Chủ động đổi mới đón đầu thị trường
Nhà máy Bia Sài Gòn – Sông Lam (Hưng Nguyên) có dây chuyền
máy móc, thiết bị hiện đại tiêu chuẩn châu Âu, công nghệ tiên tiến của bia Sài
Gòn. Với đội ngũ cán bộ, công nhân viên có trình độ, trách nhiệm, năm 2024 đã
cho ra đời những lô sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn lao động, vệ
sinh môi trường theo hệ thống tiêu chuẩn tích hợp ISO…
Sản xuất bia ở Nhà
máy Bia Sài Gòn- Sông Lam. Ảnh: Trân Châu
Năm 2024, sản xuất được 86 triệu lít bia, đạt 110,5% kế hoạch
năm, cũng năm 2024, công ty tiêu thụ được 86 triệu lít bia, đạt 110% kế hoạch
năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.794 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1.000 tỷ
đồng, là đơn vị nộp ngân sách lớn thứ 2 ở tỉnh Nghệ An. Năm 2025, dự kiến nhà
máy sản xuất vượt kế hoạch công suất. Trong thời gian qua, công ty luôn tập
trung nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhằm nâng
cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, giúp cho các hoạt động của công ty được cải
tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh hiệu quả. Công ty
luôn chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo các hoạt động an sinh xã hội và quản
trị. Bên cạnh đó, tiết kiệm các tài nguyên như điện, nước…
Trong sản xuất, công ty thực hiện các ứng dụng công nghệ
thông tin, đổi mới cơ chế quản lý, giảm thiểu một số giấy tờ, thủ tục bằng việc
số hóa dữ liệu, hướng dẫn cán bộ, công nhân viên chuyển đổi số, cải tiến, số
hóa một số công đoạn, hỗ trợ cán bộ, nhân viên thuận tiện trong công tác.
Cũng trong năm 2024, nhà máy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng
hệ thống tiết kiệm năng lượng nhà nấu với tổng mức đầu tư 7,5 tỷ đồng, đem lại
hiệu quả thu hồi hơi tại nồi đun sôi, tiết kiệm được khoảng 150 tấn hơi/tháng,
đây là dự án quan trọng đảm bảo phát triển bền vững cũng như tiết giảm định mức
sử dụng hơi nóng. Ngay từ mùng 4 Tết, nhà máy đã đi vào sản xuất trở lại, đảm bảo
kế hoạch năm 2025.
Nhà máy Năng lượng
xanh KA-Grimex ở Anh Sơn chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: Quang An
Trong khi đó, tại công trường Nhà máy Năng lượng xanh
KA-Grimex do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An làm chủ đầu tư cũng
đang khẩn trương thi công các hạng mục kịp đưa vào vận hành trong quý 1/2025.
Nhà máy được đầu tư gần 400 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành hơn
90% các hạng mục chính, như lắp đặt hệ thống nghiền, sấy, hệ thống lọc bụi,
nghiền tinh, ép viên, nhà xưởng và đang thi công nhà kho chứa thành phẩm vận
hành tự động. Nhà máy có nhiệm vụ chế biến nguyên liệu gỗ, dăm gỗ tạo ra viên
nén gỗ, công suất 150.000 tấn viên nén gỗ mỗi năm. Công suất chế biến nguyên liệu
là 300.000 tấn/năm. Nguyên liệu sau khi được nghiền thô sẽ được cho vào hệ thống
sấy và đi đến hệ thống lọc bụi. Thành phẩm sẽ được nghiền thành tinh và ép
viên, làm nguội và đi đến kho thành phẩm.
Nguồn nguyên liệu của nhà máy được ký hợp đồng sản xuất rừng
từ các huyện trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Một số công đoạn, phần
việc được đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại nhà máy, phấn đấu đưa nhà máy vào hoạt
động trong quý I năm 2025. Ngay từ mùng 4 Tết, các bộ phận, công nhân đã trở lại
làm việc.
Với đặc thù sản xuất liên tục để đảm bảo thu mua nguyên liệu
nên một số nhà máy đường không nghỉ Tết. Còn các nhà máy khác bố trí hợp lý để
sản xuất.
Năm 2024, công nghiệp Nghệ An ghi dấu ấn tích cực. Nghệ An dần
trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử của khu vực và cả nước với sự
góp mặt của nhiều ông lớn trên toàn cầu về đầu tư tại Nghệ An.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Mặt
hàng linh kiện điện tử có sự tăng trưởng vượt bậc. Sản xuất linh kiện điện tử,
phụ tùng ô tô ước tăng gấp đôi cùng kỳ do các dự án sản xuất linh kiện điện tử
trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, các dự án mới đi vào hoạt động bắt đầu sản
xuất sản phẩm ra thị trường (Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam mở rộng dây
chuyền sản xuất, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác
Goertek đi vào hoạt động chạy thử)... Năm 2024, linh kiện điện tử trong tỉnh đạt
580 triệu sản phẩm, tăng xấp xỉ 200% so với năm 2023, đạt kế hoạch giao. Các
nhà máy từ mùng 6 Tết đều hoạt động trở lại.
Sản xuất ở Nhà máy
may Minh Anh - Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Đối với ngành dệt may, Nghệ An xuất hiện thêm nhiều tên tuổi
mới và cuộc đua về tuyển dụng ngày càng kịch liệt. Các nhà máy đều có chính
sách hỗ trợ người lao động tiền ăn trưa, tiền đi lại, tháng lương thứ 13.
Một số nhà máy như: Nakano, Koyu Textile, Matsusaka Thanh
Chương, Gaiwat Việt Nam đã đi vào hoạt động và hứa hẹn năm 2025 ổn định hơn. Tại
các doanh nghiệp (Minh Anh Kim Liên, Hi-Tex, Sangwoo, Woin Vina...) đơn hàng
khá. Năm 2024, quần áo may sẵn đạt 95 triệu sản phẩm, tăng 0,6%/năm 2023, đạt
79,17%/KH. Năm 2025, các nhà máy đều tích cực tuyển dụng lao động để hoàn thành
các đơn hàng lớn. Ngay từ mùng 4 Tết nhiều nhà máy may đã đón công nhân trở lại
làm việc.
Các nhà máy sữa trên địa bàn như TH Truemilk và Vinamilk đều
duy trì tốt thị trường tiêu thụ và phát huy tốt các dây chuyền mới mở rộng. Năm
2024, sản lượng sữa đạt 350 triệu lít, tăng 4,48%/năm 2023. Dự kiến năm 2025 sản
xuất hết công suất để đón đầu thị trường dự báo là nguồn cung khan hiếm do thời
tiết nóng lên...
Theo báo cáo của ngành chức năng, nhiều sản phẩm năm qua
tiêu thụ giảm như xi măng, vật liệu xây dựng, nước mắm, sợi dệt, hàng dệt may…
Nguyên nhân là thị trường đầu ra vẫn chưa thực sự thuận lợi, thị trường bất động
sản đang chờ đợi và người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khó khăn. Tuy
nhiên, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính phát triển mạnh,
tạo đà cho mục tiêu đưa Nghệ An sớm trở thành tỉnh công nghiệp điện tử.
Dịp tết, các ngành chức năng đã thực hiện chỉ thị về việc bảo
đảm cung cấp điện trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn
trong năm 2025. Ngành công thương đã ban hành Công văn số 172 tháng 01/2025 gửi
UBND các huyện, thành phố và thị xã, Công ty Điện lực Nghệ An về việc đảm bảo cấp
điện an toàn, ổn định trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Dịp Tết
Ất Tỵ vừa qua đã xảy ra một số sự cố về điện nhưng ngành Điện lực đã xử lý kịp
thời.
Điện lực Nghệ An cung
ứng đủ điện sản xuất cho các nhà máy trên địa bàn. Ảnh: Trân Châu
Tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm,
công tác bình ổn thị trường, cung ứng xăng dầu đã được ngành chức năng kiểm tra
thường xuyên đảm bảo đủ xăng, hàng hoá cho bà con đón Tết.
Trước Tết Ất Tỵ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã thăm và chúc
Tết các doanh nghiệp, nhà đầu tư, biểu dương và động viên tinh thần trách nhiệm
của các doanh nhân, đồng thời, nắm bắt thêm tình hình của các doanh nghiệp để tập
trung chỉ đạo, tháo gỡ trong năm 2025, nhằm cùng các mũi, các lĩnh vực khác,
góp phần hoàn thành sớm nhất các mục tiêu kế hoạch của năm.
Khu công nghiệp, đô
thị và dịch vụ VSIP Nghệ An hoạt động trở lại vào ngày mùng 6 Tết âm lịch. Ảnh:
Trân Châu
Ngay sau Tết, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã họp, yêu cầu ngay sau Tết,
các cấp, ngành, địa phương tập trung ngay vào công việc, tập trung tháo gỡ sản
xuất, kinh doanh tạo đà hoàn thành kế hoạch năm 2025 ngay từ ngày đầu, tháng đầu
của năm.
Trân Châu
Nguồn: baonghean.vn