image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Sửa đổi quy định về hóa đơn, chứng từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; ngăn ngừa, hạn chế gian lận về sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như một số quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử của người bán chưa quy định rõ: về thời điểm lập hóa đơn của hàng hóa xuất khẩu, thời điểm lập hóa đơn của một số ngành nghề đặc thù (như ngân hàng, bảo hiểm....); loại hóa đơn dùng cho doanh nghiệp chế xuất khi có hoạt động khác ngoài hoạt động chế xuất hoặc khi bán, thanh lý tài sản chưa được quy định: một số trường hợp hóa đơn điện tử đã lập không phải sai nhưng cần điều chỉnh/ thay thế cần có quy định để phân biệt với các trường hợp điều chỉnh/ thay thế hóa đơn lập sai…

(Ảnh minh họa)

Phát sinh một số vụ án mua bán hóa đơn lớn đòi hỏi ngành thuế cần phải có giải pháp quản lý người nộp thuế ngay từ khâu đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử. Tháng 12/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tiến hành xét xử vụ án đường dây mua bán hóa đơn trị giá gần 64.000 tỷ đồng; Tháng 12/2023, cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án 3 đường dây thành lập 280 công ty, mua bán trái phép hóa đơn với doanh số hơn 25.000 tỷ đồng; Tháng 10/2023, Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và trốn thuế 34.000 hóa đơn trị giá hơn 4.000 tỷ đồng;..

Thực tế phát sinh một số hành vi, dấu hiệu gian lận từ các vụ án liên quan lập hóa đơn điện tử khống để trốn thuế, do đó, cần bổ sung các trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận liên quan đến sử dụng hóa đơn điện tử.

Phát sinh một số trường hợp cần đưa vào diện cấp hóa đơn từng lần phát sinh để cơ quan thuế giám sát, quản lý.

Quy định về chứng từ điện tử còn nhiều bất cập, chưa có quy định về đăng ký sử dụng chứng từ điện tử và chưa có quy định về xử lý chứng từ đã lập trong trường hợp lập sai.

Quy định về tra cứu, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử còn bất cập, thực tế có quá nhiều cơ quan có văn bản đề nghị được truy cập vào hệ thống hóa đơn điện tử của ngành thuế nên không đảm bảo bảo mật của hệ thống.

Bộ Tài chính cho rằng, để phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả và vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong quá trình thực hiện thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là cần thiết.

Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Có giải pháp ngăn ngừa và hạn chế gian lận về sử dụng hóa đơn điện tử. Bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử.

Nghiên cứu sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, các tổ chức trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử.

Quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; hệ thống hóa quy định việc trao đổi cung cấp thông tin hóa đơn điện tử nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật của hệ thống hóa đơn điện tử.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế đến 24h ngày 30/12/2023, trên cả nước đã có tổng số 6.271.899.856 hóa đơn điện tử đã được tiếp nhận và xử lý. Trong đó, hóa đơn điện tử có mã: 1.798.009.183; hóa đơn điện tử không có mã: 1.709.985.132; hóa đơn điện tử không mã gửi Bảng tổng hợp: 2.762.496.301; hóa đơn theo từng lần phát sinh: 1.409.240.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử trên cả nước đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử cho các cơ quan khác của nhà nước. Với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc áp dụng hóa đơn điện tử góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy. Với ngành tài chính, dữ liệu hóa đơn điện tử được xác định là một trong các nền tảng cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.

An Nhiên

Nguồn: taichinhdoanhnghiep.net