiếm được một phần đồi C1. Lực lượng tiếp viện của Trung đoàn 98 đã
phải dùng lưỡi lê ào lên đánh giáp lá cà với địch.
Với ưu thế của hỏa lực không quân, được pháo
binh chi viện, địch tập trung lực lượng và hỏa lực phản kích chiếm lại được
đỉnh đồi C1, đẩy 1 đại đội của Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98 lùi xuống nửa đồi
phía đông. Đến 21 giờ cùng ngày, Trung đoàn 98 tổ chức đợt phản kích nhưng
không thành công. Trong ngày, quân Pháp thả 302 lính dù lê dương, cùng 195 tấn
đạn dược xuống Điện Biên Phủ.
Theo đề nghị của ta, hai bên trao trả thương
binh: Lính Pháp bị thương được trao trả ở phía nam Claudine, trên đường 41;
thương binh ta được trao trả ở Km số 2 đường Pavie (đi Lai Châu).
Để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của đợt 2,
theo quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 10/4/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra
Mệnh lệnh số 95/B1, do Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ
Nguyên Giáp ký, gửi Đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351 và giao nhiệm vụ cụ thể
cho các đơn vị nêu trên.
Cũng trong ngày 10/4/1954, Tổng cục Chính trị
ra Chỉ thị số 88-CTH, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị ký về lãnh đạo tư tưởng hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch Đông Xuân. Chỉ thị
được gửi đến các đại đoàn, các khu tư lệnh và các trung đoàn trực thuộc. Theo
đó, Chỉ thị đã biểu dương các cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần chịu đựng
gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng và lập nhiều thành tích to
lớn, nhất là các trận ở sân bay Gia Lâm, Cát Bi, đường số 5 và khu Tây Nguyên…
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đề ra phương châm
lãnh đạo tư tưởng là: Đẩy mạnh tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu của
bộ đội, nâng cao quyết tâm tiêu diệt địch lên một bước nữa; khắc phục tư tưởng
chủ quan khinh địch, sợ mỏi mệt muốn nghỉ ngơi; tích cực phối hợp với Điện Biên
Phủ tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa, giành thắng lợi hoàn toàn cho
Chiến dịch Đông Xuân.
XEM CHI TIẾT>>>
--------------
Cuộc phản
kích của địch chiếm đồi C1 bước sang ngày thứ ba. 2 giờ sáng ngày 11/4/1954, trên
mỏm cao Cột Cờ ở cứ điểm đồi C1 không còn đường hào, công sự nào nguyên vẹn. Cả
ta và địch đều dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên quả đồi đã bị
bom đạn hủy diệt toàn bộ công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu.
Bộ đội ta phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng
ngự. Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ phòng ngự tại đồi C1 cũng được tăng cường Tiểu
đoàn 888, thuộc Trung đoàn 176.
Đến chiều ngày 11/4/1954, Đại đội 811, Tiểu
đoàn 888 được đưa ra phòng ngự tại đồi C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt
hai ngày rút về phía sau. Từ đây, Đại đội 811, Tiểu đoàn 888 đảm nhiệm phòng
ngự tại đồi C1 20 ngày liền cho tới lúc ta hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này.
Quân Pháp cũng phải đưa đại đội thứ ba của
Tiểu đoàn lê dương dù 2 vừa chân ướt chân ráo tới Mường Thanh thay thế cho lực
lượng chiến đấu suốt đêm ngày 10 rạng ngày 11/4/1954 đã quá rệu rã.
Đến đêm 11/4/1954, quân ta tiếp tục phản kích
nhưng vẫn không chiếm được khu vực Cột Cờ; đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch
mỗi bên chiếm một nửa đồi. Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ
nguyên trạng; thỉnh thoảng có những trái lựu đạn, những loạt súng liên thanh
qua lại, những luồng súng phun lửa, các cuộc đột kích chớp nhoáng diễn ra.
Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư
lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi Thư cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9,
Đại đoàn 304 đang tham gia tiễu phỉ trên địa bàn miền núi phía bắc.
Đại tướng gửi lời khen ngợi đến toàn thể cán
bộ, chiến sĩ Trung đoàn và thông báo một trong những âm mưu của địch là đánh
phá đường vận tải, gây khó khăn cho ta trong quá trình cung cấp, tiếp tế, chi
viện, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho
Trung đoàn 9 phải giữ vững được tuyến vận tải, bảo đảm đường sá thông suốt, góp
phần vào thắng lợi của Chiến dịch.
XEM CHI TIẾT>>>
--------------
Ngày
12/4/1954, Bộ đội ta tiếp tục đào vây lấn, uy hiếp các cứ điểm 105 và 106 của
địch. Lúc 11 giờ 40 phút cùng ngày, chiếc máy bay thứ 50 của quân Pháp bị ta
bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là pháo đài bay ném bom 4 động cơ B.24
(Privateer), với tổ bay 9 người, lần đầu bị hạ trên chiến trường Việt Nam; bom
nằm trong khoang địch chưa kịp thả; số bom này đã cung cấp cho bộ đội công binh
thuốc nổ để ta đặt trong đường hầm A1 vào đầu tháng 5.
15 giờ chiều cùng ngày, một máy bay B.26 thả
bom trúng vị trí quân Pháp ở cứ điểm Epécviê, ngay gần Sở Chỉ huy của Đờ
Cátxtơri, làm nổ tung một kho đạn và chết nhiều binh lính. Nguyên nhân là do
lưới lửa phòng không cao xạ của ta đang kiểm soát chặt chẽ bầu trời Điện Biên
Phủ gây khó khăn cho những viên phi công Pháp, cùng với những chiến hào đang
ngày càng tiến sát địch khiến vị trí đôi bên quá gần nhau, gây khó khăn cho phi
công Pháp trong việc cắt bom và tiếp tế.
Để tránh lưới lửa phòng không của quân ta,
thực dân Pháp phải chuyển sang thả dù lương thực, đạn dược ban đêm. Có đêm Tập
đoàn cứ điểm nhận được hơn 200 tấn đồ tiếp tế. Tình hình lương thực của tập
đoàn cứ điểm được cải thiện chút ít; làm theo cách này những chiếc máy bay vận
tải cũng được an toàn hơn, nhưng việc thu lượm dù vẫn phải tiến hành ban ngày.
Dẫu vậy, địch vẫn vấp phải những khó khăn mới, bởi Bộ Chỉ huy chiến dịch tiếp
tục chủ trương cho các đơn vị tổ chức đoạt dù, chặn đường tiếp tế của địch để
khoét sâu thêm khó khăn của địch, kịp thời bồi dưỡng lực lượng ta. Thực hiện
chủ trương nêu trên, tất cả các đại đoàn đặt ra kế hoạch đoạt dù địch rất hào
hứng sôi nổi.
Cũng trong ngày 12/4/1954, Tổng Quân ủy ra Chỉ
thị số 26-TQU/H gửi các Khu ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu và Đảng ủy các đơn
vị về việc phổ biến chính sách của Chính phủ đối với ngụy binh và nhân viên
ngụy quyền bỏ hàng ngũ giặc trở về với Tổ quốc.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Ngày
13/4/1954, Pháp thả 240 tấn hàng, trong đó có 50 tấn lương thực, xuống Điện
Biên Phủ. Qua 2 đợt chiến đấu, quân ta đã chiếm lĩnh đại bộ phận các cao điểm ở
mặt Đông - trọng điểm phòng ngự của địch bị vỡ, vòng vây thắt chặt, Mường Thanh
và sân bay bị uy hiếp, việc tiếp tế và tăng viện của địch bằng không quân gặp
nhiều khó khăn lớn. Ý định của địch là tìm mọi cách chiếm lại đồi C1 và dần dần
chiếm các điểm cao phía đông bắc nhằm khôi phục lại trận địa phòng ngự.
Nhiệm vụ của ta lúc này là kiên quyết giữ
những điểm cao đã chiếm được, không để cho địch phản kích chiếm lại, để giữ thế
bao vây, uy hiếp địch, đồng thời là bàn đạp tiến công tiêu diệt địch. Để làm
tốt điều này, ngày 13/4/1954, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị về mấy vấn đề xây
dựng trận địa phòng ngự trên các cứ điểm mới chiếm lĩnh.
Trước tình hình cứ điểm địch bố trí phức tạp,
dày đặc, bên trong lại chia thành khu vực, mỗi khu vực một phần nào đó có thể
chiến đấu độc lập. Trong tung thâm, các cứ điểm sát nhau thành nhiều tầng, lớp
ngang dọc. Do đó, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Chỉ thị vấn đề dùng bộ đội nhỏ “đánh
lấn” trong công kiên có tính chất trận địa. Bởi, ta dùng bộ đội nhỏ đánh lấn
kết hợp với lối đánh công kiên thường là để tranh thủ sát thương thêm nhiều
sinh lực địch, phá hủy dần công sự của chúng, tạo điều kiện tốt để tấn công
tiêu diệt chúng.
Cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số
98-CT/B1 về việc huấn luyện cấp tốc tân binh mới bổ sung. Theo chủ trương của
Tổng Quân ủy, các đơn vị đều được bổ sung thêm một số tân binh.
Để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, chúng ta
phải tranh thủ từng giờ, từng phút huấn luyện cho tân binh những phần cần
thiết.
Nội dung huấn luyện nhằm 4 kỹ thuật: bắn súng,
ném lựu đạn, đào công sự và đánh bộc phá.
Về phương pháp huấn luyện: Từng cựu binh huấn
luyện cho từng tân binh; cán bộ từ trung đội trưởng trở xuống huấn luyện từ 1-2
người… Huấn luyện để bảo đảm cho tân binh khi chiến đấu giết giặc không phải
chịu những thương vong vô ích vì bỡ ngỡ, vì kỹ thuật non kém.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Trên cánh
đồng Mường Thanh, sáng ngày 14/4/1954, toán địch đầu tiên đi tuần trên sân bay,
chợt nhận thấy đường hào ở phía tây đã cắt đứt liên lạc giữa Huguette 1 (cứ
điểm 206) và Huguette 6 (cứ điểm 105) với khu trung tâm. Một mũi hào khác đâm
thẳng vào sân bay Mường Thanh... Buổi trưa, những đơn vị dù 6 và 8 thử mở đường
tới Huguette 1, nhưng bị chặn lại trước những bãi mìn mới rải và những loạt đạn
súng cối của ta.
13 giờ 30 phút cùng ngày, Đờ Cátxtơri điện cho
Cônhi: “1. Số phận của G.O.N.O sẽ được định đoạt trước ngày 10/5 (...). 2. Trận
địa phát triển đe dọa Huguette 1 và Huguette 6. Mưu toan giải tỏa Huguette 1
tiến hành sáng nay vấp phải nhiều bãi mìn giữa Huguette 1, Huguette 3, Huguette
5 và hỏa lực súng cối và pháo binh. Sẽ tiếp tục khi trời tối đồng thời với việc
sửa chữa đường băng”.
Theo kế hoạch, hai trung đoàn của Đại đoàn 308
và hai trung đoàn của Đại đoàn 312 đã được triển khai chung quanh phía bắc sân
bay. Cứ điểm 206 bảo vệ phía tây sân bay đã bị chiến hào của Trung đoàn 36 cắt
rời khỏi Mường Thanh. Cứ điểm 105 ở phía bắc sân bay cũng bị chiến hào của
Trung đoàn 165 bao vây. Hai mũi chiến hào của Đại đoàn 308 và 312 đang nhanh
chóng đâm thẳng vào giữa sân bay.
Chiều 14/4/1954, trong lúc những chiếc xe vận
tải của địch được đưa tới Épervier để thu dù, nhận đồ tiếp tế thì một loạt đạn
đại bác của ta rót đúng khu vực. Nhiều thứ lương thực, trong đó có 5.080 suất
ăn chiến đấu, 300kg phomát, 700kg chè, 450kg muối, 110 thanh sô-cô-la... đều
bốc cháy...
Cùng ngày, Na-va điện cho Ê-ly đề nghị Mỹ dùng
từ 15 đến 20 máy bay B-29 ném bom xuống đường 41 quãng giữa sông Hồng và Tuần
Giáo. Nhưng Ê-ly trả lời; "Rát-pho không chấp nhận giải pháp này"…
Trên chiến trường phối hợp: Đêm 14/4/1954, Đại
đội 29, Tiểu đoàn 58 của tỉnh Hưng Yên dùng chiến thuật mật tập địch ở Chùa
Đàm, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch. Tại Tứ Kỳ, Hải Dương, đêm cùng ngày, bộ đội
huyện dùng nội ứng đánh vị trí Đại Lộ lần thứ hai, bắt 30 tên. Trên đường 20,
Đại đội 75 tổ chức phục kích đoạn Phủ Vạc đi Kẻ Sặt, diệt và bắt 1 trung đội
địch; 1 đại đội tỉnh phối hợp Trung đoàn 42 chủ lực Liên khu 3 tập kích ở làng
Sãi, diệt 2 đại đội địch, bắt 50 tên.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Tại Phân
khu nam, vào lúc 16 giờ ngày 15/4/1954, một chiếc máy bay C.119 bay đến lượn
mấy vòng rồi thả xuống một loạt dù, trong đó có một chiếc dù đỏ rơi gần trận
địa của ta. Xẩm tối, chiến sĩ ta ra lấy dù, thấy có một chiếc hòm đã đưa về Sở
Chỉ huy Trung đoàn 57. Trong hòm toàn những gói quà gồm: thuốc lá, rượu, xúc
xích, jăm-bông, áo may ô, lưỡi dao cạo râu và một lá thư màu hồng sực mùi nước
hoa của vợ Đờ Cát-xtơ-ri gửi cho chồng nhân dịp được thăng quân hàm cấp tướng.
Đơn vị xin ý kiến Bộ Chỉ huy mặt trận cách xử
lý với lá thư. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm nói nên chuyển lại cho Đờ
Cát-xtơ-ri.
Ta thông báo trên bộ đàm. Chỉ một giờ sau,
đúng theo quy ước, một tên lính Pháp mang cờ trắng tới địa điểm hẹn, nhận lá
thư đem về Mường Thanh.
Chung quanh cụm cứ điểm Hồng Cúm, các chiến sĩ
súng trường, súng máy, sơn pháo, các cỡ súng cối lớn nhỏ sẵn sàng chờ địch xuất
hiện. Sau nhiều lần bị ta đánh lừa, ban ngày quân địch không dám đi lại, không
dám nhô đầu lên khỏi chiến hào. Mỗi lần đi thu nhặt dù, địch phải tổ chức như
một trận đánh có xe tăng đi kèm và pháo bắn hiệp đồng.
Đêm 15/4/1954, chiến hào của Trung đoàn 88 ở
phía tây và chiến hào Trung đoàn 141 ở phía đông đều vượt qua 5 lần rào tiến
vào sân bay... Nhận thấy sân bay Mường Thanh có nguy cơ bị cắt làm đôi và Cứ
điểm 105 (Huguette 6) ở đầu bắc sân bay sắp bị tiêu diệt, Đờ Cát-xtơ-ri ra lệnh
Lăng-gơ-le lập tức tiến hành giải tỏa sân bay, trước hết là tiếp tế cho Cứ điểm
105. Sau đó, Lăng-gơ-le huy động ba tiểu đoàn dù số 1, số 2 và số 6 mở cuộc
hành binh giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105. Lúc đó, binh lính lê dương ở cứ
điểm này không chỉ thiếu đạn dược, mà còn thiếu cả nước uống.
Rạng sáng cùng ngày, đoàn quân của địch đi
giải tỏa đã chạm đường hào của Trung đoàn 141 trên sân bay, cuộc chiến đấu diễn
ra suốt bốn giờ liền địch mới mở được đường mang đồ tiếp tế đến cho Cứ điểm
105. Lúc xuất phát có 35 người gánh nước, khi tới đồn chỉ còn 7 người và 5
thùng nước. Lính trong đồn đành phải chia nhau dè sẻn, mỗi ngày mỗi tên chỉ
được phân phát một ca nước trong lúc trời rất nóng nực.
XEM CHI TIẾT>>>
BBT