Tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045 đã xác định đặc
trưng then chốt nhất cho kỷ nguyên mới của Việt Nam, đó là kỷ nguyên cả dân tộc
nỗ lực tư duy và hành động vì mục tiêu quốc gia phát triển.
Trong những phát biểu chỉ đạo gần đây, Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch
sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ
phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân
tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Phát biểu tại Đại học Columbia Mỹ ngày
23/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: “Sau gần 80 năm Độc
lập và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được
hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14
của Đảng. Trong hành trình của kỷ nguyên mới đó, không thể không nhắc tới vai
trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt
Nam.
Đảng và Nhà nước dẫn đường, chỉ lối
Cách đây 13 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị
quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ
doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế.
Nghị quyết là văn kiện đầu tiên của Đảng và
Nhà nước ta về doanh nhân, tạo ra sự đột phá về tư tưởng và chính sách của Đảng
đối với doanh nghiệp và doanh nhân. Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa
đổi, lần đầu tiên doanh nhân, doanh nghiệp được chính thức ghi nhận trong hiến
pháp nước ta.
Nhìn nhận vai trò quan trọng của giới doanh
nhân, ngày 10/10/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây
dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thay
thế Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Nghị quyết là bước phát triển mới về quan
điểm, khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng
nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp
phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm
quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Đồng thời Nghị quyết đưa ra bảy nhóm
nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, nhằm bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu về
xây dựng, phát huy đôin ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
2024 cũng là một dấu mốc quan trọng đối với
đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Đã 20 năm kể từ ngày cố Thủ tướng Phan Văn
Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân
Việt Nam. Sau 20 năm kể từ ngày 13/10/2004, đến nay Việt Nam đã có 930 nghìn
doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu
là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có
khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhóm các doanh
nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các
ngành và cả nền kinh tế.
Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển 2
triệu doanh nghiệp đến năm 2030, đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định “Khuyến
khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh,
có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”.
Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ phải
“phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển
đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.
Đặc biệt, nhận thức rõ vai trò và tầm quan
trọng của kinh tế tư nhân, Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan
trọng để phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, khuyến khích, tạo
mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền
vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp
luật không cấm.
Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải
pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều tra PCI
của VCCI cho thấy các doanh nghiệp đánh giá công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có
nhiều chuyển biến tích cực, việc tiếp cận thông tin, chính sách thuận lợi hơn,
chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm, cải cách thủ tục hành chính
phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể tiết giảm thời gian, chi phí cho các doanh
nghiệp.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được
cải thiện, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng hoàn thiện chính
sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách lớn, tác động trực tiếp đến môi
trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp đã trở
thành hoạt động thường xuyên của không chỉ Thường trực Chính phủ mà cả lãnh đạo
các ngành, các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn
mạnh: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở
đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy,
không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”.
Doanh nhân - lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế
Chúng ta vui mừng chứng kiến sau gần 40 năm
Đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự lớn mạnh vượt bậc với trên
930 nghìn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ
kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn HTX. Lực lượng nòng cốt quản lý, điều hành các
đơn vị kinh tế này là đội ngũ doanh nhân Việt Nam, hiện số lượng đã lên đến
hàng triệu người.
Ở góc độ của mình, đội ngũ doanh nhân, doanh
nghiệp luôn dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu và đứng lên từ thất
bại, chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống.
Chính sự lớn mạnh, dấn thân, cùng nỗ lực chung
của đội ngũ này trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao
hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp hiện
đang đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội. Hơn nữa,
đội ngũ doanh nhân không chỉ là làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng
góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với tinh thần dân tộc, ý chí vươn lên, khát
khao khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt, trong những năm qua, khu vực
kinh tế tư nhân phát triển nhanh không chỉ về lượng mà cả về chất. Vốn đầu tư
của khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn
kinh tế tư nhân lớn, có năng lực dẫn dắt trong một số lĩnh vực, có trình độ về
công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu, đạt tầm khu vực và thế
giới.
Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước
cũng đã thực hiện sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo các cân đối
lớn của nền kinh tế, góp phẫn giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Các tập đoàn hàng đầu của nhà nước cũng như
khu vực tư nhân đang cùng nhau khẳng định giá trị thương hiệu Việt trên thị
trường trong nước và quốc tế, điển hình như: PVN, Viettel, Vingroup, Thaco,
FPT, Hoà Phát, Vinamilk...
Những doanh nghiệp này đang dần hình thành nên
một đội ngũ doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, góp
phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, như Nghị quyết 41 của Bộ
Chính trị đã đề ra.
Ngày hôm nay chúng ta có thể nhìn thấy doanh
nhân, doanh nghiệp Việt đang ngày một trưởng thành và đã đủ sức tham gia gánh
vác, triển khai các dự án lớn mang tính biểu tượng quốc gia, như sân bay Long
Thành, hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các dự án
năng lượng tái tạo, chuyển đổi số quốc gia...
Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh nền kinh tế thế
giới đang có nhiều biến chuyển, sự phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
được nhìn nhận cũng còn những hạn chế, khi phần lớn doanh nghiệp đang có quy mô
nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, trình độ công
nghệ, kỹ năng quản trị còn yếu…
Tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp
chưa cao. Năng lực thích ứng với các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, các rào
cản mới của thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển còn rất hạn chế.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phát triển chưa bền vững.
Để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt phát
triển bền vững, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới… hơn lúc nào hết
chúng ta cần xây dựng đội ngũ doanh nhân không chỉ đông và giỏi về năng lực
lãnh đạo điều hành mà còn phải có đạo đức kinh doanh.
Muốn xây dựng một nền kinh tế bền vững thì phải có một hệ thống các doanh
nghiệp bền vững.
Muốn có các doanh nghiệp bền vững thì phải xây
dựng văn hóa kinh doanh bền vững, muốn có văn hóa kinh doanh bền vững thì phải
có con người biết kinh doanh bền vững, con người muốn biết kinh doanh bền vững
thì phải có đạo đức doanh nhân.
Đây là vấn đề nền tảng, vừa cấp bách, vừa mang
tính chiến lược lâu dài. Việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là quá trình
lâu dài, không ngừng nghỉ. Để tạo dựng nền tảng, khuôn mẫu trong xã hội thì mất
rất nhiều năm, có thể hàng chục năm, nên chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ thì
mới kỳ vọng đến năm 2045 đất nước ta vừa giàu có, vừa văn minh, hiện đại.
Chính vì vậy, Nghị quyết 41-NQ/TW đã đề ra
nhiệm vụ “Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc,
khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, coi đây là nhiệm
vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Với phương châm lấy đạo đức, văn hoá kinh
doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, các hoạt động trên
của VCCI đã góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam.
Các doanh nhân, doanh nghiệp đã không chỉ quan
tâm giữ uy tín về chất lượng, thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mà còn tích
cực thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho
người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nghị quyết 41-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ “phát
huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại
diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp”.
VCCI cam kết sẽ nỗ lực khơi dậy động lực, tinh
thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong
nhân dân.
Đất nước chuẩn bị bước sang thời kỳ mới - Kỷ
nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam, thực hiện các mục tiêu chiến lược 100
năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
VCCI sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng văn
hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, hình thành những doanh nghiệp dân tộc, phát
huy vai trò của đội ngũ doanh nhân dân tộc đóng góp vì một Việt Nam phát triển
mạnh mẽ và bền vững.
Bí thư Đảng Đoàn, Chủ
tịch VCCI PHẠM TẤN CÔNG
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn