Đặt vấn đề
Trong
bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc phát triển doanh
nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN)
ngày càng được khuyến khích, quan tâm và hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp KH&CN còn
được hưởng nhiều ưu đãi như: được tài trợ, cho vay với
lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn; được hưởng chính
sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký
quyền sử dụng đất; được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; được hưởng chính sách ưu đãi về
tín dụng đầu tư của nhiều Ngân hàng;…
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn
nhất quán xác định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc
đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn
mạnh yêu cầu phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột
phá chiến lược của đất nước. Nhờ đó, đất nước ta trong
những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế
cao, quy mô ngày càng lớn mạnh. Xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững, trong
đó tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 19% năm 2010 lên
50% chỉ tính đến năm 2020. Theo Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng
trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp
phần tăng giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD trong năm 2023.
Ảnh minh họa
Nỗ lực của chính quyền
Hệ thống cơ chế,
chính sách được ngành KH&CN tỉnh Nghệ An quan tâm, tham mưu để có đầy đủ cơ sở
pháp lý đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển
kinh tế xã hội của tỉnh, cụ thể: Nghị quyết 19/2023/NQ-HĐND ngày
07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy
định về mức chi NSNN
cho một số hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh; Nghị
quyết 74/NQ-HĐND
ngày 07/12/2023 ban hành danh mục dịch vụ
sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh
vực KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Nghệ An cũng đã triển
khai một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn
tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 và được triển
khai trên địa bàn 12 huyện, thành thị với tổng kinh phí thực hiện 5 tỷ đồng. Các chính sách đó đã kịp
thời hỗ trợ cho người dân, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an
toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban
hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, về
việc xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho Nghệ An trong việc trở thành điểm đến của các
doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút nhân lực chất lượng cao và mở rộng mạng lưới
liên kết với các tổ chức khoa học, công nghệ trong nước và quốc tế.
Thực
trạng chung của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Tính
lũy kế cho đến nay, cả nước có khoảng 2 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập
với khoảng 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Cho đến thời điểm này, số lượng
doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN
là hơn 800 trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện.
Trong khi Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 đặt
ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có từ 5.000 doanh nghiệp KH&CN trở
lên. So với cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển như vũ bão hiện nay thì đây
là con số quá nhỏ bé và cách rất xa mục tiêu đã đặt ra. Và để thúc đẩy
doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, tháng 2/2019, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, trong đó hàng loạt chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp
KH&CN, như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng…
Tiếp đó, ngày 11/5/2022,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi
mới sáng tạo đến năm 2030, khẳng định vai trò của lĩnh vực này trong 10 năm tới
là bước đột phá chiến lược, mang ý nghĩa quyết định tạo sự bứt phá, nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy
nhiên, cho đến nay, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN ở nước ta vẫn tiếp
tục gặp không ít khó khăn, vướng mắc cả về số lượng, chất lượng cùng một số rào
cản pháp luật khác. Thực trạng này đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm hơn
nữa đến chính sách dành cho sự phát triển doanh nghiệp KH&CN, cơ
sở pháp lý, nguồn lực phát triển cũng như định hướng khởi nghiệp
cho loại hình doanh nghiệp này,… trong thời gian tới.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một phần cũng
từ chính bản thân các doanh nghiệp, rồi đến cơ chế, chính sách và những điều kiện
khách quan khác. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh
vực KH&CN như đã nói trên, trong đó phải kể đến các quỹ như Quỹ Phát triển KH&CN quốc
gia và Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia; nhưng trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp
cận các nguồn hỗ trợ này do chưa đủ các tiêu chuẩn cần thiết. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nguồn lực
tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, kỹ năng quản trị yếu kém,…
Hơn
nữa, quá trình tổ chức thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, chính
quyền các cấp cũng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.
Ảnh minh họa
Hiện tại, Nghệ An có 15 doanh nghiệp KH&CN đang hoạt động. So với hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động của
tỉnh và hơn 800 doanh nghiệp KH&CN của cả nước thì đây là một con số vô cùng khiêm tốn. Các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư vào công nghệ, tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao, tiếp cận đất đai, phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm... có những doanh nghiệp thậm chí còn chưa chưa xem trọng
KH&CN là nền tảng cốt lỗi trong kinh doanh.
Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa là một
doanh nghiệp chuyên nghiên cứu giống lúa
mới, chọn tạo khảo nghiệm xây dựng quy trình chăm bón lúa; sản xuất kinh doanh
giống lúa chất lượng cao và hợp đồng bao tiêu, thu mua chế biến ra sản phẩm mới
lúa hàng hóa chất lượng cao. Ông Phan Văn Hòa – Giám đốc Công ty cho biết, nhiều
giống
lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1, 2, 3 đã được cấp văn bằng bảo hộ giống cùng với nhiều
phần thưởng Cúp vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc năm 2008 và năm 2009, Cúp vàng doanh nhân
doanh nghiệp, Cúp
Bông sen sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An, Huân chương Lao động hạng
Ba do Chủ tịch nước trao tặng năm 2016… Bên cạnh những khó khăn về máy móc,
thiết bị, công nghệ, marketing, năng lực quản lý thì vốn là một vấn đề rất nan
giải không những cho doanh nghiệp ông mà ở hầu hết các doanh nghiệp KH&CN. Để
cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, tỉnh Nghệ An cần có các chính sách,
cơ chế hợp lý hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chuyên về KH&CN nhằm
thúc đẩy họ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã
hội, cho người tiêu dùng. “Mặc dù doanh nghiệp nhận được một số hỗ trợ, ưu đãi từ phía Nhà nước, song không ít trong đó quy trình tiếp cận các quỹ và chính sách ưu đãi vẫn
còn khá phức tạp nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà việc trở thành
doanh nghiệp KH&CN. Trong khi tỉnh Nghệ An đâu có nhiều
doanh nhiệp trong lĩnh vực này”, ông Phan Văn Hòa chia sẻ.
Ông
Nguyễn Danh Nhân – Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp miền Trung, là một
doanh nghiệp KH&CN chuyên xử lý hạt giống để nhân giống cho biết, chính quyền hình như đang quan tâm chủ yếu
đến các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI. Còn các
doanh nghiệp nhỏ và vừa còn vướng nhiều thủ tục về hành chính như giấy phép con,
thậm chí là thái độ ứng xử của một bộ phận công chức chính quyền. Trong đó, tiếp
cận đất đai vướng quá nhiều thủ tục. Về vấn đề vốn, doanh nghiệp vay từ Ngân
hàng thương mại và phải dùng tài sản cá nhân để thế chấp và không tiếp cận được
vốn vay từ Ngân hang chính sách. Trước tình hình khó khăn và vướng mắc đó, ông
Nhân đề nghị, cán bộ chính quyền cần chuyên nghiệp hơn trong chuyên môn và cập
nhật thường xuyên các văn bản pháp luật mới để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thuận
tiện nhất. “Đơn cử, một số Nghị định Chính phủ khi ban hành đã lấy ý kiến các Bộ,
ngành và VCCI, nhưng cán bộ chuyên môn lại nhìn nhận vấn đề theo ngành dọc mình
phụ trách và cho rằng, với doanh nghiệp thì Nghị định này khó áp dụng. Bên cạnh
đó, không ít cán bộ Nhà nước còn sợ sai, sợ quy trách nhiệm”, ông Nhân chia sẻ.
Đánh giá về những khó khăn mà Công ty Cổ
phần Dược liệu Pù Mát đang phải đối mặt, một đại diện của Công ty cho biết, khó
khăn thì rất nhiều, nhưng khó khăn nhất vẫn là đất đai và vốn. Đất để làm khi
thực nghiệm, khu nghiên cứu, khu làm giống, xây dựng nhà máy để sản xuất sản phẩm
từ kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Gần đây, mặc dù chính quyền đã rất nỗ
lực nhưng trên thực tế doanh nghiệp không vay được vì… không có vốn. Vậy nên,
Nhà nước cần phải có những chính sách rất cụ thể về thuê đất cũng như chính
sách vay vốn, trong đó có chính sách ưu tiên để doanh nghiệp KH&CN được
tham gia vào các Chương trình dự án và các hoạt động chuyển giao công nghệ cấp
Bộ.
Giải
pháp và kiến nghị
Theo
ý kiến của một số
doanh nghiệp KH&CN, Chiến lược phát triển
doanh nghiệp KH&CN được đề ra trước năm 2010, chính vì thế, việc triển khai
được thực hiện theo Luật KH&CN cũ. Đến năm 2013, Luật KH&CN sửa đổi,
theo đó nhiều tiêu chí về doanh nghiệp KH&CN khác so với Luật
KH&CN trước đây. Do đó, Bộ KH&CN đã thay đổi tiêu chí công nhận doanh nghiệp
KH&CN cho phù hợp với Luật năm 2013. Đó cũng
là một trong nhiều lý do việc phát triển các doanh nghiệp KH&CN chưa đạt
như kỳ vọng. Được biết, hiện tại Bộ
KH&CN đang lập đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật KH&CN; nghiên cứu,
hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KH&CN
với nhiều điểm mới, đột phá, thể hiện được kỳ vọng “lột xác” để trở thành một
công cụ hữu hiệu, hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công
nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới cũng như làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển
doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trước khi có Luật KH&CN mới
ra đời, trên cơ sở thực tiễn cùng với muôn vàn khó khăn và vướng mắc, nhiều
doanh nghiệp KH&CN đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau:
Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ
chế, chính sách tạo sự đồng bộ đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả trong thực
thi; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận doanh
nghiệp KH&CN và tháo gỡ các điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các
chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước một cách kịp thời. Tạo mọi điều kiện cho
các doanh nghiệp KH&CN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các
dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ Quốc
gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia.
Hai là,
phối hợp với VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức đối thoại để giải quyết
khó khăn, vướng mắc; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo động lực, thúc đẩy tinh thần
khởi nghiệp sáng tạo, tinh thần nghiên cứu và phát triển KH&CN ứng dụng
trong sản xuất, kinh doanh.
Ba
là, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về thực hiện chủ
trương KH&CN như là quốc sách hàng đầu theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng;
tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng cơ chế quản
lý, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN,
đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng là, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An
quan tâm hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp KH&CN trong ứng dụng đổi mới công
nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và khả
năng cạnh tranh; phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm…, qua đó giúp
doanh nghiệp KH&CN phát triển, đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
PHAN DUY HÙNG
(Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình)