Những điều cần biết về đối thoại tại nơi làm việc theo pháp luật lao động
Người sử dụng lao động phải tổ
chức đối thoại khi nào?
Trước hết, các bên trong quan hệ
lao động gồm người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức đại diện người
lao động cần hiểu đúng về đối thoại tại nơi làm việc.
Vấn đề này được quy định tại Điều
63 Bộ luật Lao động. Cụ thể, đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông
tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người
lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động. Nội dung đối thoại là
những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi
làm việc. Với mục đích nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng
tới giải pháp các bên cùng có lợi.
Bộ luật Lao động cũng quy định
người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong các trường
hợp gồm: Đối thoại định kỳ ít nhất 01 năm một lần; đối thoại khi có yêu cầu của
một hoặc các bên; và đối thoại khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều
36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động.
Cùng với đó, khuyến khích người sử
dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành
đối thoại ngoài những trường hợp quy định nêu trên.
Các trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối
thoại
Nội dung đối thoại tại nơi làm
việc là gì?
Về nội dung đối thoại được quy định
tại Điều 64 Bộ luật Lao động. Cụ thể là, ngoài nội dung đối thoại khi có vụ việc
nêu trên, các bên lựa chọn để tiến hành đối thoại một hoặc một số nội dung về
tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng
lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết,
thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
Đối thoại về điều kiện làm việc;
yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng
lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại
diện người lao động và nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.
Trách nhiệm tổ chức đối thoại
tại nơi làm việc
Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại
nơi làm việc được quy định tại Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể là, người
sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại
cơ sở để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Trong trường hợp ở nơi làm việc
có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động
tại cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người
lao động tại cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động
này tự lựa chọn thành viên đại diện cho để tham gia đối thoại với người sử dụng
lao động.
Số lượng, thành phần tham gia
đối thoại
Số lượng, thành phần tham gia đối
thoại của mỗi bên được quy định tại Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Cụ thể là, người sử dụng lao
động quyết định số lượng, thành phần đại diện cho mình để tham gia đối thoại.
Tuy nhiên phải bảo đảm ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp
luật của người sử dụng lao động và phải được quy định trong quy chế dân chủ ở
cơ sở tại nơi làm việc.
Còn với bên người lao động, do tổ
chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao
động xác định số lượng, thành phần tham gia đối thoại.
Đồng thời phải bảo đảm ít nhất 03
người, nếu người sử dụng lao động sử dụng dưới 50 người lao động; ít nhất từ 04
người đến 08 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 50 người lao động đến
dưới 150 người lao động; ít nhất từ 09 người đến 13 người, nếu người sử dụng
lao động sử dụng từ 150 người lao động đến dưới 300 người lao động.
Và ít nhất từ 14 người đến 18 người,
nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 300 người lao động đến dưới 500 người lao
động; ít nhất từ 19 đến 23 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 500 đến
dưới 1.000 người lao động; ít nhất 24 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng
từ 1.000 người lao động trở lên.
Mặt khác, việc xác định danh sách
thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên
người lao động được thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công bố công
khai tại nơi làm việc. Đồng thời, nếu có thành viên đại diện không thể tiếp tục
tham gia thì người sử dụng lao động hoặc từng tổ chức đại diện người lao động,
nhóm đại diện đối thoại của người lao động xem xét, quyết định bổ sung thành
viên thay thế của tổ chức, nhóm mình và công bố công khai tại nơi làm việc.
Quy trình tổ chức đối thoại định
kỳ tại nơi làm việc
Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi
làm việc được quy định tại Điều 39 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, người sử
dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại
cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tổ chức đối thoại định kỳ.
Thời gian, địa điểm, cách thức tổ
chức đối thoại định kỳ do hai bên sắp xếp phù hợp với điều kiện thực
tế và theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Tuy nhiên, Chậm nhất 05
ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ, các bên có trách
nhiệm gửi nội dung đối thoại cho bên tham gia đối thoại.
Mặt khác, đối thoại định kỳ chỉ
được tiến hành khi bên người sử dụng lao động có sự tham gia của người đại diện
theo pháp luật hoặc người được ủy quyền. Cùng với đó, bên người lao động có sự
tham gia của trên 70% tổng số thành viên đại diện quy định.
Pháp luật cũng quy định, diễn biến
đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của người đại diện theo
pháp luật của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền; cùng chữ ký của
người đại diện từng tổ chức đại diện người lao động và của người đại diện cho
nhóm đại diện đối thoại của người lao động.
Đồng thời, chậm nhất 03 ngày làm
việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố
công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện
người lao động, nhóm đại diện đối thoại của người lao động phổ biến những nội
dung chính của đối thoại đến người lao động.
Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu
của một hoặc các bên
Việc tổ chức đối thoại khi có yêu
cầu của một hoặc các bên được quy định tại Điều 40 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ
thể, đối với bên người sử dụng lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự
đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động.
Còn đối với bên người lao động, nội
dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện
của bên người lao động tham gia đối thoại.
Mặt khác, chậm nhất 05 ngày làm
việc kể từ khi nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, bên nhận được yêu cầu đối
thoại phải có văn bản trả lời, thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức đối
thoại.
Ban Tuyên giáo (tổng
hợp)