Tạo môi trường pháp lý thống nhất về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng theo hướng hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích.
Không áp dụng ưu đãi đối với ngành, nghề có tính trùng lắp
Sáng 22/11, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và cơ
quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Trình bày Tờ
trình về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), Phó Thủ tướng
Chính phủ Lê Thành Long cho hay, dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính
sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội đồng ý. Trong
đó, dự thảo đã quy định chi tiết về đối tượng ưu đãi thuế TNDN (ngành, nghề, địa
bàn và các hoạt động được ưu đãi) trên cơ sở cơ bản kế thừa quy định pháp luật
hiện hành nhưng có rà soát nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước liên
quan đến chính sách ưu đãi thuế.
Cụ thể, không áp dụng ưu đãi đối với các ngành, nghề ưu đãi
có tính trùng lắp, dàn trải như: tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản,
phát triển ngành nghề truyền thống, phát triển công nghệ sinh học, dự án sản xuất
có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, dự án đầu tư tại khu công nghiệp,
dự án đầu tư tại khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu
công nghệ thông tin tập trung nhưng không phải là dự án trong lĩnh vực công nghệ
cao, lĩnh vực công nghệ thông tin; giảm mức ưu đãi của dự án đầu tư tại khu
kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội (KTXH) khó
khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Quy định mức thuế riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dự thảo bổ sung mức thuế suất (15% và 17%) áp dụng
riêng cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng, doanh nghiệp có doanh thu
từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung các quy định về khung thuế suất
đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, về mức thuế suất đối
với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên quý hiếm.
|
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định chính sách ưu đãi
thuế TNDN đối với: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt
đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ sở ươm tạo DNNVV; đầu tư kinh doanh khu
làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ
DNNVV; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy
phát triển lĩnh vực này; hoạt động báo chí khác (ngoài báo in).
Về các trường hợp miễn, giảm thuế khác, dự thảo sửa đổi, bổ
sung quy định về điều kiện để được giảm thuế, mức giảm thuế đối với doanh nghiệp
sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số; bổ sung quy định
giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ hoạt
động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn; bổ sung quy định miễn thuế 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ
kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định thu nhập được miễn
thuế. Một số khoản thu nhập được miễn thuế được quy định bổ sung gồm: Thu nhập
từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành; thu nhập từ tiền
lãi trái phiếu xanh; từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát
hành; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư do
Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật....
Ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong văn bản pháp luật
về thuế
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) nhất
trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế TNDN để khắc phục các vướng mắc, bất cập
của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước
và thế giới.
Trong đó, dự thảo tập trung một số mục tiêu lớn là: tháo gỡ
bất cập, vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho người
nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà
nước về khuyến khích, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các hạn chế, bất
cập về ưu đãi thuế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chuyển dịch cơ cấu nền
kinh tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế phù hợp xu hướng mới; tạo môi trường
pháp lý thống nhất và ổn định về ưu đãi thuế TNDN tại Luật này để bảo đảm tính
nhất quán, rõ ràng và thuận lợi trong thực hiện.
Về các nội dung cụ thể như nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế
TNDN và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTCNS cho rằng dự thảo Luật hiện
còn chưa thống nhất về phạm vi các ngành, lĩnh vực được hưởng ưu đãi so với quy
định của Luật Đầu tư, một số luật chuyên ngành hiện hành và một số luật đang được
Quốc hội thảo luận sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với nguyên tắc
ưu tiên áp dụng Luật Thuế TNDN trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật
Thuế TNDN với các Luật khác như được thể hiện trong dự thảo Luật để đảm bảo
tính thống nhất trong thực thi pháp luật, tránh việc quy định ưu đãi dàn trải tại
nhiều văn bản Luật chuyên ngành khác nhau.
“Các ưu đãi thuế cần được và chỉ nên được quy định trong các
văn bản pháp luật về thuế để bảo đảm tính tổng thể, nhất quán của hệ thống ưu
đãi thuế TNDN theo Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt” - Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Điều
chỉnh thuế để điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Cũng
trong sáng 22/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc
biệt (TTĐB) (sửa đổi).
Theo tờ
trình của Chính phủ, mục đích ban hành Luật là để hoàn thiện quy định về
chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ
thực hiện luật. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động
quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu
đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Dự thảo
cũng sửa đổi, bổ sung những quy định để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng,
môi trường và điều tiết tiêu dùng của xã hội phù hợp xu hướng cải cách thuế của
các nước cũng như thực hiện cam kết quốc tế.
Cụ thể,
dự thảo đưa nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu
thuế TTĐB với thuế suất là 10% để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng
và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới
(WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Đối với
mặt hàng thuốc lá, dự thảo giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế
tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm
2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ
15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030 và hướng tới đạt tỷ
trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%) với 2
phương án.
Phương
án 1 là từ năm 2026 đến năm 2030, thuế với thuốc lá điếu tăng dần từ 2.000 đồng/bao
đến 10.000 đồng/bao; với xì gà tăng từ 20.000 đồng/điếu đến 100.000 đồng/điếu;
thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá
tăng từ 20.000 đồng/100g hoặc 100ml lên 100.000 đồng.
Ở
phương án 2, từ năm 2026 đến năm 2030, thuế với thuốc lá điếu tăng dần từ
5.000 đồng/bao đến 10.000 đồng/bao; với xì gà tăng từ 50.000 đồng/điếu đến
100.000 đồng/điếu; thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác tăng từ 50.000
đồng/100g hoặc 100ml lên 100.000 đồng.
Chính
phủ nghiêng về phương án 2 bởi lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại dự thảo
Luật đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt
Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng; gánh nặng
chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra...
Đối với
mặt hàng rượu, bia, dự thảo quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo
lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030 để đạt mục tiêu tăng giá
bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO.
|
|
Hoàng Yến
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn