image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 1418
  • Trong tuần: 10 255
  • Tất cả: 567546
Chỉ số DDCI và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp
DDCI (Department and District Competitiveness Index) là Bộ Chỉ số được dùng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư. Đây là một trong các hướng đi mới của Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Cùng với Chỉ số PAPI và Chỉ số cải cách hành chính PAR Index thì DDCI sẽ thêm một kênh chuyên cho doanh nghiệp phản ánh một cách độc lập, vô tư.

Bộ Chỉ số DDCI là kênh riêng của mỗi tỉnh, thành để lắng nghe “tiếng nói”, phản ánh của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) về “sự hài lòng” đối với các sở, ban, ngành của địa phương. Tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành. Qua đó, lắng nghe tiếp thu để xây dựng bộ máy năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách mạnh mẽ hơn nữa để cùng với PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

Anh-tin-bai

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn sát sao và quan tâm tới Chỉ số PCI và DDCI (ảnh Internet)

Kể từ năm 1990, Nhà nước ban hành hai Đạo luật dành cho doanh nghiệp, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển kinh tế của nền kinh tế Việt Nam. Sau hơn 30 năm kể từ khi có những Đạo luật đầu tiên cho doanh nghiệp, bộ mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam thay đổi rõ rệt, trở thành một vùng đất có nền kinh tế năng động, nhiều tiềm năng và thu hút đầu tư. 

Khu vực KTTN đã dần khẳng định được vị thế, vai trò trong nền kinh tế với năng lực ngày càng cải thiện đáng kể, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, liên tục duy trì trăng tưởng khá, chiếm tỷ trọng trên 40% GDP, khoảng trên 50% vốn đầu tư toàn xã hội; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp khu vực KTTN và hộ kinh doanh. Điều đó đã góp phần quan trọng trong giảm sức ép rất lớn về việc làm trong xã hội như hiện nay.

Tại Nghệ An, khu vực KTTN trong những năm qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nghệ An đã chủ động, quyết liệt tập trung cao độ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn có hơn 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút đầu tư FDI nằm trong Top 10 toàn quốc. Đây là lực lượng to lớn, bên cạnh những đóng góp vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực này còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện tiếng nói của mình về vấn đề môi trường kinh doanh tại địa phương. Họ chính là người giám sát, đánh giá thực thi của cấp cơ sở, ngành, quận, huyện vốn là nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng một kênh thông tin tin cậy, minh bạch, rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương, cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công và nâng cao chất lượng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là kênh rất có ý nghĩa, phong phú và đa dạng bởi mỗi địa phương có một thực tế khác nhau.

Qua 17 năm tham gia khảo sát Chỉ số PCI và vài năm triển khai thí điểm Chỉ số DDCI tại Nghệ An, cơ bản đã thay đổi nhận thức và tạo được sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và các địa phương. Cũng từ những tồn tại, hạn chế và những đòi hỏi cải cách hơn nữa từ phía cộng đồng doanh nghiệp, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng từ đó có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Giai đoạn 2013-2015 đã có 154 TTHC được cắt giảm với tổng thời gian là 580,5 ngày; có 26 TTHC được đơn giản hoá thành phần hồ sơ, hợp lý hoá quy trình thực hiện. Năm 2018-2020, đã có 419 TTHC được cắt giảm với tổng thời gian cắt giảm là 1.961 ngày. Tính bình quân đã có 419/1.677 TTHC được đơn giản hoá, giảm thời gian thực hiện (đạt tỷ lệ 24,98%)…  

Về cơ chế một cửa: ở cấp tỉnh đã có 21/21 sở, ban ngành và nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện, đạt tỷ lệ 100%; Ở cấp huyện: Đã có 21/21 huyện, thành, thị thực hiện, đạt tỷ lệ 100%; ở cấp xã: Cơ bản các xã đã triển khai cơ chế một cửa. Mô hình cơ chế một cửa liên thông hiện đại cấp huyện đã triển khai tại hầu hết các huyện, thành, thị với các TTHC trong các lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, đầu tư,…

Anh-tin-bai

Theo chuyên gia VCCI, Chỉ số DDCI là tiếng nói thẳng thắn từ phía doanh nghiệp (ảnh Internet)

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; nỗ lực cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt trong 3 năm gần đây, tỉnh đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư FDI. Đó là, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm đã được giảm 2/3 so với thời gian theo quy định của pháp luật.

Kết quả là, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ. Lần đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Những kết quả trên cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực KTTN vào các nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh nhà là rất lớn và có sức thuyết phục. DDCI cùng với PCI tạo ra mục đích kép, một mặt trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đa chiều và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh; mặt khác, đặt chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh vào tâm thế phải cải cách và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.

Anh-tin-bai

DDCI thúc đẩy tiến trình CCHC (ảnh Internet)

Tuy nhiên, để công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nói chung và tạo được niềm tin, đánh giá cao mang tính bền vững từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua Bộ Chỉ số DDCI, từ đó cải thiện Chỉ số PCI hàng năm, chính quyền tỉnh Nghệ An cần quan tâm tới một số đề xuất và giải pháp sau:

Một là, giúp cộng đồng doanh nghiệp tích cực nghiên cứu các nội dung, nội hàm và ý nghĩa của Chỉ số DDCI nhằm nâng cao nhận thức, tích cực tham gia đánh giá Chỉ số này một cách khách quan bởi đây là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên cảm nhận của mình về hệ thống chính quyền các cấp;

Hai là, các sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, nắm rõ nội dung và ý nghĩa của Bộ Chỉ số DDCI; qua đó có các giải pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm, phát huy tinh thần CCHC, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, để mang lại lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

Ba là, sau khi có kết quả chính thức Chỉ số DDCI, chính quyền tỉnh cùng với các sở, ban ngành, địa phương cần tổ chúc công bố công khai, rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp và người dân biết, qua đó tạo niềm tin và tác động lan tỏa; tiếp theo, cần tổ chức sự kiện như hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến từ doanh nghiệp và chuyên gia, phân tích chuyên sâu những ưu, nhược điểm của từng Chỉ số thành phần DDCI, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể cải thiện hơn trong thời gian tới;

Bốn là, bên cạnh Ban Chỉ đạo CCHC, cần thành lập Ban Chỉ đạo PCI, Ban Chỉ đạo DDCI ban hành quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong công tác quản lý, điều hành tại đơn vị; phối hợp với VCCI và các Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp;

Năm là, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp;

Cuối cùng là, tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI của tỉnh như là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19- CP và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo PCI quốc gia.

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các Hiệp hội Doanh nghiệp, VCCI nói chung và Chi nhánh VCCI khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh nói riêng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp; hỗ trợ và bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; bên cạnh đó, Chi nhánh luôn và sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với chính quyền các cấp, với các sở, ban ngành trong các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có vai trò tập hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, tích cực đồng hành, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp với mục tiêu cuối cùng là tạo động lực thay đổi nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng một môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh minh bạch, hiệu quả để cùng phấn đấu góp phần xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh và hạnh phúc./.

PHAN DUY HÙNG (Chi nhánh VCCI Nghệ An)