Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến khâu đánh giá cán bộ
(ĐGCB), bởi có đánh giá đúng mới có cơ sở để thực hiện tốt các khâu trong công
tác cán bộ, nhất là bố trí, sử dụng cán bộ.
ĐGCB là hoạt động của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu nhận xét, đánh
giá theo hệ tiêu chí đã xác định như phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng,
chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực tiễn và mối quan hệ ứng xử với quần
chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh để đánh giá đúng cán bộ cần phải “Hiểu biết
cán bộ”[1]. Có nắm được những ưu khuyết điểm, kết quả thực hiện nhiệm vụ, năng
lực sở trường, xu hướng phát triển, tâm tư nguyện vọng và giữ mối liên hệ với
nhân dân của cán bộ thì mới có cơ sở để đánh giá chính xác cán bộ.
Để đánh giá đúng cán bộ, theo Hồ Chí Minh, chủ thể đánh giá phải nắm vững
phương pháp biện chứng, lịch sử cụ thể. Bởi theo Người, “Trong thế giới cái gì
cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy, xem xét cán bộ, quyết
không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá”[2]. Người đã đưa ra sự so sánh
hai mẫu hình cán bộ, có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách
mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng; rằng
cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai
lầm. Nhờ nắm vững phương pháp biện chứng, nhận diện chính xác bản chất của
người cán bộ nên Hồ Chí Minh dễ dàng nhận biết những cán bộ hay khoe khoang, a
dua, tìm việc nhỏ mà làm, tránh việc khó, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau
lưng thì trái mệnh lệnh… Ai cứ cắm đầu làm việc… ăn nói ngay thẳng, không che
giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó… những người như
thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[3]. Do đó, Hồ Chí Minh yêu
cầu “Xem xét cán bộ không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem xét tính chất của
họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công
việc của họ”[4].
Theo Hồ Chí Minh, ĐGCB phải toàn diện, không phiến diện chủ quan. Do bản
chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội nên ĐGCB phải toàn diện - đây
là căn cứ khoa học để thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ. Khi ĐGCB
phải căn cứ vào các nội dung/tiêu chí đó như phẩm chất chính trị, đạo đức cách
mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực tiễn, kết quả hoàn
thành nhiệm vụ, quan hệ ứng xử có gần gũi với nhân dân hay không. ĐGCB không
chỉ làm cơ sở cho khâu quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng mà trong khâu đề
bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng phải xem xét, đánh giá. Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Trước
khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của
họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách
nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết
của họ hay không… Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt
hay không”[5]. Trong các nội dung đó, theo Bác Hồ đức là gốc, tài là quan
trọng; có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm
việc gì cũng khó.
Theo Hồ Chí Minh, đánh giá cán
bộ phải xuyên suốt, đa chiều
Từ thực tiễn hoạt động cộng với sự trải nghiệm của mình, Hồ Chí Minh chỉ
rõ chủ thể đánh giá có nhân cách, càng ít khuyết điểm, công tâm, khách quan thì
ĐGCB càng chính xác. Người đúc kết: “Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét
cán bộ càng đúng”[6]. “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn
biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của
mình”[7]. Nhận diện những lực cản của nền sản xuất nhỏ, Hồ Chí Minh đúc kết sâu
sắc khi cán bộ, đảng viên sa vào căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết, bè
cánh sẽ dẫn tới lệch chuẩn “Tự cao tự đại; Ưa người ta nịnh mình; Do lòng yêu,
ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà
lắp vào tất cả mọi người khác nhau”[8]. Đó là căn nguyên “không bao giờ thấu rõ
cái mặt thật của những cái mình trông”[9]. Đó là logic dẫn tới hệ quả “Ai hợp
với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy
cho nhau, ủng hộ lẫn nhau”[10] làm nhiễu thang giá trị đánh giá và sử dụng cán bộ
của Đảng ta.
Theo Hồ Chí Minh để đánh giá chính xác cán bộ cần tham khảo ý kiến của
dân chúng. Từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý, Người yêu cầu “Việc gì cũng phải học
hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”[11]. Bởi dân chúng
không chỉ thấy những ưu điểm, thành tích mà họ còn thấy rõ những khuyết điểm,
hạn chế của cán bộ. “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà
có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so
sánh đó, mà họ biết rõ ràng”[12]. Bởi vậy, khi ĐGCB, bổ nhiệm cán bộ cần tham
khảo ý kiến nhân dân là hết sức cần thiết để giúp cấp uỷ, tổ chức đảng, người
đứng đầu có thêm thông tin để đánh giá chính xác. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần
“Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[13].
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐGCB, trong các nhiệm kỳ gần đây Đảng
ta luôn coi trọng khâu ĐGCB, đã bám sát hệ tiêu chuẩn, kết quả công tác làm
thước đo đánh giá; kết hợp chặt chẽ các kênh, các phương pháp để đánh giá. Nhờ
đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng. Tuy nhiên, công
tác ĐGCB còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, đó là một số cấp uỷ ĐGCB còn
chung chung, cảm tính, chưa lượng hoá các tiêu chí để đánh giá. Vẫn còn hiện
tượng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, có trường hợp còn nhầm lẫn giữa hiện tượng
và bản chất khi ĐGCB; một số ít cấp uỷ, người đứng đầu chưa lấy kết quả thực
hiện nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu…
Để vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐGCB cần thực hiện đồng
bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của khâu
đánh giá cán bộ
Nhận thức đúng là cơ sở để hành động đúng. Cần nhận thức rằng đổi mới
khâu ĐGCB là góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Bởi ĐGCB là khâu mở
đầu - khâu này làm tốt sẽ tác động tích cực đến các khâu tiếp theo của công tác
cán bộ. Trước yêu cầu mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ vai trò của công tác
ĐGCB. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tổ chức - cán bộ cần quán triệt
sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ĐGCB và có những đổi mới phù hợp
với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Trong các nhiệm kỳ
Đại hội, Đảng ta đều khẳng định ĐGCB là khâu yếu nhất. Bởi, ĐGCB liên quan đến
lăng kính, phương pháp của chủ thể đánh giá, liên quan đến người nhà, người
thân, “cánh hẩu”. Để khắc phục những hạn chế này đặt ra cho các cấp uỷ, tổ chức
đảng, người đứng đầu phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của ĐGCB;
tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức đủ tầm, có khát vọng cống hiến, hoàn
thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, bám sát các nội dung hoạt động chủ yếu của cán bộ để đánh giá
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý khi ĐGCB phải toàn diện, thể
hiện các mặt hoạt động của cán bộ, “nhận xét cán bộ không nên chỉ xét
ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc
của cán bộ’’[14]. Bỏ qua một nội dung nào đó khi ĐGCB đều không đúng. Quán
triệt quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về ĐGCB, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày
19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ
cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang
tầm nhiệm vụ đã có những điểm mới: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng
xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua
khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, gắn đánh giá
cá nhân và tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn
vị”. Đây là quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể, không dập khuôn. Căn cứ vào
các nội dung tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; trình độ nghiệp vụ chuyên
môn; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật,
đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân để đánh giá. Nắm vững Quy định
124-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng
năm với tập thể, cá nhân theo 4 mức: 1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 2. Hoàn
thành tốt nhiệm vụ; 3. Hoàn thành nhiệm vụ; 4. Không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng
thời, bám sát tình thần Đại hội XIII của Đảng: cán bộ, đảng viên phải thực hiện
tốt “6 dám”- dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng
tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi
ích chung để nhận xét, ĐGCB.
Thứ ba, kết hợp các phương pháp để đánh giá cán bộ
Mỗi phương pháp ĐGCB đều có những ưu điểm của nó. Kết hợp xâu chuỗi các
phương pháp ĐGCB sẽ giúp cho tập thể cấp uỷ có cách nhìn toàn diện để nhận xét,
đánh giá chính xác cán bộ về phẩm chất chính trị và các mặt công tác. Các
phương pháp ĐGCB đó là, tập thể cấp uỷ quản lý cán bộ đánh giá; ban thường vụ
đánh giá; người đứng đầu đánh giá; cơ quan tổ chức cán bộ đánh giá; cán bộ,
công chức, quần chúng đánh giá; cấp uỷ nơi cư trú đánh giá. Kết hợp chặt chẽ
tập thể cấp uỷ ĐGCB và cán bộ tự đánh giá về phẩm chất và các mặt công tác của
mình. Xem xét tự kiểm điểm, tự đánh giá của cán bộ cũng là kênh, phương pháp để
tập thể cấp uỷ, người đứng đầu hiểu sâu hơn, nắm được các mặt hoạt động của cán
bộ. Bởi không ai có thể hiểu được sâu sắc, đầy đủ điểm mạnh, điểm yếu, sở
trường ngoài bản thân cán bộ đó. Trong quá trình phân tích, đánh giá đòi hỏi
các chủ thể đánh giá phải dân chủ, công tâm, khách quan, bám sát tiêu chuẩn,
tiêu chí, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ - nhân tố đảm bảo góp
phần nâng cao chất lượng công tác ĐGCB hiện nay.
Thứ tư, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong ĐGCB
Bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ là thống nhất biện chứng giữa
tập trung và dân chủ - hai mặt này chế ước, làm tiền đề cho nhau, tập trung
phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải có sự chỉ đạo của tập trung. Xa rời
nguyên tắc tập trung dân chủ thì công tác ĐGCB sẽ chệch hướng. Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ: Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật[15]- kỷ luật ở đây
chính là tập trung. Từng cấp uỷ, tổ chức đảng phải phát huy dân chủ để cấp uỷ
viên, cán bộ, đảng viên tham gia nhận xét, ĐGCB, làm rõ những ưu điểm, khuyết
điểm, hạn chế cần khắc phục sửa chữa. Cần thực hiện nguyên tắc mở rộng và phát
huy dân chủ trong ĐGCB nhưng phải vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ,
thẩm quyền trách nhiệm cuối cùng là tập thể cấp uỷ nhận xét, đánh giá theo
nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp
trên. Đương nhiên cần tôn trọng ý kiến nhận xét của người đứng đầu. Người đứng
đầu công tâm, khách quan, theo dõi và nắm chắc kết quả thực hiện nhiệm vụ chính
trị và sự phát triển của cán bộ thì sự nhận xét đó cũng có ý nghĩa quan trọng
để tập thể cấp uỷ tham khảo nhận xét, đánh giá, quyết định theo đa số đối với
cán bộ thuộc diện quản lý.
Thứ năm, phối hợp với cấp uỷ địa phương nơi cư trú để đánh giá cán bộ
Cán bộ không chỉ tập trung hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trong từng cơ
quan, đơn vị, địa phương trong thời gian làm việc theo quy định mà còn phải có
trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ ở nơi cư trú (theo Quy định số 213-QĐ/TW
ngày 21-1-2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác
thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú. Từ khi có
quy định trên, các cấp uỷ khi tiến hành công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, bổ
nhiệm cán bộ đều có các văn bản gửi cho các cấp uỷ nơi cư trú để lấy ý kiến
nhận xét cán bộ, đảng viên đương chức. Đây là kênh tham khảo để cấp uỷ, người
đứng đầu có thêm thông tin về phẩm chất đạo đức, tính tiền phong gương mẫu
trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước ở địa phương, sự gắn bó với nhân dân của cán bộ, đảng viên đương chức.
Việc này thể hiện tính tổng hoà trong nhận xét, ĐGCB. Không thể có chuyện đảng
viên đương chức ở cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng ở địa phương thì đảng
viên đó thiếu gương mẫu, quan liêu, xa dân mà vẫn được xếp loại đảng viên xuất
sắc, cán bộ tốt. Do đó, cần nắm vững định hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW (khoá
XII) “Nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của
người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính
trị một cách phù hợp”.
----------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.277.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.278.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.278.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.278.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.282.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà
Nội, 2000, tập 5, tr.278.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.277.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.277.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.277.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.257.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.297.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.296.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.297.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 5, tr.278.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,
Hà Nội, 2000, tập 11, tr.466.
PGS, TS Nguyễn Văn Lý
Học viện Chính trị khu vực III
Nguồn: xaydungdang.org.vn