“Thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh” - Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến rèn luyện bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Ủy viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị
Mai thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và chúc tết nhân dân xã
Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa_Nguồn: sggp.org.vn
Những
chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh “Thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai
phải đấu tranh” của đội ngũ đảng viên
“Thấy
đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh” - Một biểu hiện về bản lĩnh người
đảng viên.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh không đưa ra một định nghĩa riêng về bản lĩnh “thấy đúng phải
bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”, mà tùy điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng, Người
nêu những ý kiến cụ thể, những so sánh phù hợp để mọi người dễ hiểu, dễ hình
dung thế nào là bản lĩnh ấy của người đảng viên.
Trong
tác phẩm Đường Cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh so sánh
“... một người cách mệnh có gan, hơn một ngàn người vô chí”(1) để
chỉ những người dân Pháp có thể đứng lên làm cách mạng tư sản Pháp thành công
trong khi lương thực ít, súng ống thiếu, gầy guộc, bụng đói... chỉ bởi họ “có
gan”, nghĩa là họ dám hy sinh, dám đấu tranh. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên
của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng từ “có gan”, “dám”, “dũng khí”,
“dũng cảm”... để nói về bản lĩnh. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng
10-1947), lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức phân tích, giải thích và
chỉ ra cách xử lý công việc của một người cán bộ, đảng viên có bản lĩnh: “...
cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan
đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần
chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra”(2).
Nghĩa là, nếu thấy chính sách, cách làm không hợp thì người cán bộ, đảng viên
phải “có gan” đề nghị sửa bỏ, còn khi thấy chính sách, cách làm đúng và cần
thiết thì phải “có gan” đề nghị cấp trên ban hành để thực hiện; thậm chí, “Nếu
cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(3).
Để cho rõ hơn, Người còn so sánh họ với những người “chỉ biết khư khư giữ nếp
cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới./
Đó là vì thói không phụ trách “quá hữu”, gặp sao hay vậy”(4), nghĩa
là có thái độ mặc kệ, đúng sai gì cũng không lên tiếng, miễn sao không ảnh
hưởng đến mình.
Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên có bản lĩnh là những người dũng cảm, gan góc,
“... gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa”(5),
mạnh dạn, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm trước những quyết định cũng như hành động của mình, nhằm
đem lại lợi ích cho tập thể, tổ chức và cho nhân dân; bởi lẽ, người lãnh đạo có
bản lĩnh thì mới dám xây dựng cái mới, xóa bỏ cái cũ lỗi thời, lạc hậu. Người
cho rằng, những người đã “có gan” như vậy sẽ không e sợ bất kỳ việc gì, cho dù
đó là việc khó, việc khổ hay trước áp lực thế lực cường quyền và “... việc gì
là việc phải họ đều làm được”(6).
Tuy
nhiên, Người cũng nhấn mạnh, “có gan” không có nghĩa là làm vội, làm ẩu, làm
liều; mà trước khi tiến hành, ta phải xem xét cho rõ ràng mọi mặt, mọi phương
diện, trong mọi mối quan hệ, “... cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm,
phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ”(7),
tức là phải xem xét toàn diện rồi mới xác định phương pháp tiến hành công việc,
cách thức đấu tranh với sai lầm, khuyết điểm sao cho phù hợp.
Vì
sao thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh?
Chủ
tịch Hồ Chí Minh từng phê bình biểu hiện của một số cán bộ, đảng viên thấy đúng
không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, “... ai có khuyết điểm cũng không dám
phê bình”(8);
những cán bộ “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện
bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên
biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”(9) miễn
sao không ảnh hưởng đến mình. Những người này có chung đặc điểm là ngại va
chạm, né đấu tranh, “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý”, có tư tưởng cầu an, sợ
trách nhiệm, sợ liên đới, sợ mất lòng... Nguy hại hơn là tình trạng một bộ phận
cán bộ, đảng viên “Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không
khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích”(10),
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liệt vào nhóm những biểu hiện của “bệnh cá nhân”.
Cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh này chỉ tôn thờ lối sống thực dụng, trong tiếp
xúc, giải quyết công việc hằng ngày với nhân dân; bệnh này thể hiện qua hành
vi, cử chỉ không thân thiện, không văn hóa, sự thờ ơ, dửng dưng trước khó khăn,
mất mát của người dân.
Nói
tóm lại, cán bộ, đảng viên thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh sẽ
có tác hại: Một mặt, ở phạm vi nhỏ, khi thấy sai không phê bình,
không thẳng thắn góp ý, cứ để cho đồng chí mình sa vào sai lầm sẽ dẫn đến hỏng
việc, như vậy chẳng “... khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ”(11); mặt
khác, gây tác hại ở phạm vi lớn hơn đối với tổ chức đảng, đối với toàn
Đảng, khi những cán bộ, đảng viên với biểu hiện “mũ ni che tai” sẽ “khiến cho
Đảng xệch xoạc... Đảng xa rời dân chúng”(12),
thậm chí những đảng viên này dần dần sẽ sinh ra thói “không nói trước mặt, hục
hặc sau lưng”, dẫn đến “sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng... để cho bọn vu
vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng... để cho khuyết điểm ngày càng chồng
chất lại và phát triển ra”(13),
khiến cho quần chúng nhân dân mất lòng tin với Đảng, dẫn đến giảm sút uy tín,
ảnh hưởng đến sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng.
Thấy
đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh trở thành tiêu chí phân loại thái độ
của mỗi người đối với khuyết điểm và là thước đo đánh giá đội ngũ cán bộ, đảng
viên.
Đứng
trước những sự việc đúng, sai, tốt, xấu, thiện, ác..., sự lựa chọn, thể hiện
thái độ, quan điểm, lập trường của cán bộ, đảng viên là đấu tranh, bảo vệ hay
im lặng, né tránh sẽ cho thấy bản lĩnh và tư cách của mỗi người. Từ đó, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã phân thành năm loại thái độ:
1-
Thái độ của bọn phản động, nghĩa là “... lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ
thêm để phá hoại Đảng ta”(14).
2-
Thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ, nghĩa là “Lợi dụng những sai lầm và
khuyết điểm đó, để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ”(15),
lợi mình hại người, “miễn sao mình béo mặc thiên hạ gầy”.
3-
Thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt, nghĩa là “... sao cũng
mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình”(16).
4-
Thái độ của những người máy móc quá, nghĩa là đối với những người mắc sai lầm,
khuyết điểm, họ “... đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không
làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản,
thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng”(17).
5-
Thái độ đúng đắn của người cách mạng là: “a) Phân tách rõ ràng, cái gì đúng,
cái gì là sai./ b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những
phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt./ c) Không để
mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển
ra, không để nó có hại cho Đảng./ d) Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng
cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và
khuyết điểm, giúp họ tiến bộ./ đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng
cao kỷ luật và uy tín của Đảng”(18).
Chủ
tịch Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc những cán bộ và đảng viên có biểu hiện
thấy sao cũng mặc kệ và gọi tên họ là “bọn thứ ba”. Những cán bộ, đảng viên này
ứng xử theo lối “dĩ hòa vi quý”, “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy
sai không đấu tranh, thái độ này khiến cho cái tốt không có điều kiện nảy nở,
phát huy, cái sai không được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và đấu tranh loại
bỏ...; suy cho cùng, đây cũng là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh
chân chính, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi. Người
khẳng định, nếu mỗi cán bộ, đảng viên đều có bản lĩnh và thái độ đúng “... thì
khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định
thắng lợi”(19).
Về
cách thức “bảo vệ” và “đấu tranh”.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi đối mặt với một vấn đề cần đưa ra cách giải
quyết, người cán bộ, đảng viên phải xem xét một cách toàn diện, phải phân tích
rõ ràng để nhận rõ cái gì đúng, cái gì sai, “... vạch rõ những cái đó, vì đâu
mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó”(20).
Trong đấu tranh với cái sai, Người căn dặn, tuyệt đối “không làm cách máy móc”
mà phải “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”, khéo phê bình sẽ góp phần tạo
sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm,
tăng cường sự giám sát của tập thể đối với đảng viên. Người khẳng định, đảng
viên nào dù mắc khuyết điểm, nhưng nếu thật thà tự phê bình, có quyết tâm sửa
chữa, dám đấu tranh với sai lầm, khuyết điểm thì mới trở nên đảng viên xứng
đáng, chân chính. Người cũng chỉ rõ, tiến hành tự phê bình và phê bình là phải
có lý, có tình, trên tinh thần thương yêu đồng chí, tôn trọng nhân cách của mỗi
con người.
Rèn
luyện bản lĩnh người đảng viên là một việc quan trọng và cần thiết.
Ngay
từ năm 1925, trong tập bài giảng ở lớp huấn luyện chính trị cách mạng tại Quảng
Châu, Trung Quốc cho những thanh niên Việt Nam ưu tú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
chỉ ra 23 chuẩn mực đạo đức cần có của một người cách mạng chân chính; trong
đó, có các chuẩn mực thuộc về bản lĩnh của người cách mạng trên hai mối
quan hệ: Mối quan hệ thứ nhất, đối với người, cần có bản lĩnh giúp
đỡ, nâng đỡ đồng nghiệp, bạn bè; thấy cái hay, cái tốt, cái đẹp của người khác
thì phải “bày vẽ” để họ phát huy, phát triển hoặc khi thấy cái dở, cái chưa tốt
ở người khác thì nhất định phải cương trực, thẳng thắn góp ý, nhưng cần chú ý
đến cách thức góp ý sao cho khéo léo. Mối quan hệ thứ hai, đối với
công việc, phải dũng cảm, nghĩa là gặp việc khó phải “có gan” làm; gặp việc
chưa đúng phải “có gan” sửa chữa, góp ý; thấy việc sai “có gan” đấu tranh, thấy
việc đúng có gan bảo vệ... như vậy, mới đúng là người có bản lĩnh cách mạng,
trở thành người đảng viên có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh, mới làm tròn
nhiệm vụ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những
thành tích rất vẻ vang./ Trong Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần
đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết,
dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta.../ Tuy vậy, không phải là người người đều
tốt, việc việc đều hay”(21),
“Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu”(22).
Từ đó, Người yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên luôn có ý thức chăm lo, bồi dưỡng,
rèn luyện bản lĩnh cách mạng để có thể xây dựng đội ngũ đảng viên dám đứng ra
đấu tranh, bảo vệ cái đúng, làm cho phần chính, phần thiện trong mỗi người ngày
càng tăng thêm; để phần tà, phần ác, việc xấu được ngăn chặn và bớt dần
Đảng
Cộng sản Việt Nam vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rèn luyện
bản lĩnh đội ngũ đảng viên hiện nay
Thấm
nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm tới việc rèn
luyện bản lĩnh đội ngũ đảng viên. Hơn 93 năm qua, phần lớn cán bộ, đảng viên
của Đảng luôn gương mẫu tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, bản lĩnh cách mạng, hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là những con người luôn đi đầu trên mọi trận
tuyến, trong thời chiến cũng như trong thời bình, xứng đáng với vai trò vừa là
người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Tuy nhiên,
bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng,
rèn luyện đạo đức và bản lĩnh cách mạng, thoái hóa, biến chất, lập trường tư
tưởng không vững vàng; có biểu hiện hoang mang, dao động; có thái độ thiếu
quyết đoán, ngại va chạm, sợ đấu tranh, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận
của mình trước Đảng, trước nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI,
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra: “Một số nơi có
tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ;
những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”(23).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, tiếp tục chỉ rõ
một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ,
đảng viên là: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”(24).
Những biểu hiện này, dưới cấp độ cá nhân, chính là biểu hiện suy thoái về tư
tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên; còn ở cấp độ tập thể, chính là biểu hiện
của một tổ chức thiếu dân chủ, thiếu tính đoàn kết, tinh thần xây dựng trong
nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong
sinh hoạt đảng.
Tại
Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 20-6-1988, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, về
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội
VI của Đảng”, lần đầu tiên, Đảng đưa vấn đề “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách
nhiệm” thành một tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ lãnh đạo, là yêu cầu cần có
trong rèn luyện bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đến ngày
16-11-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban
hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay”, đặt ra yêu cầu phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo
vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên
lợi ích riêng. Phát triển quan điểm của Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng đã đề
ra phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác cán bộ, nhất là ở khâu
tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, sao cho lựa chọn được “những người có bản lĩnh
chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám
chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”(25).
Đồng thời, Đảng cũng ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban
Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,
trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương”, nhấn mạnh họ phải gương mẫu đi đầu nghiêm túc thực
hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải
quyết liệt đấu tranh; không tranh công, đổ lỗi. Gần đây nhất, tại Đại hội XIII,
Đảng ta đã nêu quan điểm, cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám nói, dám làm,
dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử
thách, hành động vì lợi ích chung. Đây được coi là một trong những tiêu chí
quan trọng trong đánh giá và là thước đo bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và đạo
đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Ngày 22-9-2021, Bộ Chính
trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW, “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ
năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, cụ thể hóa chủ trương “... khuyến khích,
bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi
ích chung”(26).
Đây chính là sự kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo chỉ dẫn của Chủ tịch
Hồ Chí Minh về rèn luyện bản lĩnh đội ngũ đảng viên theo phương châm“thấy
đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh” của Đảng ta trong thời
kỳ mới.
Để
tiếp tục phát triển, vận dụng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tốt
chủ trương của Đảng về rèn luyện bản lĩnh đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời
kỳ hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một
là, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục quán triệt sâu sắc
chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về nâng cao đạo đức, rèn luyện bản
lĩnh cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên(27).
Việc quán triệt phải được thực hiện gắn liền với đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng
để cán bộ, đảng viên hiểu rõ mục đích, yêu cầu, tính chất quan trọng của việc
rèn luyện bản lĩnh người cán bộ, đảng viên; từ đó, tạo sự đồng thuận, tinh thần
quyết tâm, tính tích cực, tự giác đấu tranh với các biểu hiện sai trái, nhất là
trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận
điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay.
Hai
là, xây dựng môi trường rèn luyện, tu
dưỡng, phấn đấu của cán bộ, đảng viên; xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch,
vững mạnh, duy trì bầu không khí dân chủ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tạo điều
kiện cho họ thường xuyên làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các
tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành nghiêm chỉnh tự phê bình
và phê bình, nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu điểm,
sửa chữa khuyết điểm, tăng cường sự giám sát của tập thể đối với cấp ủy, cán bộ
lãnh đạo và đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là vũ khí sắc bén và rất
cần thiết để đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực, suy thoái. Tự phê bình và phê bình
phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc. Thông qua tự phê bình và phê
bình để đấu tranh khắc phục những biểu hiện sai trái, sai lầm, khuyết điểm; góp
phần thiết thực xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo cơ quan,
đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
![Anh-tin-bai](https://datafiles.nghean.gov.vn/nan-ubnd/2902/quantritintuc20241/2638419009810058432.jpg)
Cán bộ, công chức ngành
kiểm sát huyện Bình Liêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
và giúp đồng bào làm rẫy tại thôn Khe Mó, xã Húc Động, huyện Bình Liêu,
tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baovephapluat.vn
Ba
là, xây dựng và triển khai thực hiện quy
tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Quy tắc ứng xử là các
chuẩn mực xử sự của cán bộ, đảng viên trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong
quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với
đặc thù công việc của từng nhóm cán bộ, đảng viên và từng lĩnh vực hoạt động,
nhằm bảo đảm sự liêm chính, trách nhiệm và bản lĩnh của cán bộ, đảng viên. Các
chuẩn mực và quy tắc ứng xử trong công vụ cần được đề ra theo hướng khuyến
khích cán bộ, đảng viên dám thể hiện bản lĩnh, bảo vệ cái đúng, đấu tranh ngăn
chặn cái sai. Để làm được điều này, trước hết lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu
cơ quan, đơn vị phải làm gương, thể hiện tinh thần và thái độ đúng, sẵn sàng
đấu tranh, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách.
Bốn
là, tăng cường công tác tổng kết, kiểm tra,
đánh giá của cấp ủy các cấp về chất lượng, hiệu quả, hiệu lực thực hiện chỉ
thị, nghị quyết, quy định về rèn luyện bản lĩnh cách mạng của cán bộ, đảng
viên. Một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, đảng viên thấy đúng không bảo
vệ, thấy sai không đấu tranh là do công tác tổng kết, kiểm tra, đánh giá chưa
được nhận thức đúng và triển khai hành động quyết liệt; có lúc, có nơi, công
tác tổng kết, kiểm tra, đánh giá còn tạo ra vùng “ưu tiên” hoặc mắc “bệnh thành
tích”, “bệnh hình thức”. Do đó, cần chú trọng kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm
chất đạo đức của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong lãnh đạo,
quản lý; tập trung kiểm tra, đánh giá thái độ tích cực, tự giác của cán bộ,
đảng viên trong công việc và đối với nhân dân; tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết
quả rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và rèn luyện bản lĩnh cách mạng của
cán bộ, đảng viên thể hiện qua hiệu quả, chất lượng công việc được giao.
Năm
là, chú trọng công tác thi đua, khen
thưởng. Kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, có chính sách thỏa đáng đối với
người phát hiện và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, những
hành vi sai trái. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối
với cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, hoặc có biểu hiện sai phạm; đồng thời,
xây dựng cơ chế khuyến khích việc phát hiện và tố giác hành vi, biểu hiện lệch
lạc, sai trái bằng việc mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho cán bộ, đảng viên
và nhân dân; làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến tố
giác, tố cáo hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên và bảo vệ những người dám
lên tiếng, dũng cảm tố cáo hành vi đó, góp phần phát huy tính tích cực, chủ
động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tố cáo và đấu tranh với hành vi
sai trái, tiêu cực./.
TS
NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Viện Hồ Chí Minh và các
lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn:
tapchicongsan.org.vn
---------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 294
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t. 5, tr. 286, 286, 286, 292, 292, 324, 298, 298, 298
(11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 5, tr. 301, 298, 305, 304, 304, 304, 304, 304 - 305
(19), (20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 305,
301, 302, 294
(23) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương
khóa XI, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 25
(24) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa
XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 29
(25) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng
Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 206 - 207
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 243
(27) Quy định
số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán
bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Chỉ thị
số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày
19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường
vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết
luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ
thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh””; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban
Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính
trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa””...