image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
“Tổ tiết kiệm và vay vốn” – mô hình độc đáo trong công tác “Dân vận khéo” của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, những năm qua, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Những đồng vốn chính sách đã trở thành “đòn bẩy” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

“BÀ ĐỠ” CHO HỘ NGHÈO

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là tổ chức tín dụng nhà nước được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng CSXH cho vay chủ yếu theo phương thức ủy thác từng phần (ủy thác một số công đoạn nghiệp vụ) cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (gồm Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội cựu chiến binh và Đoàn thanh niên), quản lý trực tiếp tại cấp thôn, bản là các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Tổ TK&VV do UBND cấp xã thành lập, hoạt động trên địa bàn thôn, bản có tối thiểu 05 tổ viên và tối đa là 60 tổ viên. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số dưới sự điều hành của ban quản lý tổ (một tổ trưởng và một tổ phó). Các thành viên trong Ban quản lý Tổ TK&VV phối kết hợp, đôn đốc, giám sát lẫn nhau để hoàn thành những công việc được Ngân hàng CSXH ủy nhiệm thông qua hợp đồng ủy nhiệm.

Tổ TK&VV thực hiện các nhiệm vụ như bình xét đối tượng vay vốn, hướng dẫn và xác nhận cho người vay làm hồ sơ, thủ tục gửi hội, đoàn thể và UBND cấp xã phê duyệt, thông báo và giám sát người vay nhận tiền theo lịch giải ngân của Ngân hàng, giám sát sử dụng vốn của người vay theo mục đích xin vay, trực tiếp thu lãi và tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của người vay, đôn đốc người vay trả nợ trực tiếp cho Ngân hàng theo kỳ hạn, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và đề nghị người vay chấp hành tốt các quy định có liên quan của Ngân hàng và hội cấp trên, v.v...

Anh-tin-bai

Tổ TK&VV xóm 6, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế

Ngay từ khi đi vào hoạt động, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mô hình hoạt động triển khai tín dụng chính sách. Là cầu nối giữa Ngân hàng CSXH với người vay vốn, chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV sẽ quyết định chất lượng chất lượng tín dụng của Ngân hàng CSXH. Việc người vay vốn nắm bắt và chấp hành tốt những quy định của Ngân hàng sẽ quyết định chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV và ngược lại. Do đó, chất lượng sinh hoạt, công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để người vay hiểu đầy đủ đồng thời tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình là vấn đề then chốt quyết định hiệu qủa của Tổ TK&VV.

Vì thế, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung đầu tư nhân lực để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hướng tuyên truyền trực tiếp đến đối tượng vay vốn và cán bộ chính quyền cơ sở. Ngân hàng chủ động phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động đối với người dân tại Tổ TK&VV thông qua tổ chức các buổi sinh hoạt tổ.

Tại các kỳ sinh hoạt, cán bộ Ngân hàng CSXH cấp tỉnh và cán bộ tổ chức hội cấp xã đã phổ biến chủ trương chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi, các quy định của Ngân hàng CSXH đối với các đối tượng chính sách vay vốn; phân tích rõ lợi ích, ý nghĩa của việc chấp hành nghiêm túc quy định về sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành trả lãi đầy đủ hàng tháng, trả nợ đúng định kỳ đã thỏa thuận, gửi tiền tiết kiệm hàng tháng và tham gia các dịch vụ của Ngân hàng CSXH cũng như mặt trái khi không chấp hành quy định đối với người vay, người chuẩn bị vay, người chưa có nhu cầu vay hiểu rõ để từ đó nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Đồng thời thông qua tuyên truyền trực tiếp giúp cho cán bộ cơ sở như bí thư chi bộ, trưởng xóm (bản) biết để giám sát việc triển khai chính sách tín dụng tại cơ sở.

Bên cạnh đó, thông qua buổi sinh hoạt, cán bộ Ngân hàng thông báo về tình hình thực hiện các nghĩa vụ của Tổ TK&VV đối với Ngân hàng, tổ chức đối chiếu công khai dư nợ, tình hình nộp lãi, số dư tiền gửi tiết kiệm của từng khách hàng, kết hợp biểu dương những gương tốt, nhắc nhở những người chấp hành chưa tốt, kịp thời phát hiện những sai lệch, tiếp nhận những vấn đề vướng mắc thông qua ý kiến người dân và cán bộ cơ sở. Qua đó giải đáp, xử lý kịp thời các sai sót, sai phạm nếu có, nắm bắt và giải quyết nhu cầu vay vốn của nhân dân, chứng kiến việc bình xét đối tượng vay vốn, mức cho vay…tạo sự bình đẳng, công khai, công bằng góp phần tăng niềm tin của người dân nói chung, các đối tượng chính sách nói riêng.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, qua đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động, năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ trì Đề tài nghiên cứu khoa học: “Giải pháp nâng cao chất lượng Tổ TK&VV theo hướng bền vững, gắn với các hoạt động cộng đồng tại chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An”, Đề tài đã được Ngân hàng CSXH Việt Nam nghiệm thu và công nhận đạt loại Giỏi (theo Quyết định số 4451/QĐ-NHCS ngày 10/6/2022). Trên cơ sở Đề tài nghiên cứu, Chi nhánh tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng mạng lưới Tổ TK&VV theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng.

Từ tháng 6/2022 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An cùng các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp tiếp tục kết hợp nhiệm vụ dự sinh hoạt Tổ TK&VV để tuyên truyền, vận động người dân gắn với phát triển các hoạt động cộng đồng truyền thống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động gắn kết cộng đồng như thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ... Việc gắn kết các nội dung đã góp phần nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt Tổ TK&VV, nhờ nội dung phong phú nên số lượng tổ viên tham gia luôn đầy đủ, tổ viên vừa được vay vốn, vừa được sinh hoạt văn hóa, thể thao bổ ích. Từ cách làm này, hầu hết các Tổ TK&VV đã thu hút thêm nhiều người dân trong thôn, bản (chưa vay vốn) cùng tham gia sinh hoạt, tăng thêm sự gắn kết của các thành viên, chất lượng công tác tuyên truyền cũng được nâng lên rõ rệt. Thông qua chế độ và hình thức sinh hoạt, người dân đã được tiếp thu kịp thời, đầy đủ các quy định của Ngân hàng CSXH Việt Nam về chính sách, đối tượng thụ hưởng tín dụng, quy định về mức vay, lãi suất cho vay, thời hạn được vay, quy định trả nợ, trả lãi,... Ngân hàng CSXH tỉnh cũng kịp thời nắm được nhu cầu, nguyện vọng và các vướng mắc từ cơ sở để giải quyết, xử lý nhanh chóng.

Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông do chị  Hà Thị Mơ làm Tổ trưởng có 49 tổ viên tham gia, là Tổ TK&VV được xây dựng theo hướng bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng theo Đề án thí điểm từ năm 2022 của Chi nhánh. Nhu cầu của các hộ chủ yếu cần vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi… Tổng dư nợ hiện tại của tổ đạt gần 3,6 tỷ đồng. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, chị Hà Thị Mơ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; đôn đốc các hộ vay trả lãi đúng hạn, đồng thời tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm. Từ nguồn vốn vay, đã có nhiều hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Chị Hà Thị Hương, thành viên của Tổ chia sẻ: từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay, chị đã đầu tư chăn nuôi trâu bò, trồng keo, du lịch cộng đồng. Từ hộ thuộc diện cận nghèo, đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định và có thêm tích lũy. Mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng của chị cũng đã thu hút và tạo việc làm cho 4 lao động là người dân trong bản.

Anh-tin-bai

Sinh hoạt Tổ TK&VV tại Bản Mát, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương

HIỆU QUẢ THIẾT THỰC NHÌN TỪ THỰC TIỄN

Từ những thay đổi trong tư duy và cách làm về dân vận ở cơ sở, chất lượng hoạt động của mạng lưới ủy thác, ủy nhiệm; chất lượng tín dụng và các chỉ số đánh giá hoạt động của toàn Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã thay đổi vượt bậc so với những năm trước. Tính đến 31/7/2024, toàn tỉnh hiện có 6.135 Tổ TK&VV (trong đó có 261 Tổ TK&VV bền vững gắn với hoạt động cộng đồng, bao gồm: Hội nông dân 93 tổ, Hội Phụ nữ 92 tổ, Hội Cựu chiến binh 40 tổ, Đoàn Thanh niên 36 tổ). Dư nợ bình quân tổ đạt 2.169 triệu đồng/tổ, tăng 118 triệu đồng so với đầu năm 2024. Kết quả đánh giá xếp loại: Tổ loại tốt 5.998 tổ (chiếm 97,77%); loại khá 108 tổ (chiếm 1,42%), loại trung bình 28 tổ (chiếm 0,33%), loại yếu 1 tổ (0,02%).

Hoạt động của các Tổ TK&VV đã thực sự mang lại hiệu quả và ý nghĩa rất lớn tại các huyện miền núi, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở được thực hiện kiên trì, đồng bộ, toàn diện, liên tục đã mang lại những kết quả rất tích cực. Từ năm 2022 đến nay, hầu như không có đơn, thư vượt cấp của người dân về vấn đề vay vốn, các vấn đề tiêu cực gần như giảm tuyệt đối, các vấn đề phát sinh khác được phát hiện và giải quyết kịp thời.

Một số chỉ tiêu đạt ở mức cao, cụ thể tính đến 31/7/2024, dư nợ ủy thác đạt 13.259 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ, tăng 660 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 5,24%. Trong đó: Hội Phụ nữ 4.256 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 32,1%), Hội Nông dân 3.832 tỷ đồng (28,9%), Hội Cựu chiến binh 2.786 tỷ đồng (21%), Đoàn thanh niên 2.385 tỷ đồng (18%).

Chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Nợ quá hạn còn 4.895 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,04%/tổng dư nợ, tương đương so với đầu năm. Trong đó: Hội Phụ nữ 1.340 triệu đồng (tỷ lệ 0,03%), Hội Nông dân 1.276 triệu đồng (tỷ lệ 0,03%), Hội CCB 1.326 triệu đồng (tỷ lệ 0,05%), Đoàn thanh niên 953 triệu đồng (tỷ lệ 0,04%). Toàn tỉnh có 460/460 xã xếp loại tốt.

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Mô hình điển hình tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ bản Hoa Tiến 2 (huyện Quỳ Châu) của thành viên tổ TK&VV Lô Thị Nga nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH

Ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác tỉnh Nghệ An sau khi khảo sát thực tế tại một số mô hình tổ TK&VV đã ban hành Kế hoạch số 122/NHCS-UT ngày 06/02/2024 về “Xây dựng mạng lưới Tổ Tiết kiệm & Vay vốn theo hướng bền vững, gắn với hoạt động cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030”. Việc triển khai Kế hoạch đã nhận được sự đồng thuận cao từ các tổ chức hội cấp tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở, sự hưởng ứng tích cực từ người dân, thực sự đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi giữa các Tổ, các hội và các địa phương ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Kết quả Giai đoạn I thực hiện xây dựng mô hình điểm về Tổ TK&VV bền vững đã vượt mục tiêu đề ra. Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách, góp phần giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình và từng bước thoát nghèo bền vững. Kết quả hoạt động của mô hình đã góp phần đưa chi nhánh Nghệ An từ một đơn vị có chất lượng loại khá trở thành đơn vị thuộc nhóm chi nhánh có chất lượng tín dụng hàng đầu hệ thống Ngân hàng CSXH.

Anh-tin-bai

Nhật Lai

Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Doanh nghiệp