Tổng cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân cho tăng trưởng cao.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục
trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có
tác động tích cực đến tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Điều này
được phản ánh qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm
2024 vẫn đạt mức cao, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số lượng doanh nghiệp
quay trở lại hoạt động các tháng năm 2024 (nguồn: Tổng cục Thống kê)
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt
động trong năm qua cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức 70 nghìn
doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong một năm. Số doanh nghiệp quay trở lại
hoạt động trong năm 2024 ở tất cả các ngành, nghề kinh doanh đều tăng so với
năm 2023.
Không chỉ tăng về số lượng, theo
bà Nguyễn Thị Hương, các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế đã đẩy mạnh
mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hơn so với năm 2023. Số vốn đăng ký bổ
sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt trên 2
triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.
Đây là một trong những dấu hiệu
tích cực, các doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp đã có trải nghiệm,
thích nghi trong nền kinh tế, khi bỏ vốn kinh doanh đồng nghĩa với việc đã nhìn
thấy cơ hội kinh doanh.
Bước sang năm 2025, tình hình thế
giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Nhiều quốc gia có xu hướng
gia tăng bảo hộ thương mại, nới lỏng tiền tệ… tiềm ẩn rủi ro với kinh tế toàn cầu.
Là nền kinh tế mở, Việt Nam chịu
tác động từ kinh tế thế giới. Do đó, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm
2025 vẫn là thời điểm nền kinh tế tiếp tục có nhiều thách thức. Cộng đồng doanh
nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn, sức chống chịu suy giảm
đáng kể bởi chi phí tăng cao, thị trường sụt giảm. Trong khi đó, ở thị trường
trong nước, sức mua tăng chậm, niềm tin kinh doanh có xu hướng chững lại; hoạt
động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng do những hậu quả của thiên tai, biến đổi
khí hậu.
Doanh nghiệp khu vực kinh tế tư
nhân phát triển là một trong những tiền đề đưa nền kinh tế tăng trưởng hai con
số
Từ thực tế trên, để chuẩn bị và củng
cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên mới cũng như hướng đến
tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Tổng cục Thống kê
nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư
nhân.
Quan trọng nhất, theo đề xuất của
Tổng cục Thống kê cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư
kinh doanh. Trong đó, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh
theo hướng thừa nhận là một bộ phận của kinh tế tư nhân tại Việt Nam thông qua
việc bổ sung mô hình cá nhân kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định
về trách nhiệm, cách thức thực hiện, thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin chủ
sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để đảm bảo
cam kết của Việt Nam cũng như tăng mức độ tín nhiệm, cải thiện môi trường kinh
doanh và thu hút đầu tư của nền kinh tế nói chung, hoạt động kinh tế đối ngoại
của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính
sách và quy định pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác và
các loại hình khác theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các ngành,
lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám
mây, internet vạn vật…
Thứ hai, hoàn thiện
cơ chế trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin về doanh nghiệp giữa cơ sở dữ liệu
của các bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký
thành lập để tiến tới “tự động hóa”; tăng cường chất lượng dữ liệu về tình hình
hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành, đề xuất các chính sách
quản lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh…
Thứ ba, hỗ trợ doanh
nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững - một
trong những xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhất trong năm 2024. Bên cạnh đó, cuộc
cách mạng số, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và công
nghệ mới, đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và quốc gia trong việc
phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo.
Hạnh Lê
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn