Hướng tới xã hội công dân toàn cầu
Tại Hội nghị, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup chia sẻ
tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về
giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Phạm Nhật Vượng,
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vin Group phát biểu tại hội nghị. Ảnh:VGP/Nhật Bắc
Thứ nhất, về đào tạo, Tập đoàn Vin Group đề xuất
Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập
mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Tập
đoàn VinGroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên
tăng cường lên vùng sâu vùng xa.
“Nếu đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến các
thành thị sẽ tốt hơn cho trẻ em ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển
trong tương lai”, ông Phạm Nhật Vượng nói.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng
hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính,
AI, dữ liệu lớn… Cùng với thời gian, chúng ta sẽ tạo ra một lượng lớn lao động
trong ngành này. Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các
ngành khác.
Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, đề xuất Chính
phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục,
vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10%
lợi nhuận.
Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt
động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm
hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp,
không phải là kinh doanh.
Đồng thời, Tập đoàn VinGroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép
công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu,
quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Khi đó, sẽ rút ngắn được từ 6-9 tháng cho
công tác này.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn
của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng
như các tiện ích khác. Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán
bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…
Thứ tư, đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh
nghiệp vừa và nhỏ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ.
“Nếu đẩy mạnh việc này, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp phụ
trợ rất mạnh. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất công
nghiệp”, ông Phạm Nhật Vượng bày tỏ.
Ông Đặng Minh Trường,
Chủ tịch Sun Group phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập
đoàn Sun Group nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã
hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Cụ thể, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược
theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện
các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Với cơ chế
lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.
“Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất
nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo
động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ
chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc”,
ông Trường nêu ví dụ.
Lãnh đạo các bộ
ngành, cơ quan Trung ương tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình
thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm
phát triển thu hút đầu tư.
“Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam
(Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Mặc dù, Phú Quốc là địa danh rất nổi tiếng
nhưng công tác truyền thông quảng bá chưa được tương xứng. Với cơ chế đặc thù
theo mô hình kinh tế tự do, Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng
mới của thế giới", ông Trường nói.
Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước
ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ
tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí
điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao, cấp thị
thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ,
châu Âu…
Phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục
Phát biểu tại hội nghị, bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ
tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á nhấn
mạnh thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ,
khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán
đám mây...
Bà Thái Hương, Chủ
tịch TH Group phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để tận dụng những thành tựu này, bà Thái Hương cho rằng cần
có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho
từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực.
Bên cạnh đó, cần tận dụng các lợi thế của đất nước như
nông-lâm-ngư-nghiệp và thành tựu to lớn của thế giới, thay đổi phương thức sản
xuất từ manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ trở thành phương thức sản xuất hiện đại, tiên
tiến…
“Do đó, cần có cơ chế chính sách lôi kéo các doanh nghiệp đủ
tâm - trí - lực, có khát vọng cống hiến, và đưa nông dân thành một mắt xích
trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu”, bà
Thái Hương bày tỏ.
Ông Trần Bá Dương,
Chủ tịch Thaco Group phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng
quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải cho biết, hiện nay đang là giai
đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô hướng tới
xanh, sạch.
“Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô
tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực Asean…
Đối với ô tô, vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng”, ông Trần Bá Dương chia
sẻ.
Tuy nhiên, nếu chuyển hoàn toàn sang xe điện đòi hỏi phải có
lộ trình và thời gian đầu tư về hạ tầng, an toàn… Hiện nay, các hãng ô tô
Trường Hải hợp tác đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.
Do đó, lãnh đạo Tập đoàn Trường Hải mong muốn có các hội
thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường
các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…
Về công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương đánh giá để đầu tư
vào lĩnh vực này đòi hỏi sản lượng lớn và nhiều công nghệ. Hiện nay, công
nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn "đi
sớm" vào lĩnh vực cơ khí.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ
tịch Geleximco Group phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất khu vực như
Tây Nguyên có thể chuyển đổi theo hình thức trồng rừng kết hợp chăn nuôi, thậm
chí có một số chuyển đổi nông nghiệp để có những khu liên hợp vừa trồng trọt,
vừa chăn nuôi để làm tuần hoàn. Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN
Group kỳ vọng, cùng với sự ủng hộ của Chính phủ sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm
công nghệ cao mang thương hiệu Make in Việt Nam vươn tầm quốc tế.
“Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ có chính sách khuyến khích
đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu
hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ
cao như bán dẫn, AI…”, ông Lê Văn Kiểm nói.
Nêu kiến nghị, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco
cho rằng tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án. “Thủ tướng,
các Phó Thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ
chế, chính sách không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân
cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục”, ông Tiền thẳng thắn.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn
Ree Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư
cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư,
doanh nghiệp.
Nguyễn Việt
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn