Nhận diện và đấu tranh với một số học thuyết phi mác-xít kiểu mới hòng phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Mác (kỳ 1)
Các Mác (1818 - 1883) _Nguồn: Tư liệu
Chủ nghĩa, học thuyết, trào lưu
tư tưởng phi mác-xít kiểu mới là những tư tưởng chính trị phê phán, phủ nhận chủ
nghĩa Mác bằng nhiều hình thức khác nhau, hoặc trực tiếp bài bác công khai; hoặc
“khoác áo mác-xít” để tinh vi chống phá; hoặc thừa nhận một phần, nhưng đòi
tách nhánh, sửa đổi, chiết ghép vô nguyên tắc, hỗn tạp với nhiều học thuyết
khác, làm biến dạng, sai lệch bản chất của chủ nghĩa Mác chính thống... Đây là
những chủ nghĩa, học thuyết, trào lưu tư tưởng mới ra đời hoặc là biến thể mới
của những hình thức chống phá truyền thống trước đây, với đủ sắc thái của chủ
nghĩa cải lương, cơ hội, xét lại..., cùng những luận điệu chống phá mới ngày
càng tinh vi, khó nhận biết.
Với tư cách là một học thuyết
khoa học, cách mạng của thời đại, chủ nghĩa Mác “hoàn bị và chặt chẽ”(1),
có sức sống mãnh liệt, tự mang trong mình tính phản biện mạnh mẽ đối với các
khuynh hướng tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, phản động. “Học thuyết của Mác... không
thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi
nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”(2). Đặc biệt, với học thuyết của C.
Mác, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các quy luật phát triển của xã hội
loài người được phát hiện. Trong đó, C. Mác đã chỉ ra quy luật cách mạng xã hội
nói chung và cách mạng vô sản nói riêng, sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản
và thắng lợi tất yếu của cách mạng vô sản, cùng sự ra đời của chủ nghĩa xã hội.
C. Mác cũng luận chứng toàn diện về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong
việc lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội mới cộng sản chủ nghĩa, qua đó
giúp giai cấp công nhân và chính đảng của mình củng cố niềm tin, sự kiên định
lý tưởng cộng sản, đồng thời cũng vũ trang cho họ nền tảng tư tưởng và lý luận
cách mạng, khoa học để đấu tranh thắng lợi với tư tưởng tư sản và các loại tư
tưởng thù địch, phản động khác dưới nhiều hình thức.
Là người trực tiếp lãnh đạo cuộc
cách mạng xã hội chủ nghĩa, V.I. Lê-nin vận dụng sáng tạo học thuyết Mác để giải
quyết những vấn đề của cách mạng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và bắt đầu
xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; đồng thời là tấm gương mẫu mực về bảo vệ
chủ nghĩa Mác trước sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Để bảo vệ tính cách
mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác, V.I. Lê-nin đấu tranh không khoan nhượng chống
các trào lưu phi mác-xít trong nội bộ nước Nga và quốc tế, từ chủ nghĩa dân túy
tự do phản động phủ nhận vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, phái “những
người mác-xít hợp pháp” muốn “khuôn” chủ nghĩa Mác hợp với quyền lợi của giai cấp
tư sản, đến chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội quốc tế âm mưu phủ nhận chủ
nghĩa Mác trên quy mô toàn cầu... Tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương
trình Đại hội VIII Đảng Cộng sản Nga (năm 1919), trước những ý kiến nhân danh
lòng yêu nước để đả kích “bước lùi” trong việc ký Hòa ước Brest-Litovsk (năm
1918), V.I. Lê-nin đã trực tiếp nhắc tên và kịch liệt phê phán những “tư tưởng
phi mác-xít” hết sức nguy hiểm: “Người nào lên án bước lùi đó tưởng là
theo quan điểm cách mạng thì thực sự đã có một quan điểm căn bản sai lầm
và phi mác-xít”(3). Việc vạch trần những quan điểm phi
mác-xít ngụy trang dưới vỏ bọc “quan điểm cách mạng” đó có vai trò quan trọng
trong giữ vững trận địa tư tưởng để bảo vệ Đảng Cộng sản Nga và nhà nước xã hội
chủ nghĩa non trẻ đầu tiên trên thế giới mới ra đời khi đó... V.I. Lê-nin đã
không chỉ bảo vệ thành công chủ nghĩa Mác, mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác lên một tầm cao mới.
V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ: “...lịch
sử tư tưởng chính là lịch sử của quá trình thay thế của tư tưởng, do đó là
lịch sử đấu tranh tư tưởng”(4), đồng thời cảnh báo
rằng: “Trong toàn thế giới văn minh, học thuyết của Mác đã gây ra sự cừu địch mạnh
nhất và lòng căm thù trong toàn thế giới khoa học tư sản...”(5). Do
đó, tư tưởng lý luận của chủ nghĩa xã hội ngay từ khi ra đời tất yếu đã phải
đương đầu với sự phê phán, xuyên tạc, bài bác, phủ nhận dưới nhiều hình thức
khác nhau, với mọi màu sắc của các lực lượng, các trào lưu tư tưởng phi
mác-xít. Đấu tranh chống các chủ nghĩa, học thuyết, trào lưu tư tưởng phi
mác-xít là cuộc đấu tranh trường kỳ, phức tạp, mang tính sống còn của các đảng
cộng sản, những nhà tư tưởng mác-xít và những người cách mạng để bảo vệ bản chất
khoa học, cách mạng triệt để, nhân văn cao cả và những giá trị đương đại của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, các khuynh hướng, trào lưu tư tưởng phi mác-xít vẫn còn xuất hiện
và tồn tại. Khi xây dựng học thuyết về các hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác
và Ph. Ăng-ghen sớm cảnh báo thời kỳ chuyển biến từ hình thái tư bản chủ nghĩa
lên hình thái cộng sản chủ nghĩa chưa thể là một xã hội phát triển trên cơ sở của
chính nó, mà là một trạng thái xã hội về mọi phương diện, trong đó có các yếu tố
của kiến trúc thượng tầng, còn mang dấu vết của xã hội cũ. Đến đầu thế kỷ XX,
V.I. Lê-nin luận chứng sinh động và cụ thể phạm trù thời kỳ quá độ có nghĩa là
trong chế độ hiện tồn vẫn có “những thành phần”, “những bộ phận”, “những mảnh”
của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định,
“một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go,
kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái
thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển...”(6).
Ở nước ta hiện nay, bên cạnh những
nhân tố quyết định sự hình thành và bảo đảm con đường phát triển xã hội chủ
nghĩa, vẫn còn hiện hữu không ít nhân tố, trong đó có nhân tố trong lĩnh vực tư
tưởng - văn hóa, chưa thực sự là của chủ nghĩa xã hội. Sự song hành tồn tại đó
dẫn đến các yếu tố chủ nghĩa xã hội và phi chủ nghĩa xã hội luôn đấu tranh, phủ
định lẫn nhau; và theo quy luật phát triển, những nhân tố phi chủ nghĩa xã hội
sẽ ngày càng bị thu hẹp bởi các yếu tố chủ nghĩa xã hội mang tính trội trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, “kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định
thắng”(7). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các tư tưởng phi
mác-xít sẽ tự biến mất, ngược lại nó vẫn hiện hữu, nảy nở, thậm chí trỗi dậy nếu
xem nhẹ cuộc đấu tranh tư tưởng, không củng cố nền tảng tư tưởng mác-xít, trong
bối cảnh quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, những khó khăn của
phong trào xã hội chủ nghĩa còn nhiều và chủ nghĩa tư bản trên thế giới hiện
nay có ưu thế tạm thời... Đặc biệt, sự phát tán có chủ đích, ngày càng tinh vi
những chủ nghĩa, học thuyết phi mác-xít của các thế lực thù địch khiến cho cuộc
đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, lý luận càng thêm cam go, phức tạp, quyết liệt
và lâu dài. Nếu chủ quan, không nhận diện kịp thời bản chất và có giải pháp đấu
tranh, ngăn chặn hiệu quả, các luồng tư tưởng đó có khả năng gây tác hại khôn
lường, gây chia rẽ về tư tưởng, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, mà tiêu
biểu là chủ nghĩa tân tự do, lý thuyết xã hội dân sự, chủ nghĩa Mác mới và thuyết
hội tụ...
Chủ nghĩa tân tự do
Từ giữa những năm 70 của thế kỷ
XX, học thuyết John Maynard Keynes(8) với chính sách toàn dụng
việc làm và ổn định tiền tệ, nhà nước phúc lợi và việc tích cực can thiệp vào
kinh tế mất tín nhiệm vì cuộc khủng hoảng dầu mỏ, việc bãi bỏ chế độ kim bản vị
của đồng đô la và tình trạng vừa tăng trưởng thấp, vừa lạm phát cao ở các nước
tư bản. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa tân tự do (Neo-liberalism) của
Friedrich August von Hayek(9), một sự phục sinh của chủ nghĩa tự do
cổ điển (tự do cũ)(10), đã đưa ra các chính sách để cứu vãn chủ
nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa tân tự do là một trong
những trào lưu tư tưởng của kinh tế học tư sản hiện đại. Đặc trưng của lý thuyết
này là kết hợp các quan điểm và phương pháp luận của các trường phái tự do cũ,
trường phái trọng thương mới, trường phái Keynes mới để đưa ra lý thuyết kinh tế
của mình nhằm làm cơ sở cho việc điều tiết nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Có thể
nói, nó là sự tân trang lại chủ nghĩa tự do cũ, mà đặc trưng của lý thuyết này
là sự ủng hộ thị trường tự do, chế độ sở hữu tư nhân và phi
điều tiết của nhà nước theo quan điểm “thị trường tối đa, nhà nước tối
thiểu”.
Trong những năm 80 của thế kỷ XX,
người ta chứng kiến sự nổi lên của hệ tư tưởng tự do mới ở các nước tư bản chủ
nghĩa phát triển. Từ đó đến nay, chủ nghĩa tân tự do giữ vị trí quan trọng, thậm
chí thống trị, trong các học thuyết kinh tế chính trị tư sản hiện đại, được nhiều
nước phương Tây áp dụng; các nguyên tắc của nó cũng được các nhà kinh tế và hoạch
định chính sách của nhiều tổ chức, định chế kinh tế quốc tế toàn cầu sử dụng và
là một phần không thể thiếu trong điều khoản của các hiệp định thương mại tự
do, với nhiều biến thể, tên gọi khác nhau, như: “Chủ nghĩa tự do mới” (lý thuyết
về “Nền kinh tế thị trường xã hội”) ở Đức, “Chủ nghĩa bảo thủ mới” ở Mỹ, “Chủ
nghĩa cá nhân mới” ở Anh, “Chủ nghĩa kinh tế” ở Áo... Thậm chí, chủ nghĩa tân tự
do còn được chính giới và nhiều nhà tài phiệt tư bản rao giảng như “một tất yếu
lịch sử, một trật tự kinh tế và xã hội duy nhất, một chân lý cuối cùng và vĩnh
viễn của con người” (?!). Vậy, sự thật đằng sau những rao giảng về chủ nghĩa
tân tự do đó là gì?
Một là, chủ nghĩa tân
tự do tán dương về “nền kinh tế tự do lý tưởng”, khẳng định “chủ nghĩa tư bản
là nấc thang phát triển cao nhất của xã hội loài người”, đồng thời nó cũng
không quên cuộc chiến quyết liệt chống chủ nghĩa cộng sản.
Ở một góc độ nhất định, có thể thấy,
chủ nghĩa tân tự do có một số yếu tố hợp lý, có thể vận dụng trong hoạt động
kinh tế, tài chính và thương mại, nhất là thúc đẩy tự do kinh tế, tự do thương
mại, tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường..., đóng góp nhất định vào
thành tựu phát triển kinh tế của nhân loại, dù rằng cái giá phải trả đằng sau của
nó so với kết quả đạt được là rất đắt. Cũng chính bởi những thành tựu kinh tế từng
đạt được và tư tưởng tự do kinh tế dường như không có giới hạn, nên chủ nghĩa
tân tự do có sức lôi cuốn nhất định, rất dễ lừa mị tư tưởng, tạo nên không ít
ngộ nhận, lầm tưởng. Song, về bản chất, chủ nghĩa tân tự do là học thuyết có
nhiều điểm hạn chế, tiêu cực, thậm chí cực đoan, khi bản chất vị lợi nhuận tàn
nhẫn của số ít nhà tư sản sẵn sàng chà đạp lên máu, nước mắt của người lao động;
sự tàn khốc, lạnh lùng của kim tiền lấn át đi tính nhân văn, nhân bản vì quảng
đại con người. Hơn nữa, nó nảy nòi và cắm rễ sâu trên mảnh đất của phương thức
sản xuất tư bản chủ nghĩa nên luôn muốn níu giữ, bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời
che đậy đến cùng những khuyết tật, mặt tối của chế độ tư bản chủ nghĩa. Từ đầu
thế kỷ XX đến nay, trên nền của cùng một phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa,
thế giới đã qua ba biến thể: Chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa Keynes và chủ
nghĩa tự do mới. Sự giống nhau của cả ba hình thái đó là đều coi chủ nghĩa tư bản
là “xã hội toàn mỹ”, “đỉnh cao nhất của lịch sử nhân loại”(?!).
Sự thật là, chủ nghĩa
tân tự do không phải là một học thuyết hoàn bị hay là chìa khóa vạn năng để xây
dựng nên một thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản có thể giúp giải quyết mọi
khó khăn, bất cập của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa
tân tự do ngày càng lộ rõ “gót chân Asin” của mình, khi sự tự do thái quá của
thị trường như ngựa bất kham, lại bị giật dây bởi tài phiệt tư bản, không có sự
kiểm soát hợp lý của nhà nước, dẫn tới những thất bại với hệ lụy khôn lường. Những
cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính có tính chu kỳ khởi phát từ các nước tư bản
vẫn tiếp diễn, gây nên tổn hại nghiêm trọng cho nhân loại, nhất là trút hậu quả
lên các nước đang phát triển, nước nghèo. Nhiều chính sách tân tự do được áp dụng
từ những năm 80 của thế kỷ XX vẫn để lại di chứng, bất ổn kinh tế, chính trị,
xã hội nặng nề cho đến ngày nay. Những sự “mời gọi” về sức hấp dẫn của tự do
kinh tế không có giới hạn gắn với các giá trị phương Tây đã sụp đổ ở ngay chính
quốc, là nhiều nước tư bản phát triển, nơi sinh ra và nuôi dưỡng chủ nghĩa tân
tự do, lẫn một số nước đang phát triển bị cưỡng bức “nhập khẩu” học thuyết này.
Chủ nghĩa tân tự do khoác bộ cánh
mới sặc sỡ lên chủ nghĩa tư bản, nhưng không thể làm thay đổi được bản chất bóc
lột của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Các chính sách của chủ nghĩa tân
tự do, như cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm phúc lợi xã hội và tăng lãi suất để
giảm lạm phát, duy trì cán cân tài chính; tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước
và tiện ích công; tự do hóa thương mại và tài chính; giảm điều tiết thị trường
lao động... còn cực đoan hơn so với chủ nghĩa tự do cổ điển của Adam Smith và
David Ricardo(11) phát triển trong thế kỷ XIX và đều nhằm mục
đích tối đa hóa lợi nhuận, thu những nguồn lợi khổng lồ để gia tăng tích lũy tư
bản.
Tuy nhiên, “thu nhập và sự giàu
có chảy ngược lên trên, thay vì chảy xuống các tầng lớp phía dưới xã hội”(12).
Chủ nghĩa tân tự do có thể đúng ở mặt nào đó, nhưng về căn bản, nó là một học
thuyết có hại, không góp phần vào sự phát triển bền vững và rõ ràng, nó chỉ
đúng với số ít các nhà tư sản đặc quyền, đặc lợi, không hề đúng với số đông các
tầng lớp lao động, nhất là khi nó cổ xúy cho mô hình nhà nước ngày càng teo nhỏ
gắn với việc cắt giảm tối đa phúc lợi xã hội. Sự bất bình đẳng trong thu nhập
và tài sản giữa các giai tầng xã hội ngày càng bị khoét sâu. Hơn thế, bất bình
đẳng còn trở thành một đặc tính bản chất của chủ nghĩa tân tự do, khi nó công
khai chống chủ nghĩa bình đẳng (bình quân) do nhà nước phúc lợi đề ra và “cha đẻ”
của học thuyết này, Friedrich August von Hayek, thậm chí còn biện bạch cho điều
này khi từng công khai tuyên bố, “bất bình đẳng là một giá trị tích cực cần thiết
cho các xã hội phương Tây”(13), càng khẳng định thêm bản chất của chủ
nghĩa tân tự do: Lấy bất bình đẳng làm động lực, lấy cạnh tranh khốc liệt làm
quy luật sinh tồn, lấy lợi nhuận làm đích cuối.
Như vậy, ngày nay, chủ nghĩa tư bản
tuy có những điều chỉnh nhất định về hình thức sở hữu, tổ chức - quản lý và
phân phối để thích nghi ở mức độ nào đó với điều kiện mới, nhưng sự thống trị của
chủ nghĩa tư bản tư nhân vẫn tồn tại nguyên vẹn, bản chất bóc lột của nó vẫn
không hề thay đổi. Suốt hơn 400 năm tồn tại của phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa, “sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của
phương thức sản xuất này”(14), chủ nghĩa tư bản ra đời “thấm đầy máu
và bùn nhơ trong mỗi lỗ chân lông của nó”(15). Nhìn sâu vào bên
trong, chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay vẫn giữ nguyên nhiều đặc tính của thứ
chủ nghĩa tư bản kền kền nguyên thủy, hoang dã và tàn bạo, thậm chí còn suy đồi
và tàn nhẫn hơn dưới sự thúc đẩy của chủ nghĩa tân tự do và những tham vọng bá
quyền ngày càng lớn và manh động của nhiều chính phủ phương Tây. Và, với đầy rẫy
khuyết tật, mâu thuẫn và mặt tối đó, thì rõ ràng, phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa và chế độ tư bản chủ nghĩa không thể “toàn mỹ” và là tương lai của
loài người; chủ nghĩa tân tự do lại càng không phải là một tất yếu lịch sử, một
trật tự kinh tế và xã hội duy nhất, một chân lý cuối cùng và vĩnh viễn của nhân
loại, như rao giảng của nhiều chính trị gia và nhà tài phiệt tư bản.
Sau nhiều năm chiếm thế thượng
phong, chủ nghĩa tân tự do đang gặp nhiều thất bại. Những cuộc khủng hoảng, suy
thoái kinh tế, bất ổn chính trị, xung đột vũ trang nghiêm trọng, ô nhiễm môi
trường, phân hóa giàu - nghèo, phân cực xã hội... ở nhiều nước tư bản và trên
quy mô toàn cầu càng phơi bày rõ những mâu thuẫn và hạn chế của một triết luận
kinh tế chính trị phản ánh bản chất của chủ nghĩa tư bản, một triết luận vì lợi
ích của số ít chống số đông. Rõ ràng, chủ nghĩa tự do mới cố gắng làm mới chủ
nghĩa tư bản già cỗi, mong đem đến một sức sống mới bằng các liệu pháp tự do
hóa được tân chế, song nó vẫn không thể và không bao giờ có thể khắc phục được
mâu thuẫn nội tại mang tính bản chất bên trong của chủ nghĩa tư bản, cũng như
càng làm trầm kha thêm mâu thuẫn giữa các nước tư bản với nhau, giữa các nước
tư bản và các nước đang phát triển, giữa tư bản và lao động ở quy mô toàn cầu.
“Niềm tin của chủ nghĩa tân tự do vào các thị trường không bị ràng buộc như là
con đường chắc chắn nhất dẫn đến thịnh vượng của xã hội hiện đang mất uy tín và
hấp hối... Thực tế là, bất chấp tên gọi của nó, thời đại của chủ nghĩa tân tự
do còn lâu mới tự do”(16).
Cùng với việc xảo biện chủ nghĩa
tư bản là “nấc thang cuối cùng của nhân loại”, chủ nghĩa tân tự do cũng chĩa
mũi nhọn chống phá quyết liệt chủ nghĩa cộng sản. Bởi, cái mà chủ nghĩa tân tự
do tập trung đấu tranh quyết liệt nhất vẫn là những gì mang tính chất tập thể
và công hữu, những gì có màu sắc chính sách xã hội xã hội chủ nghĩa. Khi chủ
nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, các nhà tân tự do tự đắc
cho rằng đó là “sự cáo chung của lịch sử”, rằng đã xóa bỏ trở ngại cuối cùng
ngăn chia toàn bộ thế giới khỏi mục tiêu dân chủ, tự do và kinh tế thị trường
(?!). Sự chống phá của những người cổ xúy chủ nghĩa tân tự do là hết sức dễ hiểu,
bởi nền móng tồn tại của chủ nghĩa tân tự do là sở hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa, là sự bảo đảm thống trị của giai cấp tư sản, sự bền vững của chế độ bóc
lột tư bản chủ nghĩa; trong khi chủ nghĩa cộng sản được xây dựng dựa trên chế độ
công hữu về tư liệu sản xuất, cùng sự bảo đảm lợi ích và bảo vệ quyền lợi
chính đáng của toàn thể nhân dân lao động... - những yếu tố và sự phát triển trực
tiếp đe dọa và phủ định sự tồn tại của chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa tân tự do chống phá chủ nghĩa cộng sản từ những vấn đề mang tính nền
tảng, đi từ các yếu tố kinh tế để tác động đến chính trị, dùng con bài “sức mạnh
tự do”, “kinh tế thị trường tự do”... để làm chuyển hóa chế độ chính trị. Hơn nữa,
chủ nghĩa tân tự do có nhiều biến thể, trong đó có những dạng thức về danh
nghĩa dung hợp thêm yếu tố xã hội để phần nào giảm bớt tính cực đoan, cân bằng
hơn giữa yếu tố tự do và công bằng, giữa vai trò của thị trường và vai trò của
nhà nước... rất dễ gây lầm tưởng, dù rằng đó chỉ là sự cải tổ những yếu tố bề
ngoài, còn bản chất của nó đương nhiên không bao giờ thay đổi.
Suy cho cùng, chủ nghĩa tân tự do
luôn là một hình thái tư bản chủ nghĩa, và rõ ràng, nó không phải là một học
thuyết ưu việt đại diện cho một phương thức sản xuất tiến bộ nhất của nhân loại;
ngược lại, chính nó đã và đang dọn đường, mở ra những điều kiện, tiền đề cho sự
ra đời của phương thức sản xuất mới, hình thái kinh tế - xã hội phát triển ở
trình độ cao hơn: Chủ nghĩa cộng sản.
Hai là, chủ nghĩa tân
tự do cổ xúy tư nhân hóa nền kinh tế, hạ thấp vai trò của nhà nước, đồng thời
thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân.
Có thể nói, tư nhân hóa là một
“pháp bảo”, được chủ nghĩa tân tự do bảo vệ bằng mọi giá, vì tư hữu tư bản chủ
nghĩa chính là cơ sở sinh tồn của nó; sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa bị xóa bỏ
thì chủ nghĩa tư bản tiêu vong và tự khắc chủ nghĩa tân tự do cũng không còn bất
kỳ cơ sở nào để tồn tại. Nó lo sợ việc nhà nước can thiệp vào kinh tế, hệ lụy
không tránh khỏi là khu vực tư nhân, cái lõi của chủ nghĩa tư bản, sẽ bị lề
hóa, thậm chí bị loại bỏ. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa chủ nghĩa tân tự
do cổ xúy tư nhân hóa nền kinh tế, cổ xúy cho sự “tồn tại vĩnh hằng” của chế độ
tư hữu tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa tư bản, đồng thời xuất khẩu tư tưởng này
theo dòng chảy của đầu tư tư bản khắp thế giới.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của
xã hội loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên, nghĩa là các hình thái
kinh tế - xã hội không tồn tại vĩnh viễn, mà luôn thay thế lẫn nhau, xã hội trước
tạo tiền đề vật chất cho xã hội sau phủ định nó, cho đến khi nhân loại đi đến
chủ nghĩa cộng sản. Do đó, việc xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa
là một tất yếu khách quan, do chính những mâu thuẫn trong lòng của chế độ tư bản
chủ nghĩa. Theo quy luật phủ định của phủ định, chính nền sản xuất tư bản chủ nghĩa
đẻ ra sự phủ định bản thân nó, phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, như một
tất yếu để tạo nên chế độ công hữu. “Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có
thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ
tư hữu”(17). Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, phải dựa trên
cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan và không phải xóa bỏ sở hữu tư nhân tư
bản chủ nghĩa là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà chỉ là xóa bỏ chế độ sở hữu
tư sản nô dịch lao động của người khác.
Việc chủ nghĩa tân tự do cổ xúy
tư nhân hóa tất cả những gì tư nhân có thể làm được trong một thị trường tự do ở
quy mô toàn cầu giữ vị trí thống lĩnh, đồng thời xem nhẹ vai trò của nhà nước
cũng là nhằm tích tụ tư bản ngày càng lớn, tập trung tài sản vào một số ít nhà
tư sản kếch sù. Hay nói đúng hơn, đó là cuộc tấn công của tầng lớp thượng lưu
toàn cầu chống nhân dân lao động ở mỗi nước tư bản và trên toàn thế giới; đồng
thời, nó cũng không thuần túy là một luận thuyết kinh tế, mà có mục đích chính
trị rất rõ ràng, nhất là để bảo vệ chủ nghĩa tư bản. Có điều, suốt nửa thế kỷ
qua, những diễn ngôn chính trị của các nhà cầm quyền tư bản về việc tư nhân hóa
tạo cơ chế tự điều chỉnh để mọi người đều giàu có, xã hội thịnh vượng, mà không
cần bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước ngày càng xa vời. Thậm chí khác xa
trên thực tế, khi bản thân nhiều chính phủ của các nước tư bản phát triển đã
nhiều lần tiến hành quốc hữu hóa doanh nghiệp dưới các hình thức và cấp độ khác
nhau, từ áp đặt quyền kiểm soát đặc biệt, cứu trợ tài chính, nắm cổ phần chi phối
đến việc thành lập doanh nghiệp nhà nước dựa trên mua lại các doanh nghiệp tư
nhân để kiểm soát một lĩnh vực nào đó...
Thực tế, chủ nghĩa tự do mới cũng
không phủ nhận hoàn toàn vai trò của nhà nước; nó chỉ muốn một nhà nước tối thiểu
hay nói đúng hơn cần nhà nước với quy mô do nó định đoạt, hành động theo nó yêu
cầu. Nó hô hào nhà nước tối thiểu nhưng lại là tối đa trong
phục vụ sở hữu tư nhân, phục vụ những tập đoàn tư bản bá quyền. Nó hô hào tránh
xa chủ nghĩa nhà nước (statism) và hướng tới trật tự sở hữu tư nhân (private
property order), nhưng nhà nước tư bản sẵn sàng can thiệp thô bạo vào nền kinh
tế, lợi ích của đa số người dân và trật tự xã hội khi cần bảo vệ lợi ích của
giai cấp tư sản, nhất là tầng lớp chóp bu. Nhà nước ở các quốc gia tư bản còn
ngày một lớn hơn, không hề “tối thiểu” như họ tuyên bố, thậm chí còn hình thành
mô hình siêu nhà nước qua liên kết các cường quốc tư bản lại với nhau, thành dạng
thức liên nhà nước, để can thiệp, tác động, điều khiển nền kinh tế,
chính trị thế giới... Chủ nghĩa tân tự do gắn liền với chủ nghĩa bá quyền, bản
chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia.
Sau nhà nước, đối với vấn đề cá
nhân, chủ nghĩa tân tự do cũng thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân tư sản, nhấn mạnh đặt
cá nhân lên trên xã hội. Nó cổ xúy cho thứ chủ nghĩa cá nhân cực đoan và quyền
tự do bóc lột không giới hạn được hình thành và tồn tại trong xã hội tư bản. Nó
không thừa nhận cá nhân trong mối quan hệ tùy thuộc, hợp tác, hội nhập với tổng
thể xã hội. Đối với chủ nghĩa tự do đương đại, cá nhân là trục xuyên suốt xã hội
và lịch sử, có thể áp đặt cho tập thể cái cá thể trung tâm của mình vì lợi ích
riêng(18), trỗi dậy sự vị kỷ hẹp hòi, tư lợi để vinh thân phì gia,
giữa người và người không còn mối liên hệ nào ngoài quan hệ mua bán, đổi
chác..., là con đường ngắn nhất làm cho đạo lý xã hội ngày càng suy đồi. Quan
điểm của chủ nghĩa tân tự do sẽ dẫn đến những kết cục nguy hiểm bởi giành ưu
quyền cho cá nhân thì lợi ích của tập thể sẽ bị lấn át, thậm chí phế bỏ...
Chủ nghĩa Mác tôn trọng tự do và
lợi ích cá nhân đúng đắn, nhưng sự phát triển của mỗi cá nhân không tách rời với
xã hội trong tổng thể, không tách rời với tự nhiên. “... Cần ra sức làm cho lợi
ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”(19).
Cơ sở nảy sinh, tồn tại và phát triển của chủ nghĩa cá nhân chính là chế độ chiếm
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Do đó, muốn xóa bỏ chủ nghĩa
cá nhân, cần phải loại bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, đồng thời phải tiến
hành xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng cảnh
báo, chủ nghĩa cá nhân chính là “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, trực tiếp đe
dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là
yêu cầu tất yếu để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; là công việc phải
tiến hành thường xuyên để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người
nhấn mạnh: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi
ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ
nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(20).
Chủ nghĩa tân tự do được coi là đại
diện cho một thứ chủ nghĩa tư bản mới, là bộ mặt tân thời của chủ nghĩa tư bản
hiện đại, nên nó vẫn tiếp tục được cổ xúy, tán dương, thậm chí được các nước tư
bản tìm mọi cách “xuất khẩu” sang các quốc gia khác, mà đằng sau đó là những
mưu tính chính trị được che đậy tinh vi bằng con bài của những học thuyết kinh
tế. Các nhà kinh tế tự do o ép các nước đang phát triển cải tổ triệt để mọi khu
vực của nền kinh tế. Các diễn ngôn, tư tưởng và sáng kiến hướng đến mục tiêu
kinh tế được sử dụng như một công cụ nhằm đạt được mục đích chính trị, nhất là
chuyển hóa các nước theo con đường tư bản chủ nghĩa và ràng buộc về chính trị.
Khu vực Mỹ La-tinh là “một phòng
thí nghiệm” điển hình của chủ nghĩa tân tự do từ cuối những năm 80 của thế kỷ
XX. Khi áp dụng vào khu vực Mỹ La-tinh, chủ nghĩa tân tự do đã thất bại. Chủ
trương “nhà nước nhỏ, thị trường lớn” làm suy yếu các chính phủ ở đây, đồng thời
diễn ra quá trình xâm chiếm của các công ty đa quốc gia, tư bản nước ngoài đối
với các khu vực kinh tế trọng yếu, ngành công nghiệp chủ chốt, như dầu khí... của
nhiều nước khu vực Mỹ La-tinh, dưới sự tiếp tay của một bộ phận quân đội, tư sản
mại bản, đại điền chủ trong nước, cùng ràng buộc của các hiệp định thương mại tự
do. Từ một khu vực phát triển, ngày nay, Mỹ La-tinh giảm sút sự thịnh vượng rất
nhiều, trong khi xung đột xã hội, bất ổn gia tăng, tiếp tục lệ thuộc vào các nước
tư bản phương Tây. Nhân dân nhiều nước khu vực Mỹ La-tinh đã nổi dậy chống quá
trình tư hữu hóa và phi điều tiết nền kinh tế dưới tác động của chủ nghĩa tân tự
do, trỗi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, quay trở lại quốc hữu hóa nhiều ngành
kinh tế quan trọng...
Trong thời đại chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự
do mới đưa sự bất bình đẳng và bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vươn ra ở
quy mô toàn cầu _Nguồn: shutterstock.com
Trên phạm vi thế giới, chủ nghĩa
tư bản tiếp tục cuộc thập tự chinh toàn cầu hóa dưới lá bài chủ nghĩa tân tự do
để khuyến khích các nước mở toang biên giới cho tư bản được tự do tràn vào mọi
nơi nhằm tối đa hóa lợi nhuận ở quy mô và mức độ cao hơn nhiều so với thời kỳ của
chủ nghĩa tự do cổ điển, với sự hỗ trợ của các tập đoàn xuyên quốc gia, các định
chế tài chính toàn cầu hùng hậu, tạo sức ép và sợi dây ràng buộc, lệ thuộc lớn
về kinh tế, chính trị lên các quốc gia kém phát triển hơn, thúc đẩy tư nhân hóa
các nền kinh tế nó đi qua, chuyển quyền lực cùng các nguồn lực sang các nhà tư
sản trong nước và nước ngoài. Các thiết chế tài chính quốc tế nghiễm nhiên đòi
giữ vai trò giám sát, thậm chí can thiệp vào nền kinh tế của các nước đang phát
triển, nhất là các nước vay nợ... Nó gia tăng sự vay nợ trên bình diện toàn cầu,
trong đó không ít trường hợp tạo ra gánh nặng nợ nần, đè nặng lên vai các nước
đang phát triển. Chủ nghĩa tân tự do cũng là một tác nhân góp phần gây nên những
cuộc khủng hoảng tài chính chu kỳ, nhất là khi dòng vốn tự do mất kiểm soát bị
di chuyển ồ ạt, gây tổn thương lớn tới các quốc gia đang phát triển do khả năng
chống chịu với các cú sốc toàn cầu còn yếu. Có thể nói, trong thời đại chủ
nghĩa tư bản toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do mới đưa sự bất bình đẳng và bản chất
bóc lột của chủ nghĩa tư bản vươn ra ở quy mô toàn cầu, sự bóc lột giá trị thặng
dư mang “tính quốc tế” và ngày càng tinh vi hơn...
Việc thấu rõ bản chất của chủ
nghĩa tân tự do để chúng ta tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác, không để rơi
vào bẫy “tự do kinh tế” theo mô hình tư bản chủ nghĩa; đồng thời kiên định phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình kinh tế tổng
quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tạo mọi điều kiện để
phát triển kinh tế tư nhân như là một động lực quan trọng, song tuyệt đối phải
giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt
động của thành phần kinh tế này, khuyến khích nhưng phải có chọn lọc phát triển
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ
mới một cách chủ động, chắc chắn, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc;
nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn giữa tuân theo các quy luật kinh tế thị
trường với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa độc lập, tự chủ và hội nhập
quốc tế, không ngừng vun bồi nội lực quốc gia, nhuần nhuyễn trong kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin,
tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”...
Việc thấu rõ bản chất của chủ
nghĩa tân tự do cũng để chúng ta nhận diện và đấu tranh hiệu quả với học thuyết
này, cùng niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam,
về thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn
thế giới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên
chủ nghĩa xã hội.
(Còn nữa)
TS Lê Hải
Tạp chí Cộng sản
Nguồn:
tapchicongsan.org.vn
--------------------
(1), (2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 23, tr. 50
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2006, t. 38, tr. 158 - 159
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 25, tr. 131
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 23, tr. 49
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà
Nội, 2011, t. 11, tr. 238
(8) Trường phái kinh tế Keynes do John Maynard Keynes (1883 - 1946), nhà kinh tế
nổi tiếng người Anh sáng lập, tập trung vào giải quyết vấn đề lớn là tăng trưởng
và việc làm trên cơ sở phát huy vai trò điều tiết nền kinh tế của nhà nước
(9) Friedrich August von Hayek (1899 - 1992) là nhà kinh tế người Anh gốc Áo,
là một trong những người sáng lập chủ nghĩa tân tự do, nghiên cứu các cuộc khủng
hoảng và bảo vệ thuyết trọng tiền, chống học thuyết Keynes, cũng là một trong
những nhà kinh tế chống chủ nghĩa xã hội quyết liệt.
(10) Những tư tưởng về tự do kinh tế xuất hiện rất sớm trong lịch sử, được thể
hiện trong tác phẩm của các nhà kinh tế học tư sản cổ điển và chủ nghĩa
tự do kinh tế thực sự xuất hiện và trở thành tư tưởng thống trị trong
các lý thuyết tư sản trước những năm 30 của thế kỷ XX. Chủ trương tự do kinh tế
là các lý thuyết tư sản coi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là hệ thống hoạt động
tự động, do các quy luật kinh tế khách quan tự phát điều tiết. Tư tưởng cơ bản
của nó là tự do kinh doanh, tự do tham gia thị trường, chống lại sự can thiệp của
nhà nước vào kinh tế.
(11) Adam Smith (1723 - 1790) là nhà kinh tế học người Scotland và David
Ricardo (1772 - 1823) là nhà kinh tế học người Anh, là các đại diện tiêu biểu
cho kinh tế chính trị tư sản cổ điển.
(12) Joseph E. Stiglitz: “The End of Neoliberalism and the Rebirth of History”
(Tạm dịch: Sự cáo chung của chủ nghĩa tân tự do và sự tái sinh của lịch sử), Project
Syndicate, 4-11-2019
(13) Nguyễn Văn Thanh: Nhận diện chủ nghĩa tự do mới, Nxb.
Chính trị quốc gia, 2005, tr. 29
(14) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 23, tr. 872
(15) Đỗ Thế Tùng: “Nhận thức và ứng xử đúng quy luật với vấn đề bóc lột trong
quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-10-2019. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/814223/nhan-thuc-va-ung-xu-dung-quy-luat-voi-van-de-boc-lot-trong-qua-trinh-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.aspx
(16) Joseph E. Stiglitz: “The End of Neoliberalism and the
Rebirth of History” (Tạm dịch: Sự cáo chung của chủ nghĩa tân tự do và sự tái
sinh của lịch sử), Sđd
(17) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 616
(18) Nguyễn Văn Thanh: Nhận diện chủ nghĩa tự do mới,
Sđd, tr. 33
(19) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 2,
tr. 200
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 610