Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 71 trên thế giới, tăng 15 bậc và chuyển từ mức "cao" lên "rất cao".
Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử 2024 được Liên Hợp Quốc
công bố tuần này cho thấy Việt Nam đạt 0,7709 điểm về Chỉ số phát triển Chính
phủ điện tử - EGDI. So với mức 0,6787 điểm ở lần công bố trước vào năm 2022,
Việt Nam tăng từ thứ hạng 86 lên 71 trên thế giới.
Trung bình hai năm một lần, Liên Hợp Quốc đưa ra chỉ số này
nhằm đánh giá sự phát triển chính phủ số trên toàn thế giới, việc ứng dụng công
nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng cường sự tham gia của người
dân trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Năm nay, EGDI tổng hợp từ ba thông số chính gồm: Hạ tầng
viễn thông, Nguồn nhân lực và Dịch vụ trực tuyến. Ở ba hạng mục, Việt Nam đạt
điểm lần lượt là 0,7801 - 0,7267 - 0,8780.
Kết quả cũng đưa Việt Nam từ mức cao lên mức rất cao (trên
0,75 điểm), thuộc top 5 quốc gia có thu nhập trung bình thấp đạt được mốc này.
Trong khi đó, EGDI trung bình của thế giới là 0,6382, còn của khu vực châu Á là
0,6990, Đông Nam Á là 0,6928.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ
5. Trên Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Trong đó,
Singapore tăng 9 bậc và xếp thứ ba toàn thế giới, Philippines tăng 16 bậc,
Indonesia tăng 13 bậc, Đông Timor giảm 12 bậc.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hoàn thành mục
tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng Chính phủ điện tử tăng ít nhất năm bậc.
Công chức Đà Nẵng làm
việc tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
"Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai
chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các
giải pháp để tiếp tục nâng thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số của
Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, từ đó cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ cho biết.
Báo cáo EGDI 2024 cũng giới thiệu Khung mô hình chính phủ số
mới cho các quốc gia tham khảo, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát
triển bền vững. Khung này gồm sáu động lực gồm: Lãnh đạo số, Tập trung vào dữ
liệu, Danh tính số hợp pháp, Tham gia điện tử hiệu quả, Văn hóa số và Hạ tầng
số.
Chính phủ điện tử là quá trình chính phủ ứng dụng công nghệ
thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh
nghiệp tốt hơn. Tại Việt Nam, nhiều hệ thống nền tảng của Chính phủ điện tử đã
được đưa vào vận hành, giúp đổi mới cách làm việc trong cơ quan nhà nước, cung
cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Các hệ thống này có thể kể
đến Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương từ tháng 3/2019; Hệ thống
thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) từ giữa
2019; Cổng dịch vụ công quốc gia vận hành từ cuối 2019; Hệ thống thông tin báo
cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ,
Thủ tướng khai trương tháng 8/2020.
Lưu Quý
Nguồn: vnexpress.net