Nhiều vụ việc đăng tin sai bị xử lý
Thời gian gần đây, việc lợi dụng mạng xã hội để vu khống,
bôi nhọ, xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức; nhân phẩm cá nhân, ảnh hưởng
tiêu cực đến đời sống xã hội diễn ra rất phức tạp.
Lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý nghiêm những trường hợp
vi phạm. Điển hình ngày 10/5/2024, Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định xử phạt
vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với P.V.N. (SN 1997), trú tại bản
Phà Khảo, xã Phà Đánh về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc
phạm uy tín của cơ quan, tổ chức (quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị
định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ).
Công an huyện Kỳ Sơn làm việc với đối tượng
P.V.N. trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh về hành vi cung cấp, chia
sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. Ảnh
tư liệu: Phạm Thuỷ
Nguyên nhân dẫn đến hành vi trên bắt nguồn từ việc khoảng
21h ngày 22/4/2024, khi P.V.N. điều khiển xe máy mang BKS 37F1.959.84 đi từ bản
Hòa Sơn, xã Tà Cạ đến thị trấn Mường Xén thì gặp hiệu lệnh của Tổ công tác 373
(Công an huyện Kỳ Sơn) yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, N.
không chấp hành và có lời lẽ thách thức, không đúng chuẩn mực đối với lực lượng
chức năng.
Sau đó, đối tượng này đã đăng tải bài viết, video có nội
dung sai sự thật về lực lượng Công an huyện trên tài khoản Facebook “N.C”. Qua
làm việc, P.V.N. đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Lực lượng Công an làm việc với bà T. T. D. trú tại huyện Tân
Kỳ về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu Bá
Trí
Trước đó, ngày 2/11/2023, Công an huyện Đô Lương phát hiện một
tài khoản đăng tải đoạn video về nhóm nữ sinh đánh nhau cùng nhiều bình luận
trái chiều trên mạng xã hội. Qua xác minh, tài khoản nói trên là của bà T. T. D
(SN 1985, trú tại xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ) , còn đoạn video bà D đăng tải
là vụ việc xảy ra ngày 23/9/2023, một số học sinh do mâu thuẫn cá nhân nên có
xích mích dẫn đến xô xát, đánh nhau. Sau đó, các em đã tự hòa giải và ra về.
Dù không phải là người chứng kiến, không biết rõ bản chất vụ
việc mà chỉ xem qua video được lan truyền nhưng bà T. T. D đã suy diễn nội dung
trên và đăng lên tài khoản cá nhân thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Làm việc với cơ quan công an, bà T.T.D thừa nhận do bản thân thiếu cẩn trọng,
chưa tìm hiểu rõ nội dung đã nóng vội đăng tải lên tài khoản cá nhân.
Công an huyện Đô Lương đã phối hợp với Công an huyện Tân Kỳ
ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T.T.D số tiền là 7,5 triệu
đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân
dân.
Nội dung do bà T. T. D trú tại huyện Tân Kỳ đăng
tải trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Ảnh tư liệu: Bá Trí
Tương tự, tháng 6/2023, một phụ nữ trú tại xã Quỳnh Thanh,
Quỳnh Lưu tên là T.V.C ( SN 1993) cũng bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng
vì hành vi sử dụng tài khoản Facebook V.C.M. đăng tải nội dung sai sự thật,
xuyên tạc về vụ việc một số đối tượng lạ mặt tấn công trụ sở UBND xã trên địa
bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận trong lúc truy cập
mạng xã hội, đọc được thông tin về vụ việc tại Đắk Lắk, do chưa tìm hiểu kỹ nên
đã đăng tải lên tài khoản cá nhân những nội dung không đúng sự thật, chưa được
kiểm chứng, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương và lực lượng Công an (vi
phạm điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của
Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần
số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại
Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).
Sau khi làm việc với cơ quan Công an, bà T.V.C. đã gỡ bỏ bài
viết và đăng thông tin cải chính.
Lực lượng chức năng làm việc với chị T.V.C
trú tại xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu về hành vi đăng tải thông tin sai
sự thật trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu: Huyền Thương
Theo ngành chức năng mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền
kết hợp xử lý những hành vi tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội và
các nền tảng như Youtube, Tiktok, Instagram, Twitter, Viber, Wechat, Zalo...
Tuy nhiên, vì nhiều mục đích khác nhau, tin giả, tin sai sự thật vẫn xuất hiện
gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa bàn.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng được các thế lực thù địch, phần
tử cơ hội triệt để sử dụng như một công cụ để chống phá Đảng, Nhà nước, lan
truyền các thông tin xuyên tạc, xấu độc, nhất là trước và trong các kỳ bầu cử;
lấy phiếu tín nhiệm; các ngày lễ, sự kiện, dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của địa
phương.
Ông Đinh Xuân Khoa- Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng
chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Nghệ An) phát biểu tại cuộc họp Tiểu
ban an toàn, an ninh mạng ngày 21/5/2024. Ảnh: K.L
Tại cuộc họp của Tiểu ban An toàn, an ninh mạng diễn ra mới
đây, ông Đinh Xuân Khoa - Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm
công nghệ cao (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Chỉ tính riêng các tháng đầu năm
2024, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý 27 trường hợp
có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc,
vu khống, xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá
nhân. Qua đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 12 trường hợp, thu nộp
ngân sách Nhà nước 75 triệu đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã đấu tranh làm rõ 26
vụ, phá 23 chuyên án, bắt giữ 215 đối tượng có hoạt động sử dụng không gian mạng
để thực hiện hành vi phạm tội.
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên mạng xã hội
Pháp luật Việt Nam, trọng tâm là Bộ luật Hình sự, Luật An
ninh mạng nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật, bịa đặt, xâm phạm danh
dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó
khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm
quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Toàn cảnh cuộc họp của tiểu ban an toàn, an ninh mạng do đồng
chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó
trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh chủ trì. Ảnh:
Khánh Ly
Theo đó hành vi đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật, gây
hoang mang dư luận có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a, điểm d,
khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ hoặc xử
lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Đưa hoặc sử dụng
trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Các khung hình phạt
hành chính cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ
2 tới 7 năm.
Hành vi đăng tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo Bộ luật
Hình sự. Nguồn: Internet
Nếu đưa những thông tin vì mục đích xấu gây ra hậu quả lớn ảnh
hưởng an ninh trật tự trên xã hội thì ngoài việc bị xử phạt tiền, người vi phạm
còn đối diện với nguy cơ hình phạt tù.
Do vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dùng mạng xã hội chấp
hành nghiêm các quy định của pháp luật; tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin,
nhất là các bài viết, video chưa rõ nội dung bản chất vụ việc, nguồn thông tin
không chính thống; tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ những thông tin vi phạm
pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân; không sử
dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục trên mạng xã hội. “Việc kiểm
chứng thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ là vô cùng cần thiết để tránh hậu
quả pháp lý và an ninh trật tự”, đại diện ngành chức năng nhấn mạnh.
Công an Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đấu tranh với tội
phạm công nghệ cao. Ảnh tư liệu: Văn Hậu
Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động sử dụng
không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cùng với
các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức; xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm nhằm tăng tính giáo dục, răn đe…ngày 6/11/2023, UBND tỉnh
Nghệ An ban hành Quyết định số 29 về quy định phát ngôn, cung cấp thông tin cho
báo chí; xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí và thông tin phản ánh trên mạng
xã hội của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Nhận diện tin giả trên không gian mạng. Nguồn: Internet
Trong đó nêu rõ, khi phát hiện thông tin phản ánh trên mạng
xã hội sai hoặc có một phần nội dung sai về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của
cơ quan; của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương thì
người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở
Thông tin và Truyền thông xử lý tổ chức, cá nhân đăng, phát thông tin sai trên
mạng xã hội.
Quyết định cũng nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức khi
phát hiện thông tin phản ánh trên mạng xã hội sai hoặc có nội dung sai về việc
thực thi nhiệm vụ, công vụ của cá nhân thì báo cáo bằng văn bản (trong đó, nêu
rõ nội dung phản ánh sai) cho người đứng đầu cơ quan, địa phương nơi mình đang
công tác biết để kịp thời xử lý.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp của Tiểu ban An toàn, an ninh mạng
ngày 21/5/2024. Ảnh: Khánh Ly
Phát biểu tại cuộc họp của Tiểu ban an toàn, an ninh mạng mới
đây, đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND
tỉnh đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác an ninh, an toàn thông
tin mạng; phòng chống thông tin xấu độc; tin giả, tin sai sự thật trong giai đoạn
mới.
Đồng thời, đề nghị các ngành, các địa phương, đơn vị huy động
các nguồn lực, tập trung xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo sức mạnh tổng
hợp để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên không gian mạng; Tăng
cường rà soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm sử
dụng công nghệ cao, nhất là các hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin xấu, độc chống
Đảng, Nhà nước trên không gian mạng...
Gia Huy
Nguồn: baonghean.vn