Giải pháp căn cơ để doanh nghiệp dệt may, da giầy gia tăng giá trị xuất khẩu
Theo dự kiến của Bộ Công thương, năm 2025 sẽ thành lập Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang. Việc xây dựng Trung tâm này là cần thiết, bởi doanh nghiệp Việt Nam không thể gia công mãi được, ngành dệt may - da giày phải làm chủ nguồn nguyên phụ liệu và các khâu thiết kế để gia tăng giá trị xuất khẩu…
Ngành dệt may – da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia
công, tạo giá trị gia tăng thấp. Ảnh tư liệu
Cường quốc xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng thấp
Đề cập đến tiềm năng phát triển của ngành dệt may và da
giày, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho
hay, đây là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất
khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm. Theo báo
cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tạp chí World Footwear, Việt Nam
là quốc gia xuất khẩu da giầy lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba
thế giới.
Tiếp tục khẳng định địa vị
của da giày - dệt may Việt Nam
Da giày - dệt may Việt Nam đã
có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ thế giới. Để gia tăng trị giá xuất khẩu,
Bộ Công thương đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai nhanh việc xây dựng đề án một
cách cụ thể, để đến năm 2025, Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu
ngành thời trang Việt Nam có thể ra đời. Bà Phan Thị Thắng - Thứ
trưởng Bộ Công thương
|
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cũng chỉ ra những hạn chế của
hai ngành này đã và đang là yếu điểm, tồn tại trong nhiều năm qua. Đó là, mặc
dù, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may – da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim
ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong
nước vẫn còn hạn chế. Hơn 60% giá trị xuất khẩu dệt may thuộc doanh nghiệp FDI
dù chỉ chiếm 24% số lượng doanh nghiệp; trong khi ngành da giầy doanh nghiệp
FDI chiếm gần 80% về kim ngạch xuất khẩu và chỉ chiểm gần 30% về số lượng doanh
nghiệp. Thực tế cho thấy, ngành dệt may – da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu
gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu
nhập khẩu từ thị trường ngoài nước, phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc các nước
ASEAN khác.
Đồng thuận với nhận định nêu trên, các chuyên gia kinh tế và
đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ
liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn
ngành thời gian tới, khi nhiều quốc gia trên thế giới (như Hoa Kỳ, EU) hướng
tới mục tiêu Net Zero 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn
cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao. Hơn nữa, việc nhập
khẩu nguồn nguyên phụ liệu sẽ ảnh hưởng tới việc tận dụng lợi thế về miễn giảm
thuế nhập khẩu mặt hàng dệt may – da giày vào các thị trường Việt Nam đã ký kết
Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA), quy định về quy tắc xuất xứ đã đi vào
thực thi.
Trước những thách thức, yêu cầu nêu trên, ở góc độ doanh
nghiệp, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may
Việt Nam đề xuất, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung
ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới
giúp các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi
mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia
mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành.
Cấp thiết thành lập Trung tâm Giao dịch phát triển
nguyên, phụ liệu
Đại diện cơ quan nhà nước, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, nhằm
nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị xuất khẩu, Bộ Công thương đã và
đang nỗ lực hoàn thiện đề án xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên,
phụ liệu ngành thời trang Việt Nam. Việc làm này phù hợp với định hướng phát
triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy tại Quyết định
1643/QĐ-TTg (ngày 29/12/2022) phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và
Da giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035. Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây
dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên phụ liệu
phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài, trưng bày và giới
thiệu sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian tìm kiếm nguồn cung, giá cả cạnh tranh…
Trên thực tế, cùng với nỗ lực của cơ quan nhà nước, doanh
nghiệp Việt Nam cũng rất chủ động trong việc thực hiện Quyết định 1643/QĐ-TTg.
Trước đó, tháng 12/2023, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt
Nam (Lefaso Vietnam) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có văn bản gửi Bộ
Công thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm Giao dịch phát
triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm, hiện có nhiều chợ nguyên
phụ liệu đang hoạt động, tuy nhiên quy mô nhỏ lẻ và không hiệu quả. Về lâu dài,
Việt Nam cần phải có trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên, phụ
liệu, vì khi thị trường và ngành dệt may, da giày trong nước phát triển, sẽ cần
có nơi để tập trung mẫu, phân phối nguyên, phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công
nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dự kiến trong
tháng 10/2024, các hiệp hội liên quan sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh
nghiệm Trung Quốc và các quốc gia đã xây dựng thành công mô hình này để hoàn
thiện Đề án, đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai.
Đánh giá về mô hình này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Trưởng
cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định, việc phát triển Trung tâm
này là rất cần thiết và đây là cơ hội để tổ chức lại ngành dệt may theo hướng
chuyên biệt hoá, bền vững, chủ động đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường
quốc tế, ổn định nguồn cung nguyên liệu cũng như giảm thiểu các rủi ro liên
quan đến nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc xây dựng Trung tâm này để thúc
đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm
thời trang Việt Nam; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu dệt may, da giày.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày đạt 48,6 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, thống kê đến ngày 15/9/2024, kim
ngạch xuất khẩu của 2 ngành dệt may, da giày đã đạt 48,6 tỷ USD, trong đó dệt
may, xơ sợi, nguyên phụ liệu gần 30 tỷ USD, còn lại là giày dép, túi xách.
Theo Lefaso Vietnam, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu da giày,
túi xách đều tăng trưởng khoảng 10%, nhiều thị trường đang hồi phục. Ngành da
giày dự báo, nếu duy trì được tốc độ phục hồi như hiện nay, dự kiến xuất khẩu
ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm nay.
Với dệt may, liên tiếp 2 tháng gần đây, kim ngạch xuất
khẩu hàng tháng đều vượt 4 tỷ USD, trong đó tháng 7 đạt 4,29 tỷ USD, sang
tháng 8 đạt 4,66 tỷ USD. Với đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang
thảo luận của quý IV đang tạo nhiều kỳ vọng về khả năng cán đích mục tiêu
doanh thu 44 tỷ USD cả năm 2024. Kết quả xuất khẩu 8 tháng 2024 của dệt may
Việt Nam rất đáng ghi nhận với thị phần cao nhất tại thị trường Mỹ lên tới
18,3%. Dệt may Việt Nam cũng duy trì vị thế thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, Trung
Quốc, Hàn Quốc, và ASEAN, thứ 5 tại EU.
Trong những tháng cuối năm 2024, còn nhiều thị trường lớn
để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng trị giá xuất khẩu. Tập đoàn Dệt May Việt
Nam (Vinatex) cho biết, ngành dệt may tiếp tục tập trung vào các sản phẩm
khó, chất lượng cao, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh để cạnh tranh.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam
tại thị trường Canada cũng cho biết, thương vụ sẽ tạo điều kiện để doanh
nghiệp dệt may và da giày tiếp cận tốt hơn tại thị trường Canada, hướng đến
mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn và hội nhập nhiều hơn vào chuỗi cung ứng thế
giới. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tập trung vào các mắt xích cao
trong chuỗi sản xuất như: dịch vụ marketing, thiết kế, thương hiệu.../.
|
Nguyễn Vân
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn