image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Chấn hưng tinh thần doanh nhân Việt

Nghị quyết 41 ra đời đã vực dậy tinh thần của tất cả doanh nghiệp đang rơi vào cảm giác bất an, giúp doanh nghiệp bình tâm quay trở lại với con đường mình đi. 

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).

Anh-tin-bai

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn.

Nghị quyết 41 được xem như một “liều thuốc” chấn hưng tinh thần để doanh nhân tiếp tục tin vào chính mình, vào sứ mệnh của doanh nhân với đất nước trong thời kỳ mới. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, chúng ta có đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đang đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh mới có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, chúng ta kỳ vọng đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo nên sức mạnh và sự tự hào của Việt Nam.

Do đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới tạo động lực để phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Các doanh nhân đều thể hiện sự hứng khởi và khẳng định, Nghị quyết 41 chính là nguồn cảm hứng được Bộ Chính trị trao đến cho doanh nhân rất đúng lúc, kịp thời, có sức truyền cảm hứng mãnh liệt, thưa ông?

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Nghị quyết 41 ra đời rất đúng lúc và kịp thời giúp doanh nhân tin tưởng vào sự hỗ trợ từ nhà nước, từ đó họ sẽ dấn thân hơn vào các hoạt động kinh doanh, đổi mới sáng tạo và đầu tư phát triển. Sự hứng khởi từ phía doanh nhân cho thấy họ tin tưởng vào khả năng của chính sách trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.

Bên cạnh đó, từ Nghị quyết 41 các chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp giúp tạo ra làn sóng doanh nhân mới, những người sẵn sàng đối mặt với thử thách và nắm bắt cơ hội. Sự truyền cảm hứng mạnh mẽ từ nghị quyết không chỉ hỗ trợ doanh nhân hiện tại mà còn thúc đẩy các thế hệ doanh nhân tương lai.

Khi doanh nhân hứng khởi và tích cực, họ sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ sẽ tạo ra việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước và thúc đẩy xuất khẩu. Khi chúng ta có chính sách kịp thời sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư, từ đó huy động các nguồn lực tốt hơn cho sự phát triển kinh tế và xã hội.

Doanh nhân sẽ hào hứng và tích cực hơn khi tham gia vào các dự án công-tư, góp phần xây dựng hạ tầng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, tôi tin rằng đây cũng là cơ hội để doanh nhân Việt Nam vươn ra thế giới, khẳng định giá trị và niềm tự hào dân tộc, rất cần thiết để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Như vậy, Nghị quyết 41 sẽ tạo sự hứng khởi và niềm tin của các doanh nhân về chính sách của Đảng và Nhà nước, cho thấy rằng Đảng và Nhà nước ta đang đi đúng hướng và đồng hành trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh năng động, sáng tạo và đầy triển vọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 -Nghị quyết 41 nói về mục tiêu xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đó là, chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật của doanh nhân đúng là những yếu tố quan trọng nhất. Doanh nhân là tầng lớp tiên phong của xã hội, vì vậy chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật của họ sẽ là tấm gương cho các tầng lớp khác của xã hội noi theo.

Khi doanh nhân hành xử theo chuẩn mực đạo đức, họ xây dựng lòng tin và uy tín với khách hàng, đối tác và cộng đồng, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp. Khi các doanh nhân tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, họ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp phải nỗ lực cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tồn tại và phát triển.

Doanh nhân tuân thủ pháp luật sẽ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng, giúp xây dựng lòng tin từ phía khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý nhà nước. Việc tuân thủ pháp luật cũng giúp hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, từ đó nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả kinh doanh.

Còn doanh nhân có đạo đức và văn hóa kinh doanh tốt thường chú trọng đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng, không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nước mà còn dễ dàng hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.

Trở thành những hình mẫu tích cực cho xã hội, khuyến khích các thế hệ sau noi theo và phát triển theo hướng tích cực, tạo ra một hình ảnh tích cực và bền vững cho toàn xã hội. Doanh nhân, vì thế, không chỉ đóng góp vào kinh tế mà còn vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, và xã hội, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển toàn diện của đất nước.

Hiện nay, quá trình hoạt động của lực lượng doanh nhân Việt Nam trên thực tế còn không ít vướng mắc về pháp luật, cho nên Nghị quyết 41 như một điểm nhấn giúp rà soát những việc đã và chưa làm được. Điều này cho thấy, Đảng và Chính phủ rất quyết tâm mong đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, thưa ông?

Đúng như vậy. Hiện nay, chúng ta nhận thấy một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, chúng ta rất cần quan tâm hơn đến việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Chúng ta hy vọng rằng Nghị quyết 41 sẽ giúp khai thông các điểm nghẽn cơ chế, chính sách và pháp luật, để phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Từ đó xây dựng được một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Anh-tin-bai

Nghị quyết 41 cho thấy có sự chuyển đổi rõ ràng về mặt nhận thức vai trò của doanh nhân và xác định doanh nhân là tiềm lực quan trọng của nền kinh tế.

Đặc biệt, Nghị quyết 41 nhấn mạnh cần có chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc, thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp, nhằm đưa nước ta sở hữu những tập đoàn ngang tầm châu lục và thế giới. Ông đánh giá như thế nào về yêu cầu này?

Khi chúng ta đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của đội ngũ doanh nhân, thì phải xây dựng những chính sách đột phá để nâng cao vai trò của họ đối với sự phát triển của đất nước. Muốn làm được như vậy, thì phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc đơn giản hóa và minh bạch hóa hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Cung cấp các chương trình vay vốn ưu đãi, quỹ hỗ trợ và các chính sách khuyến khích đầu tư từ cả trong và ngoài nước, và tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhà nước cũng cần bảo đảm sự ổn định và minh bạch trong chính sách kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời thực hiện các biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tham nhũng, tạo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch.

Đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông và năng lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất và công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng cách khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học để phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

 Xây dựng các khu công nghệ cao, trung tâm sáng tạo và vườn ươm doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, và tạo các chính sách hỗ trợ startup, từ vốn đầu tư ban đầu đến các chương trình kết nối thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các chương trình xúc tiến thương mại. Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ và tiếp cận các nguồn lực mới.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ sự phát triển của các tập đoàn kinh tế, từ việc tiếp cận vốn, đất đai, đến các chính sách thuế ưu đãi. Khuyến khích các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để tạo ra các tập đoàn lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để động viên tinh thần doanh nhân, theo ông các cơ quan báo chí cần phải làm gì để trở thành nhịp cầu nói lên tiếng nói, chia sẻ cùng doanh nhân?

Thứ nhất, tạo diễn đàn trao đổi thông tin thông qua các chương trình truyền hình, radio hoặc podcast nơi các doanh nhân có thể thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến và kiến thức về kinh doanh. Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang trên báo, tạp chí, và trang web dành riêng cho doanh nhân, cập nhật thông tin, xu hướng và cơ hội kinh doanh.

Thứ hai, tôn vinh và ghi nhận đóng góp của doanh nhân bàng cách tổ chức các giải thưởng, vinh danh những doanh nhân tiêu biểu có đóng góp lớn cho nền kinh tế, văn hóa và xã hội, tạo động lực cho các doanh nhân khác. Tăng cường sản xuất các phóng sự, bài viết giới thiệu về các doanh nhân thành đạt, những câu chuyện khởi nghiệp thành công để tạo cảm hứng và động viên tinh thần.

Thứ ba, cung cấp thông tin hữu ích và kịp thời, nhất là cập nhật kịp thời các chính sách mới, quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh, giúp doanh nhân nắm bắt và tuân thủ, cũng như cung cấp các báo cáo, phân tích về thị trường, xu hướng kinh doanh, giúp doanh nhân có thông tin chính xác để ra quyết định.

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa truyền thông và doanh nhân bằng cách mời doanh nhân tham gia vào quá trình sản xuất nội dung, từ đó phản ánh chính xác những vấn đề, thách thức và cơ hội mà họ đang đối mặt. Tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm để doanh nhân gặp gỡ, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với nhau cũng như với cộng đồng.

Thứ năm, đưa tiếng nói của doanh nhân đến với công chúng và các cơ quan quản lý Nhà nước. Truyền thông cần làm cầu nối đưa tiếng nói, nguyện vọng và kiến nghị của doanh nhân đến với công chúng và các cơ quan quản lý Nhà nước. Cần tổ chức các buổi đối thoại giữa doanh nhân và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo cơ hội để doanh nhân trình bày ý kiến và đề xuất giải pháp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo diendandoanhnghiep.vn