Chỉ có độc lập, tự
do và hòa bình mới đem lại cho đất nước, cho dân tộc và toàn thể nhân dân Việt
Nam một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Cảm thức độc lập ấy chỉ có thể hiện hữu
khi những người được giao trọng trách gánh vác vận mệnh đất nước biết hành động
vì sự phát triển đích thực của người dân, để “Lời thề độc lập” luôn là trách
nhiệm, là danh dự của mỗi người Việt Nam, vì sự toàn vẹn của giang sơn Tổ quốc,
vì quyền mưu cầu tự do, hạnh phúc của mọi người.
Có sống kiếp nô lệ
lầm than dưới gông xiềng thực dân phong kiến, mới hiểu hết niềm tự hào khi được
làm người dân tự do của một quốc gia độc lập. Nhưng độc lập không phải tự nhiên
có. Mà đó là thành quả của quá trình đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh để giành
lấy. Trong âm vang chiến thắng Bạch Đằng khi Ngô Quyền diệt quân Nam Hán năm
938, kết thúc nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ, chúng ta cảm
nhận được sự mất mát, hy sinh to lớn của những đoàn quân khởi nghĩa từ thời Bà
Trưng, Bà Triệu, Lí Bí, Mai Thúc Loan… trước đó. Phải đủ đắng cay, tủi hờn,
phải đủ thời gian, không gian chờ đợi thì máu của những người ngã xuống mới có
thể kết thành khoảnh khắc huy hoàng.
Đội Tự vệ đỏ ở Hòa Quân – Đông Sớ - Nghệ An
trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu
Phải nếm đủ đớn đau
của thất bại từ những phong trào kháng Pháp như Cần Vương, Yên Thế, Yên Bái,
Việt Nam Quang phục hội; Có thấm đẫm những bài học thành công lẫn tổn thất từ
phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đến Khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương… và xem đó
như những cuộc diễn tập cần thiết, thì hàng triệu người Việt Nam nô lệ mới có
đủ động lực đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đập tan xích
xiềng nô lệ, giành tự do cho mình và giành độc lập cho Tổ quốc.
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà
Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh: TTXVN
Vì vậy, mà mở đầu
bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tất cả mọi người
đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm
phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu
cầu hạnh phúc", thì đến cuối văn bản quan trọng này, Người đã thay lời cả
mấy mươi triệu đồng bào khẳng định với thế giới rằng: “Toàn thể dân tộc Việt
Nam sẽ quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ
vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà
Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn
Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước
Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự
do và độc lập”, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Bởi độc lập, tự do
là giá trị thiêng liêng, là quyền bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc. Đi qua 79
mùa Thu độc lập, lịch sử đã chứng minh, độc lập không phải là những giá trị từ
trên trời ban xuống, mà đó là những giá trị được đánh đổi bằng máu xương của hơn
1.146.250 liệt sĩ, hơn 800.000 thương binh, bệnh binh, gần 111.000 người hoạt
động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày cùng hàng vạn nạn nhân phải mang
trong mình di chứng của chất độc da cam/dioxin qua 2 cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên
giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với Lào, Campuchia.
Lịch sử là những câu
chuyện đa chiều. Tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại về cơ bản vẫn là
lịch sử những cuộc chiến tranh. Nhiều dân tộc phải qua chiến tranh mới giành
được độc lập. Nhưng cũng có những dân tộc mãi mãi không thể giành được cái quyền
thiêng liêng ấy, hoặc chỉ độc lập trong thời gian ngắn rồi lại bị đánh mất,
thậm chí là bị diệt vong, đồng hóa, bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Cho nên đổ
máu xương mà có được độc lập như chúng ta thì đó là độc lập bền vững, một thứ
độc lập được nối tiếp, được bảo vệ trước những tình huống hiểm nguy của lịch
sử. Giá trị đáng tự hào của độc lập, tự do chính là chỗ ấy. Không hiểu được giá
trị độc lập tự do là có tội với cha ông. Không phát huy được cảm thức độc lập,
mọi dân tộc đều có thể đứng trước nguy cơ đánh mất cơ đồ lớn lao mà cha ông để
lại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc vàng trong
lịch sử dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Nhưng, đâu phải cứ
muốn độc lập là phất cờ đứng lên, quyết sống mái một trận là xong!
Đi suốt chiều dài
hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cho đến khi phải mất
gần một thế kỷ tìm tòi, thử nghiệm, hy sinh to lớn chúng ta mới có được một
ngày Thu rực rỡ nắng vàng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử để Chủ tịch Hồ Chí
Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Nền độc lập non trẻ ấy cũng phải mất thêm 9 năm
kháng chiến trường kỳ với bao gian khổ hy sinh “máu trộn bùn non, gan không
núng, chí không mòn”. Rồi phải mất thêm 21 năm 2 miền chia cắt, hàng triệu
người con đã phải hy sinh, máu xương thấm đỏ Trường Sơn, chúng ta mới có được
một ngày thống nhất non sông, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Ngày 30/4/1975, Quân đội Việt Nam mở đợt tiến
công cuối cùng, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu
Quốc khánh là ngày
vui lớn của đất nước. Độc lập là lời thề sắt son của dân tộc khắc ghi vào sử
vàng bia đá trong hành trình khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bằng quyết tâm “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc
lập”; bằng tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”; bằng sự kết hợp
nhuần nhuyễn, khoa học giữa đấu tranh vũ trang với chiến lược ngoại giao mềm
dẻo, linh hoạt, cương - nhu đúng lúc, Đảng và Bác Hồ đã dẫn dắt con thuyền cách
mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, bước qua muôn đá tảng, bảo vệ vững chắc nền
độc lập của Tổ quốc trọn vẹn đến tận hôm nay.
Thị trấn huyện Quế Phong rực rỡ cờ hoa chào
mừng 78 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Đình Tuyên
Vân Thiêng
Nguồn: baonghean.vn