Quang cảnh phiên thảo luận
tại Tổ 1. Ảnh: Mai Hoa
Có giải pháp tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp
Bên cạnh đánh giá cao
công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh với nhiều kết
quả, “điểm sáng” mang dấu ấn trong năm 2024 trên nhiều lĩnh vực thu hút đầu tư,
thu ngân sách, giáo dục… Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham gia thảo luận cũng đặt
ra nhiều băn khoăn, kiến nghị HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu, đề ra các giải pháp
giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Thị Thơm
- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh
ủy, Tổ trưởng Tổ 1 điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Mai Hoa
Đại biểu Phan Thị Hoan
(thành phố Vinh) nêu vấn đề, hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các
doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Minh chứng, toàn tỉnh có hơn 39.000 doanh nghiệp
đăng ký kinh doanh, nhưng số doanh nghiệp hoạt động chính thức chỉ trên 16.000
doanh nghiệp.
Mặt khác, số doanh nghiệp
giải thể và tạm dừng hoạt động trong năm 2024 là 1.785 đơn vị; trong đó có 302
doanh nghiệp giải thể và 1.483 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng
8,6% so với năm 2023. Trong khi đó, chỉ có 715 doanh nghiệp đăng ký hoạt động
trở lại, giảm 19,4% so với cùng kỳ.
Đại biểu Phan Thị Hoan
(thành phố Vinh) thảo luận, đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các
doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hoa
Cùng với đó, cơ cấu nguồn
thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo tính bền vững. Trong tổng thu
23.751 tỷ đồng năm 2024; tỷ trọng thu từ cấp quyền sử dụng đất chiếm 39,4% và
thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm 32,5%/tổng thu ngân sách.
Từ các vấn đề thực tiễn,
đại biểu Phan Thị Hoan kiến nghị HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh tập
trung nghiên cứu, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các
doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhằm tăng tỷ trọng
nguồn thu sản xuất, kinh doanh và đảm bảo thu ngân sách bền vững; giải quyết việc
làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn
tỉnh.
Các đại biểu dự thảo luận
tại Tổ 1. Ảnh: Mai Hoa
Đồng tình với thực tế đại
biểu Phan Thị Hoan nêu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Việt Dũng và Phó
Giám đốc Sở Tài chính Đậu Thị Minh Loan, Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Võ Văn
Hùng đã giải trình làm rõ các nguyên nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc
phục trong thời gian tới.
Trọng tâm là tiếp tục cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp hoạt động, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm
thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận vay vốn, cung ứng nguồn lao động…
Phó Giám đốc Sở Tài chính
Đậu Thị Minh Loan giải trình và đưa ra các giải pháp tăng thu ngân sách. Ảnh:
Mai Hoa
Cùng với các vấn đề nêu,
thảo luận tại Tổ 1, đại biểu Nguyễn Hữu An (thị xã Hoàng Mai) đánh giá cao sự
quyết liệt của UBND tỉnh cũng như sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của
các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công cho các địa phương.
Tuy nhiên, công tác giải ngân nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững đạt thấp.
Riêng thị xã Hoàng Mai,
năm 2024, nguồn vốn được bố trí hơn 13 tỷ đồng, trong đó, chuyển tiếp từ năm
2022, 2023 chuyển sang năm 2024 là gần 6 tỷ đồng; nhưng đến thời điểm này, do
vướng mắc về cơ chế, quy định về thủ tục giải ngân nên hiện mới chỉ giải ngân
hơn 300 triệu đồng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội cần xem xét có các giải pháp tháo gỡ cho các địa phương giải ngân hoặc thu
hồi nguồn vốn này, tránh tồn đọng và lãng phí nguồn lực.
Phó Cục trưởng Cục Thuế
Nghệ An Võ Văn Hùng đã giải trình làm rõ các nguyên nhân và giải pháp đảm bảo
tăng thu ngân sách từ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Mai Hoa
Đề xuất sớm thành lập
Trung tâm Phát triển quỹ đất
Quan tâm đến việc triển
khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024; đại biểu Nguyễn Hữu An (thị xã Hoàng Mai)
kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có phương án, tháo gỡ cho các địa
phương thực hiện liên quan việc lập và thực hiện dự án tạo quỹ đất cũng như tổ
chức đầu tư, tạo lập quỹ phát triển tái định cư để thực hiện Nhà nước thu hồi đất;
theo quy định tại Nghị định số 102/2024 của Chính phủ là thuộc nhiệm vụ của
Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Ông Nguyễn Hữu An (thị xã
Hoàng Mai) nêu khó khăn trong giải ngân Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm
nghèo bền vững. Ảnh: Mai Hoa
Cũng theo quy định của
Chính phủ, việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất phải hoàn thành trong
vòng 12 tháng, kết từ ngày Nghị định số 102/2024/ của Chính phủ có hiệu lực. Hiện
tại, một số địa phương trong tỉnh, trong đó có thị xã Hoàng Mai chưa có trung
tâm phát triển quỹ đất và hiện nay việc phát triển quỹ đất và tạo lập các quỹ đất
để phục vụ tái định cư đang giao cho ban quản lý dự án thị xã hoặc các địa
phương làm chủ đầu tư, dẫn đến chưa triển khai được việc thu ngân sách từ thu
tiền sử dụng đất trong năm 2024 và tiến độ giải phóng mặt bằng khó khăn.
Do vậy, đề nghị các sở,
ngành liên quan có hướng dẫn các địa phương theo hướng giao cho ban quản lý dự
án thị xã hoặc các địa phương làm chủ đầu tư thực hiện cho đến khi thành lập
Trung tâm Phát triển quỹ đất; đồng thời hướng dẫn các địa phương sớm thành lập
trung tâm này.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn
Viết Hưng giải trình liên quan đến kiến nghị thành lập Trung tâm phát triển quỹ
đất. Ảnh: Mai Hoa
Liên quan đến nội dung
này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Toàn và Giám đốc Sở Nội
vụ Nguyễn Viết Hưng đã tiếp thu và giải trình làm rõ. Hiện nay, 2 Sở Tài nguyên
- Môi trường và Sở Nội vụ đã phối hợp triển khai một số công việc; đồng thời Sở
Nội vụ đã tiến hành khảo sát và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên
quan thành lập trung tâm phát triển quỹ đất; trong đó đề xuất giữ nguyên Trung
tâm Phát triển quỹ đất thành phố Vinh và nghiên cứu đề xuất thành lập trung tâm
phát triển quỹ đất ở những địa phương đề xuất và không phát triển trung tâm
phát triển quỹ đất ở các địa phương không đề xuất. Những đơn vị đề xuất thành lập
phải cam kết thực hiện đảm bảo tinh giản 10% đơn vị sự nghiệp.
Tuy nhiên, hiện tại,
Trung ương đang quyết liệt triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, nên việc
thành lập trung tâm phát triển quỹ đất phải tạm thời dừng lại, để sau quý
I/2025, sau khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy mới tiếp tục xem xét để triển
khai.
Đại biểu Trần Văn Duẩn
(thành phố Vinh) kiến nghị xúc tiến, đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng lò hỏa
thiêu. Ảnh: Mai Hoa
Tại phiên thảo luận Tổ 1,
các đại biểu HĐND tỉnh cũng nêu nhiều vấn đề được cử tri các địa phương quan
tâm kiến nghị liên quan đến giải quyết các khu nhà tập thể tại thành phố Vinh;
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hộ gia đình; mong muốn xây dựng đài hỏa
thiêu trên địa bàn tỉnh; quan tâm đầu tư kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường và
kinh phí duy tu các tuyến đường tỉnh quản lý, kinh phí hoạt động của MTTQ và
các tổ chức chính trị - xã hội; xúc tiến, đầu tư lò hỏa thiêu, đáp ứng yêu cầu
phát triển xã hội văn minh…
Mai Hoa
Nguồn:
baonghean.vn