Hôm nay (12/9), Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các
doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong,
chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đây được xem là “Hội
nghị Diên Hồng” đối với khu vực kinh tế tư nhân bởi những yêu cầu của thời kỳ
mới đòi hỏi các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn đang
nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao cần
phát huy tiềm lực, vai trò tiên phong, dẫn dắt. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những
sứ mệnh lớn lao hơn”.
Ông Nguyễn Chí Dũng
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những dấu ấn quan
trọng
Theo Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30%
nguồn thu ngân sách nhà nước và thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó, đã
hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô
vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường
khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: tập
đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Đây cũng là những
thương hiệu tiên phong chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công
nghiệp mới; đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước
phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của
nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Qua đó, xây dựng những mối
liên kết kinh doanh với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.
Kinh nghiệm tại
nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy, nhóm
các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở cả góc
độ tăng trưởng, việc làm, ngân sách, xuất khẩu, thuế hay tạo ra giá trị gia
tăng.
Tập đoàn Thaco - một
trong những doanh nghiệp tư nhân lớn có nhiều đóng góp cho phát triển của nền
kinh tế
Theo ước tính của
Ngân hàng Thế giới, 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn
nhất. Các doanh nghiệp lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, 1/2
tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, Nhật Bản
đều gắn liền với các thương hiệu lớn của những doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, doanh
nghiệp dân tộc, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn tại Việt Nam chưa phát huy hết
tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng bởi nhiều rào
cản, hạn chế. Ngoài các yếu tố khách quan tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh,
một số vướng mắc, bất cập trong thể chế, pháp luật chưa được kịp thời sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Quá trình phát triển
của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và thế
giới, chưa tích lũy nhiều vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống
kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc,
chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh.
Tỷ trọng doanh
nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến cũng như đầu tư vào các ngành,
lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới còn hạn
chế. Ở đội ngũ này, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá,
sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Khơi thông điểm
nghẽn, trao những sứ mệnh lớn lao
Ông Nguyễn Chí Dũng
nhấn mạnh, bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu mới như yêu cầu tăng trưởng tăng
trưởng xanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không chỉ
phát triển các ngành kinh doanh truyền thống mà còn phải dồn lực để thu hút đầu
tư, tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Đó còn là yêu cầu phát
huy, làm mới động lực tăng trưởng cũ đồng thời với khơi thông động lực tăng
trưởng mới đến từ các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
Tất cả những nỗ lực
trên đều hướng đến mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là đưa Việt Nam trở
thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 cũng như chuẩn bị tâm thế để
bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiều lĩnh vực mới,
dự án lớn của đất nước đang chờ đợi sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các
doanh nghiệp tư nhân
Những khát vọng lớn
lao đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều gắn liền với sự phát triển và đóng
góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc. Để thực hiện thành
công mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên cần nỗ lực từ cả 2 phía: cơ quan quản lý và
cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ nhất, với các bộ, ngành cần tập trung cải
cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để các doanh
nghiệp triển khai dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao thuận lợi; Xây dựng cơ
chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, tập
trung vào các chính sách như hỗ trợ tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất
(vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, R&D) và các yếu tố đầu ra (thị
trường, thương hiệu).
Thứ hai, với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp
tư nhân lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó,
việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển
kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp SME ở những lĩnh vực khác cũng
như tham gia cùng các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư vào các dự án lớn như:
đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài
khơi…
Cùng với đó, tiên
phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ; nghiên cứu,
thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an
sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh; chủ
động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp
SME tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Hạnh Lê
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn