image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Vượt chỉ tiêu đề ra, GDP năm 2024 cán mốc 7,09%

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã thông tin tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý IV và năm 2024. Tốc độ tăng trưởng trên chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

Anh-tin-bai

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại họp báo

Những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam đã có nhiều bứt phá. Xu hướng quý sau cao hơn quý trước tiếp tục được duy trì. Từ con số tăng trưởng quý I đạt 5,98% đến quý IV, GDP ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Đặc biệt, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Về hoạt động của doanh nghiệp, năm 2024, cả nước có hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 0,4% so với năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2024 là gần 2.025,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 76,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 30,4% so với năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024 lên hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,1% so với năm 2023. Bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 100,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,4% so với năm trước; gần 76,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3%; hơn 21,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20,0%. Bình quân một tháng có gần 16,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Anh-tin-bai

Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực theo quý năm 2024 (nguồn: TCTK)

Năm 2024, tình hình hoạt động doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường đã cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 - thời điểm nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục biến động khó lường, kinh tế trong nước bước vào năm 2025 đối mặt với một số thách thức lớn, Tổng cục Thống kê đề xuất 6 giải pháp cần tập trung thực hiện.

Một là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Hai là, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nướcthúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Bốn là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới.

Sáu là, chủ động phương án phòng chống ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Hạnh Lê 

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn