Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng tươi đẹp, tiến bộ, hạnh phúc - Những chỉ dẫn quan trọng cho giai đoạn hiện nay
Bác Hồ
thăm lớp bình dân học vụ (tranh của họa sĩ Mai Văn Nam)_Nguồn: Bảo tàng Cách
mạng Việt Nam
Chủ tịch
Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng xã hội tốt đẹp, tiến bộ, hạnh phúc cho
dân tộc Việt Nam
Thứ
nhất, là Người đầu tiên tìm kiếm và lựa chọn đúng đắn mô hình xã hội phù hợp,
tốt đẹp cho đất nước.
Cuối thế
kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đất nước ta rơi vào khủng hoảng toàn diện, nhất là về lựa
chọn mô hình xây dựng xã hội mới. Mô hình xã hội phong kiến (mà hiện thân là
triều đình nhà Nguyễn) hay xã hội tư sản (mô hình xã hội do chính quyền thuộc
địa thực dân Pháp tạo dựng) đều chứa đầy mâu thuẫn, hạn chế, bất công nên không
phù hợp với thực tiễn lịch sử, không được nhân dân chấp nhận. Trong hoàn cảnh
ấy, ở nước ta chưa có ai, tổ chức hay lực lượng nào đủ khả năng tìm kiếm, lựa
chọn đường lối cứu nước đúng đắn và một mô hình xã hội tốt đẹp, phù hợp.
Mặc dù
các phong trào yêu nước lúc bấy giờ đều nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp,
giành lại độc lập dân tộc, nhưng có sự khác biệt cơ bản về đường lối cách mạng,
phương pháp tiến hành, lập trường giai cấp (đặc biệt là quan điểm về một mô
hình xã hội mới sẽ được xây dựng ),... Trong đó, các sĩ phu yêu nước chủ trương
phát động phong trào Cần Vương (giai đoạn 1885 - 1896), sau là cuộc khởi nghĩa
nông dân Yên Thế (giai đoạn 1884 - 1913) của vị anh hùng Hoàng Hoa Thám chống
thực dân Pháp; tuy nhiên, tất cả bị đàn áp dã man và dẫn đến kết cục thất bại.
Một trong những nguyên nhân chính là bởi các vị tiền bối trên mang trong mình ý
thức hệ của giai cấp phong kiến đã lạc hậu, lỗi thời, mong muốn khôi phục xã
hội phong kiến (kiểu xã hội đã hết vai trò trong tiến trình lịch sử dân tộc)
nên không được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Trong khi đó, nhiều phong trào
yêu nước theo khuynh hướng tư tưởng tư sản, như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục,
Duy Tân,... của các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, như Phan Bội Châu (muốn dựa
vào Nhật để đánh đuổi Pháp, giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mới
theo mô hình xã hội nước Nhật lúc bấy giờ); Phan Châu Trinh (chủ trương dựa vào
Pháp để nâng cao dân trí, dân quyền) phát triển rộng khắp, nhưng cuối cùng cũng
lâm vào bế tắc và thất bại. Thực tế, tư tưởng xây dựng mô hình xã hội kiểu tư
sản theo các phong trào trên còn thiếu thực tế và không đáp ứng được yêu cầu
hiện thực xã hội thời bấy giờ.
Đứng
trước tình hình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ
đại), một con người ưu tú với bản lĩnh quyết đoán và tầm nhìn vượt lên trên
những hạn chế của điều kiện lịch sử; có trí tuệ siêu việt, sự nhạy cảm chính
trị sâu sắc, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo,... đã tìm ra con đường, hướng đi
đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Kể từ thời điểm bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước
(năm 1911) đến khi xác định được con đường cứu nước theo cách mạng vô sản, tiếp
nhận thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực
tìm kiếm và lựa chọn mô hình đúng đắn về một xã hội mới, tốt đẹp cho dân tộc;
thực tiễn hoạt động cách mạng ở trong nước và quốc tế đã giúp Người hiểu rõ sự
lỗi thời, lạc hậu của xã hội phong kiến và mặt xấu xa, tàn bạo, bất công của xã
hội tư sản ở cả chính quốc lẫn thuộc địa. Trên cơ sở phân tích, đối chiếu
các kiểu xã hội trong dòng chảy liền mạch của tiến trình lịch sử nhân loại,
Người cho rằng tính chất phiến diện, nửa vời, không triệt để của xã hội tư sản khiến
ngay trong bản chất của nó đã bộc lộ những mâu thuẫn đối kháng không thể điều
hòa và sẽ làm bùng nổ các cuộc cách mạng xã hội trong tương lai, rằng “chế độ
tư bản có những mâu thuẫn to, nó không giải quyết được”(1).
Khác hẳn
với xã hội tư sản là xã hội Xô-viết, tuy lúc bấy giờ còn non trẻ, nhưng đã sớm
bộc lộ sức sống và tính ưu việt, mục tiêu phục vụ đều hướng đến lợi ích của đại
đa số nhân dân lao động, khi mà “Nước Nga có chuyện lạ đời/Biến người nô lệ
thành người tự do”(2). Như
vậy, từ con đường cách mạng vô sản, hướng cách mạng giải phóng dân tộc theo
những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, đồng thời được tận mắt chứng kiến, nhìn
nhận thực tiễn sinh động về mô hình xã hội Xô-viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa
chọn mô hình xã hội Xô-viết làm nền tảng để xây dựng đất nước ta. Người chỉ rõ:
“Cách mạng Tháng Mười đã chứng tỏ có khả năng lật đổ nền chuyên chính của bọn
bóc lột, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội bảo đảm cho đất nước phát
triển rực rỡ một cách nhanh chóng chưa từng thấy, đưa quần chúng lao động đến
một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho người lao động
có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi
sáng, mà trước kia không thể nghĩ tới”(3).
Chủ tịch
Hồ Chí Minh kiên định về mục đích, nguyên tắc của mô hình xã hội mới, nhưng về
hình thức, bước đi và cách làm cụ thể khi vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của
Việt Nam, Người lại có sự độc lập, sáng tạo và các bước phát triển mới, hoàn
toàn không giáo điều, bảo thủ, rập khuôn, máy móc. Có thể nói, thực tiễn đã
chứng minh, quyết định của Người về con đường cách mạng của dân tộc là sự lựa
chọn sáng suốt, phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng được yêu cầu cơ bản
của thực tiễn đất nước cũng như nguyện vọng, lợi ích toàn thể dân tộc.
Thứ hai,
khẳng định tính tất yếu đối với sứ mệnh xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa của
dân tộc Việt Nam; đồng thời, chuẩn bị những tiền đề cốt yếu, nền tảng tư tưởng
quan trọng để củng cố, hoàn thiện mô hình xã hội tốt đẹp.
Năm
1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận
cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lê-nin đăng trên
báo Nhân đạo - tác phẩm có tác động mạnh mẽ, khiến Người cảm
động, sáng tỏ niềm tin về một con đường giải phóng dân tộc đầy hy vọng mà cách
mạng Việt Nam sẽ trải qua, đồng thời định hình rõ mô hình về một xã hội tốt đẹp
trong tương lai. Theo đó, Người khẳng định “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa
cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên
thế giới khỏi ách nô lệ”(4), bởi vì
trong chế độ cộng sản “ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và
có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang”(5). Trên
cơ sở lý luận được tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, một học thuyết khoa học,
cách mạng nhất của thời đại và từ thực tiễn khảo nghiệm của bản thân, Người dồn
tâm huyết để chuẩn bị toàn diện, đầy đủ mọi khía cạnh cho sự ra đời của một xã
hội mới, đầy tươi đẹp.
Theo đó,
đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sâu, phân tích và khẳng định tính tất yếu
khách quan của nhiệm vụ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa - mô hình lý tưởng về
một xã hội phù hợp với đất nước. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, ngay
trong Chánh cương vắn tắt (năm 1930), Người xác định nhiệm vụ
“làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(6); sau
khi nước nhà giành được độc lập, “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển
thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(7), rằng
“có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ
quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”(8).
Chủ tịch
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho đất nước phát triển phồn vinh, bền vững,
nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người cho rằng, “tiến lên xây dựng một
nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do
và độc lập, tức là nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu
mạnh”(9). Bên cạnh việc khẳng định tính tất
yếu trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, Người còn dày công phân tích, phác
thảo đường hướng lớn về nội dung, động lực, con đường, bước đi, phương thức và
biện pháp,... để xây dựng xã hội tốt đẹp ấy. Trong đó, nội dung xây dựng xã hội
mới được Người khái quát hết sức giản dị, thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện,
như chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh; là tất cả mọi người,
tất cả đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no; con cháu “chúng ta” ngày càng sung
sướng, ai nấy đều được đi học, ốm đau có thuốc, phong tục, tập quán không tốt
dần dần được xóa bỏ,...
Thứ ba,
xác định, vạch rõ chủ trương, nguyên tắc xuyên suốt, hướng đi lâu dài đối với
nhiệm vụ xây dựng xã hội tốt đẹp ở Việt Nam.
Nội dung
đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dù được diễn đạt với ngôn từ, nội hàm
khái niệm khác nhau,... song về bản chất, chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí
Minh luôn thống nhất với lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học và phù hợp với
điều kiện đất nước. Đó là một xã hội hiện thực do con người, vì con người, giá
trị con người được giải phóng triệt để; đề cao giá trị tự do, ấm no, hạnh phúc
và phát triển toàn diện, có sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với tập thể
và lợi ích xã hội; giải quyết thỏa đáng giữa cống hiến và hưởng thụ, một xã hội
đạt đến trình độ đạo đức nhân văn cao cả nhất mà nhân loại nói chung, dân tộc
và nhân dân Việt Nam nói riêng hằng mong ước. Người cho rằng, chủ nghĩa xã hội
là một xã hội hoàn toàn mới mẻ, đầy tính nhân văn, là nơi sẽ “đưa quần chúng
đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người
lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân
trời tươi sáng”(10).
Tuy
nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, không phải cứ “ngồi chờ” là sẽ có chủ
nghĩa xã hội, trái lại, “cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó
khăn nhất và sâu sắc nhất... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành
một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(11). Vì
vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, theo Người, vấn đề có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng là phải xác định đúng, trúng phương thức, bước đi cùng với
quyết tâm cao và những biện pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch
sử cụ thể của Việt Nam và với đặc điểm, xu thế của thời đại. Người chỉ rõ, công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, nên động
lực và phương cách cơ bản, lâu dài, quyết định nhất là huy động sức mạnh tổng
hợp trong nhân dân, cụ thể:
Trên
lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phát
triển lực lượng sản xuất là vấn đề then chốt, đồng thời cần chú trọng nâng cao
năng suất lao động trên cơ sở công nghiệp hóa, từng bước thiết lập quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa, quan hệ phân phối và quản lý kinh tế phù hợp; nền kinh
tế đất nước ta xây dựng là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công, nông nghiệp
hiện đại, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, bởi “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa
vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”(12). Song,
Người nhấn mạnh, một xã hội tốt đẹp không thuần túy chạy theo lợi ích kinh tế,
trái lại, phát triển kinh tế phải gắn liền với nâng cao đời sống nhân dân cũng
như bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đó chính là mục tiêu, đồng thời cũng là
thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị đích thực của xã hội mới tốt đẹp mà
chúng ta đang xây dựng, hoàn thiện, rằng “xây dựng cho nhân dân một đời sống
ngày càng sung sướng. Đó là chủ nghĩa xã hội”(13).
Trên
lĩnh vực chính trị - xã hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung
quan trọng nhất là phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản
cầm quyền - một Đảng “chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân,
phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(14). Bên
cạnh đó, phải xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; củng
cố, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất với nòng cốt là liên minh công nhân,
nông dân và đội ngũ trí thức nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn
dân tộc; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ triệt
để.
Trên
lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem yếu
tố văn hóa là mục tiêu cơ bản và động lực của một xã hội tốt đẹp, có sự hiện
diện trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội. Cũng theo Người, mục tiêu cơ bản
và trọng tâm của văn hóa phải là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, trong
đó bao gồm các phẩm chất “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài và nền
tảng đạo đức luôn được coi là gốc rễ. Sức hấp dẫn của một xã hội tốt đẹp hay
của chủ nghĩa xã hội không phải chỉ ở mức sống vật chất cao, mà cốt lõi là ở
giá trị đạo đức của nó và ở phẩm chất đạo đức của những con người sinh sống
trong xã hội ấy.
Có thể
nói, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp không phải là ước vọng, giấc mơ, ý
tưởng hay là lời hiệu triệu thuần túy. Xã hội đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh
hiện thực hóa không chỉ bằng cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, những luận
chứng, luận cứ đầy đủ, rõ ràng, mà còn bằng sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu
toàn thông qua việc xác định rõ những bước đi, lộ trình, cách thức, biện pháp
hết sức cụ thể, khoa học, hiệu quả và phù hợp với đất nước. Có thể nói, Người
chính là “vị kiến trúc sư vĩ đại” đã kiến tạo nền tảng cơ bản, điều kiện tiên
quyết cho sự ra đời của một xã hội tốt đẹp ở nước ta, đồng thời đặt nền móng
cho việc củng cố, hoàn thiện xã hội ấy.
Ủy
viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm với thiếu nhi xã Trường Hà,
huyện Hà Quảng_Nguồn: vpctn.gov.vn
Những
chỉ dẫn cho giai đoạn hiện nay
Kể từ
khi ra đời đến quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ cũng như trong
từng chặng đường xây dựng đất nước, đồng thời dựa trên cơ sở lý luận của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn khẳng định đi lên chủ
nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng
Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của
lịch sử(15). Thực tế, sau gần 40 năm đổi mới, “Đất
nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay”(16), đây là bằng chứng sinh động và đầy
sức thiết phục về nhận thức và sự vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng một xã hội tốt đẹp ở Việt Nam.
Thực
tiễn phát triển đất nước giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề, thách thức
mới, vô cùng phong phú, đồng thời cũng hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó,
quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận khoa học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại
vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường; là cơ sở
để tư duy, tìm tòi lời giải đáp cho những vấn đề nảy sinh từ thực tế,... trong
công cuộc hoàn thiện xã hội tốt đẹp ở Việt Nam hiện nay. Thời gian tới, để tiếp
tục vận dụng hiệu quả, phù hợp những giá trị mà Người để lại, cần chú trọng
thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ
nhất, triển khai, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và
chính sách của Nhà nước trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước
ta(17). Tiếp tục phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
phát triển đất nước nhanh, bền vững, tạo lập nền tảng vật chất quan trọng để
xây dựng xã hội tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân. Chú trọng đúng mức việc ứng
dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển đất nước;
đồng thời, khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mọi thành phần kinh tế,
mọi tổ chức và cá nhân.
Thứ hai, tập
trung thực hiện hiệu quả, thiết thực các chính sách xã hội, hướng tới vì lợi
ích của toàn thể dân tộc; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý phát
triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; xây dựng “một xã hội
mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; đặc biệt, sự phát triển về
kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn
kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”(18). Mặt
khác, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách lao
động, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm quyền
con người và “an ninh con người” gắn với xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an
toàn, lành mạnh. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt, hiệu quả
phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng”(19).
Thứ ba, tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền trong sạch,
vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thắng lợi công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp ở Việt
Nam. Bởi lẽ, thành công hay thất bại trong công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp
“phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”(20) . Theo
đó, cần xây dựng và thực thi phong cách lãnh đạo, quản lý vừa khoa học, sâu
sát, sáng tạo, vừa mang tính nhân văn cao cả. Mặt khác, thực hành triệt để tự
phê bình và phê bình; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng
phí, tiêu cực; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và tương lai về một
xã hội tốt đẹp ở Việt Nam. Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, bác bỏ
quan điểm sai trái, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử
cơ hội chính trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ tư, tiếp
tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất
nước; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa, mở rộng các hoạt động đối ngoại. Chú trọng xây dựng một
nền văn hóa Việt Nam có đầy đủ yếu tố dân tộc, khoa học và đại chúng; đồng
thời, cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng và phát
triển một cách phù hợp, sáng tạo với thực tiễn đất nước. Mặt khác, có kế sách
ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; thực hiện chính sách
ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhằm mở rộng hợp tác để phát triển; tích cực, chủ
động hội nhập quốc tế./.
PGS, TS NGUYỄN ĐÌNH BẮC
Học
viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Nguồn:
tapchicongsan.org.vn
--------------------------
(1) Hồ
Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2011, t. 8, tr. 292
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 652
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.
11, tr. 161
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 563
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 294
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr.
1
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15,
tr. 392
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 401
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 251
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. XII
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 91
- 92
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 445
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13,
tr. 432, 271
(15) Xem: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(17) Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp
hành Trung ương, về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành
Trung ương, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu
cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ
Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh”; Nghị quyết 44-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành
Trung ương, “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết
43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về tiếp tục
phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta
ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Nghị quyết 42-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban
Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã
hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”
(18) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và
thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 9
(19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Sđd, t. I, tr. 27
(20) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và
thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,
Sđd, tr. 35 - 36