Đảng ủy Khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
Sáng ngày 04/11, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An phối hợp Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đối thoại cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Thị Hoan - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối; các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; Lãnh đạo Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An; các văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh và gần 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ pháp chế các doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự và trực tiếp trao đổi với đại biểu có Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC).
Đồng chí Ngô Đình Viện – Phó Bí thư Đảng ủy Khối phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngô Đình Viện - Phó Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh, chuyên đề hội nghị lần này là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khối Doanh nghiệp, lần thứ VI là “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; tăng cường đoàn kết, hợp tác; nâng cao năng lực cạnh tranh; doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng đảng bộ vững mạnh”. Trong ba năm qua, cộng đồng các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn thách thức như: dịch bệnh Covid-19; xung đột vũ trang ở một số nước, thời tiết, khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu... ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Đảng ủy khối Doanh nghiệp ngoài hoạt động chuyên sâu về xây dựng Đảng; đã chủ động, kịp thời xây dựng các đề án, nghị quyết đề ra nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tổ chức các cuộc đối thoại; Hội nghị kết nối doanh nghiệp, doanh nhân; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thông qua hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp có một cái nhìn toàn diện hơn về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại; hiểu thêm những thuận lợi, khó khăn trong giải quyết tranh chấp thương mại, qua đó chủ động ứng phó, xử lý phù hợp với những tình huống, vụ việc phát sinh, hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) trao đổi tại Hội nghị
Đặt vấn đề tại Hội nghị, Tiến sĩ Trần Minh Sơn cho biết trong bối cảnh phục hồi và phát triển hiện nay tranh chấp kinh doanh đang “bùng nổ”, có những doanh nghiệp đã có “mầm mống” tranh chấp trong kinh doanh,… doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, người lao động mất việc làm gia tăng, tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn. Sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; việc ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh dần trở nên phổ biến, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và nắm rõ xu thế trong hoạt động SXKD, trong đó những vấn đề pháp lý trong kinh doanh cần được coi trọng.
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi trao đổi cùng Tiến sĩ Trần Minh Sơn
Từ các vấn đề thực tiễn hiện nay, Tiến sĩ Trần Minh Sơn đã trao đổi cụ thể, cập nhật nhiều kiến thức về tranh chấp trong kinh doanh, nhấn mạnh các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh; lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo các mức độ: thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án; những cơ chế cụ thể về giải quyết tranh chấp… Giúp các đại biểu dễ tiếp cận các vấn đề liên quan, tiến sĩ Trần Minh Sơn cũng đã nêu và thảo luận cách thức giải quyết các tình huống, vụ việc cụ thể xảy ra trong thực tiễn; đồng thời giải đáp các băn khoăn của đại biểu về tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài; việc lựa chọn tham gia tố tụng trọng tài ở Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động tại Nghệ An; giải đáp vấn đề cơ chế hòa giải thương mại có được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam hay không; doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng có thể tăng mức phạt lên trên 8% được không, khi mà tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng đơn phương chấm dứt hợp đồng và chấp nhận mức phạt là 8% vì nếu tiếp tục thực hiện thì thiệt hại lớn hơn mức phạt trên… Chia sẻ một số kinh nghiệm, một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản…

Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi trao đổi cùng Tiến sĩ Trần Minh Sơn

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Ngô Đình Viện – Phó Bí thư Đảng ủy Khối tôi cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia, trao đổi trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết rất lớn đối với các doanh nghiệp,. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối cũng cho biết, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh chưa cao, nên thiếu sự liên kết về kinh tế - kỹ thuật; hạn chế về quản lý, năng lực tài chính; một số doanh nghiệp có quy mô và phạm vi hoạt động lớn có năng lực dẫn dặt các chuỗi cung ứng còn ít; đặc biệt là còn hạn chế trong cập nhật các nội dung về tranh chấp trong kinh doanh. Hội nghị đã giúp các lãnh đạo, cán bộ pháp chế doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, từng bước xây dựng doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu và cuộc Cách mạng 4.0, cũng như nhu cầu hợp tác, kết nối doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và khu vực.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối