image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chuyển đổi số góp phần tăng thu ngân sách cho ngành Thuế

Nhờ việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành Thuế đã đạt được những bước tiến dài trong quản lý thuế cũng như góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Cải cách hiện đại hóa ngành thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế đang triển khai chiến lược cải cách hiện đại hoá ngành Thuế đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có những cải cách mạnh mẽ, công cuộc chuyển đổi số đang có những bước tiến lớn để ngành Thuế giữ vững vị trí hàng đầu trong cuộc cuộc cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung.

Theo Tổng cục trưởng, chuyển đổi số vốn nằm trong nội hàm của công tác Cải cách hiện đại hoá. Vấn đề chuyển đổi số được tách ra bàn luận cho thấy vai trò vị trí rất quan trọng và đang chuyển động rất mạnh mẽ trong ngành Thuế với mục tiêu bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, giúp ngành Thuế đi nhanh hơn và phù hợp với mục tiêu chung của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính.

Anh-tin-bai

(Ảnh minh họa)

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hoá đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng...

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số; tiếp tục duy trì Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN); đẩy mạnh triển khai xây dựng bản đồ số về hộ kinh doanh, bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, mỏ tài nguyên khoáng sản; tiếp tục rà soát chuẩn hoá dữ liệu mã số thuế cá nhân tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia... khai thác tăng thu qua quản lý.

Chia sẻ cụ thể về nội dung này tại Hội nghị sơ kết ngành Tài chính mới đây, ông Đặng Ngọc Minh cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và triển khai hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, qua đó đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, chuẩn hoá thông tin đăng ký thuế của gần 90 triệu mã số thuế. Tính đến ngày 30/6/2024, Tổng cục Thuế đã truy vấn hơn 250 triệu giao dịch kết nối tới cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm tra thông tin cá nhân và hoàn thành rà soát với tỷ lệ khớp đúng đạt 93,9% trên tổng số mã số thuế (trên 75 triệu mã số thuế).

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai tích hợp sử dụng tài khoản Bộ Công an định danh điện tử (VNeID) với các dịch vụ thuế điện tử. Đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile. Nhờ đó, trong kỳ quyết toán thuế TNCN 2024, hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận 536.590 tờ khai quyết toán của cá nhân, đạt 150% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Ngọc Minh, Tổng cục Thuế sửa đổi, bổ sung Thông tư số 105/2020/TT-BTC và Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế đối với cá nhân khi triển khai sử dung số định danh cá nhân thay cho mã số thuế Tổng cục Thuế đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế và Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Đây là các văn bản quan trọng quy định và hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Đến ngày 30/6/2024, 100% doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã tham mưu cho UBND trong việc hỗ trợ các cơ sở kinh doanh chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; rà soát danh sách và xác định các đối tượng triển khai. Tính đến ngày 30/6/2024, hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 577,6 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Về việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo Chỉ thị số 18/CT-TTg, theo ông Đặng Ngọc Minh, ngành Thuế đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn.

Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Ngân hàng thương mại thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình, làm giàu cơ sở dữ liệu về thuế.

Nhờ các biện pháp đồng bộ của ngành Thuế, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây. Số thuế đã nộp tăng từ 83 nghìn tỷ đồng năm 2022, 97 nghìn tỷ đồng năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 là trên 50 nghìn tỷ đồng.

Anh-tin-bai

(Ảnh minh họa)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế

Chuyển đổi số tiếp tục được coi là nhiệm vụ quan trọng của ngành Thuế. Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; mở rộng, tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá trong các lĩnh vực quản lý hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quyết liệt triển khai hoá đơn điện tử từ máy tính tiền đối với các hoạt động: dịch vụ ăn uống, bán vé sân golf...

Đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn. Triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc... Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, ngành Thuế sẽ đặc biệt tập trung vào triển khai quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ và Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện rà soát, chuẩn hoá thông tin đăng ký thuế của cá nhân khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thiện và trình Bộ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế làm cơ sở triển khai chuyển đổi sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ làm cơ sở triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và tăng cường công tác quản lý đối với hộ kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo Chỉ thị số 18/CT-TTg như rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các giải pháp về hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử.

Tiếp tục triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ, liên thông dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử với các bộ, ngành làm giàu cơ sở dữ liệu về thuế phục vụ hiệu quả công tác quản lý thường xuyên, toàn diện người nộp thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Cùng với đó, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, bổ sung các tiện ích nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Trong đó, tập trung xây dựng và khai trương Cổng thương mại điện tử cho cá nhân kinh doanh thương mại điện tử ngay trong quý 3 năm 2024.

Huyền Châu

Nguồn: taichinhdoanhnghiep.net