Phòng, chống lãng phí, công việc thường xuyên và cấp thiết để đất nước vươn mình
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. (Ảnh:
ĐĂNG KHOA)
V.I.Lênin yêu cầu, Đảng, Nhà nước
Xô viết và những người cộng sản “Hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận”. Chủ
tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu chữ cần kiệm trong 23 điều về tư cách của
một người cách mạng. Cần là làm hết sức mình trong mọi công việc, không lười biếng,
thoái thác nhiệm vụ; kiệm là tiết kiệm, không lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết quý từng đồng tiền, bát gạo, vì đó là
công sức của nhân dân.
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội
từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chiến tranh kéo dài tàn phá. Điểm xuất phát ở
trình độ rất thấp, thấp bởi quan hệ sản xuất lạc hậu và lực lượng sản xuất kém
phát triển. Khi miền bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bình quân ruộng đất có 3
sào/người, công nghiệp chỉ có mấy mỏ than. Với “cơ ngơi” ấy phải tiến dần từng
bước, phải có phương pháp thích hợp, sáng tạo và cần kiệm xây dựng đất nước, “Mỗi
hòn than, mẩu sắt, cân ngô/Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ” (Tố Hữu). Muốn phát
triển phải có ý chí, quyết tâm rất cao.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là
sự nghiệp mới mẻ, khó khăn đòi hỏi hành động tự giác, sáng tạo trên cơ sở nhận
thức đúng đắn của toàn dân, của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu
rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ
nghĩa” (1).
Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội
đã từng bước hình thành những giá trị tiêu biểu của con người xã hội chủ nghĩa
trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân. Đó là những con người nêu cao ý thức
làm chủ, tinh thần tập thể, tập trung vì công việc chung, bảo vệ của công, góp
sức xây dựng hợp tác xã, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, chăm lo công việc xã hội;
là những người có tinh thần đoàn kết, biết sống vì người khác “mỗi người vì mọi
người, mọi người vì mỗi người”; đó là những người nêu cao tinh thần trách nhiệm
trước Đảng, Nhà nước, tập thể và nhân dân, có ý thức phục vụ nhân dân; luôn
luôn có ý thức “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; là những người sống có kỷ
luật, tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cái mới, tốt đẹp trong con người
xã hội chủ nghĩa ngày càng nảy nở, phát triển, tuy nhiên những cái xấu, tiêu cực
vẫn hiện hữu và gây tác hại. Bác Hồ nhiều lần phê phán và yêu cầu loại bỏ các
thói xấu như: Lười biếng, tham lam, gian giảo, thích hưởng thụ, lãng phí của
công. Để phòng chống những tiêu cực trong lãnh đạo, quản lý, đầu năm 1963, Bộ
Chính trị khóa III đã ban hành nghị quyết mở các cuộc vận động lớn, trong đó có
Nghị quyết số 85-NQ/TW, ngày 24/7/1963 về cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách
nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô,
lãng phí, quan liêu” (gọi tắt là cuộc vận động 3 xây, 3 chống). Bộ Chính trị
cho rằng: “Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu xảy ra khá phổ biến, có nơi khá
nghiêm trọng, đã gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân ta” (2).
Vấn đề chống lãng phí đã được Đảng
đặt ra từ rất sớm và luôn luôn gắn liền với chống tham ô, tham nhũng và tệ quan
liêu. Bộ Chính trị nêu rõ nhận thức, đây là cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ
những tàn dư của chế độ bóc lột, xây dựng lập trường, đạo đức cách mạng cần kiệm
liêm chính. Cần phải có giải pháp căn bản và thiết thực để ngăn ngừa tệ nạn ấy.
Cái gốc vẫn là tinh thần trách nhiệm, sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, là
cách thức, chế độ quản lý chặt chẽ, minh bạch.
Vấn đề chống lãng phí đã được
Đảng đặt ra từ rất sớm và luôn luôn gắn liền với chống tham ô, tham nhũng và tệ
quan liêu. Bộ Chính trị nêu rõ nhận thức, đây là cuộc đấu tranh cách mạng nhằm
xóa bỏ những tàn dư của chế độ bóc lột, xây dựng lập trường, đạo đức cách mạng
cần kiệm liêm chính.
Trước khi tiến hành công cuộc đổi
mới (1986), do cơ chế quản lý hành chính, bao cấp, phân phối bình quân dẫn tới
lãng phí lớn nguồn nhân lực bởi năng suất lao động thấp, hiệu quả công việc
kém, nuôi dưỡng thói lười biếng, ỷ lại. Do không chú ý đúng mức lợi ích kinh tế
của người lao động mà mất đi động lực của sự phát triển. Đó là sự lãng phí, mất
mát lớn nhất.
Trong công cuộc đổi mới, với
tư duy kinh tế mới, đổi mới cơ chế quản lý, gắn kế hoạch với thị trường, hình
thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra nguồn lực và động
lực mới để đất nước phát triển. Nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động, sáng
tạo, của cải vật chất tăng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức
sống và chất lượng cuộc sống được nâng cao. Với điều kiện, hoàn cảnh đó, đã nảy
sinh ở một bộ phận cán bộ, đảng viên tâm lý hưởng thụ, tìm cách chiếm đoạt của
cải, tiền bạc (tham nhũng) và trình độ yếu kém trong quản lý dẫn tới lãng phí.
Có những cán bộ được Nhà nước giao nguồn vốn rất lớn nhưng do nhiều lý do mà
công trình không được thực hiện trong nhiều năm gây thất thoát, lãng phí vô
cùng lớn, làm nghèo đất nước.
Năm 1994, Đảng xác định tham
nhũng là một trong 4 nguy cơ lớn làm cản trở quá trình đổi mới. Đảng đã tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng rất quyết liệt và
đến nay đã thu được những kết quả quan trọng. Nhưng cuộc đấu tranh chống lãng
phí chưa được nhận thức và đặt đúng vị trí và yêu cầu mặc dù tác hại của nó
không kém tham nhũng.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết
quan trọng Chống lãng phí. Đó thật sự là khởi động lại, tạo ra động lực mới
trong cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài. Chống lãng phí thành công góp phần
tăng thêm nguồn lực để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Bài viết đã thống
nhất nhận thức trong toàn Đảng với quan điểm coi chống lãng phí là chống “giặc
nội xâm”, đặt chống lãng phí ngang với chống tham nhũng. Tổng Bí thư đã đề ra 4
giải pháp căn bản và cấp thiết trong chống lãng phí. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực
công tác, mỗi địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa để có giải pháp thích hợp và
thực hiện có hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài
viết quan trọng Chống lãng phí. Đó thật sự là khởi động lại, tạo ra động lực mới
trong cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài. Chống lãng phí thành công góp phần
tăng thêm nguồn lực để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Chống lãng phí gắn liền với thực
hành tiết kiệm. Những việc đó được thực hiện tốt sẽ tạo nguồn lực lớn trong xây
dựng, phát triển đất nước, phát triển các ngành, các địa phương và từng gia
đình, làm cho dân giàu nước mạnh. Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là chống lãng phí tiền
bạc, của cải, tài sản công, cần, kiệm xây dựng đất nước. Cần mở rộng nhận thức
chống lãng phí về thời gian, nguồn lực, nhất là nhân lực, lãng phí tài nguyên
và nhiều lĩnh vực, nguồn lực khác.
Cần chống lãng phí thời gian, biết
quý từng giây, từng phút, từng giờ để lao động, làm việc, học tập có hiệu quả,
năng suất cao. Tranh thủ thời gian để phát triển đất nước nhanh, bền vững, thúc
đẩy nhanh quy mô, tốc độ, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế, tránh chủ
quan, thỏa mãn, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, so với các nước
trong khu vực và trên thế giới.
Phải chống lãng phí nguồn nhân lực.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 100 triệu dân, hơn 50 triệu người
trong độ tuổi lao động. Cần đào tạo bài bản, sử dụng tốt nguồn nhân lực, nhất
là nhân lực chất lượng cao. Có nhân lực chất lượng cao mới ứng dụng có kết quả
cao cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo
AI, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế tốt hơn, bảo đảm cho dân tộc Việt Nam thật
sự vươn mình.
Quyết tâm chống lãng phí trong sử
dụng tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.
Giữ bằng được 4 triệu héc-ta đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc
gia cho hôm nay và các thế hệ tiếp theo. Có chiến lược nước quốc gia cho phát
triển kinh tế và đời sống người dân. Bảo vệ tài nguyên rừng vì cuộc sống con
người và chống hiểm họa lũ lụt, sạt lở đất. Sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển,
không khai thác tận diệt nguồn lợi từ biển, bảo đảm Việt Nam mạnh lên từ biển,
giàu lên từ biển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng xây
dựng chủ nghĩa xã hội là công việc to lớn, nặng nề, phức tạp và rất vẻ vang.
“Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những
cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này
cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ
đại của toàn dân” (3).
Làm theo tấm gương đạo đức cộng sản,
đạo đức cách mạng của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là giải pháp quan trọng trong
phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. V.I.Lênin là lãnh tụ vì dân “Ghét
mọi quân thù, ghét mọi nước sơn/Suốt đời mang tấm áo dạ sờn/Đôi giày ống gót
mòn sỏi đá” (Với Lênin-Tố Hữu). Hồ Chí Minh: “Một đời thanh bạch, chẳng vàng
son/Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. “Nâng
niu tất cả, chỉ quên mình” (Bác ơi-Tố Hữu). Trong đấu tranh chống sự hư hỏng,
tiêu cực, chỉ có thấm nhuần đạo đức cách mạng mới thành công vững bền.
Theo PGS.TS Nguyễn
Trọng Phúc (nhandan.vn)
-------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 13, trang 66.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2008, tập 24,
trang 614.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 15, trang 617.