Đề xuất sửa đổi quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Bộ Tài chính cho hay, Dự thảo Nghị
định gồm 2 Điều: Điều 1 Sửa đổi điểm a, điểm b, điểm d và bổ sung điểm m khoản
2 Điều 5 Nghị định 132 quy định về các bên liên kết.
Điều 2 Sửa đổi, bổ sung khoản 2
Điều 21 Nghị định 132 quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một
trong các trường hợp: Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều
hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia. Các bên trực tiếp hay gián tiếp
cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Các bên liên kết nêu trên được
quy định cụ thể như sau: Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít
nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, doanh nghiệp nắm giữ trực
tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
(Ảnh minh họa)
Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất
25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đều có ít nhất 20% vốn điều lệ do một bên thứ
ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc
cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản
vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao
dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng
25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá
trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Quy định trên không áp dụng với
trường hợp bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy
định của Luật các tổ chức tín dụng không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều
hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được
bảo lãnh theo quy định. Các bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt
động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được
bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn,
đầu tư của một bên khác theo quy định.
Tổ chức tín dụng với Công ty liên
kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn
bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi
theo hướng Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm: Phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước
ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách
do Cơ quan thuế yêu cầu, bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ
trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan
khác (nếu có).
Đồng thời phối hợp cung cấp thông
tin về người liên quan của tổ chức tín dụng và Công ty liên kết của tổ chức tín
dụng khi Cơ quan thuế yêu cầu.
Lý giải về đề xuất sửa đổi trên,
Bộ Tài chính cho hay, sau 3 năm thực hiện Nghị định 32, một số doanh nghiệp, Hiệp
hội và Cục Thuế phản ánh, việc xác định quanh hệ liên kết theo vốn vay tại điểm
d khoản 2 Điều 5 (bao gồm trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn
góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của
doanh nghiệp đi vay), khi đó doanh nghiệp được xác định là có quan hệ liên kết
với ngân hàng và khi doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết thì thuộc trường
hợp khống chế chi phí lãi vay.
Các doanh nghiệp có kiến nghị cho
rằng hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt
động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh
doanh thông thường của ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với
nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi
phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, việc khống chế và loại
chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp.
Cùng với đó, theo quy định của Luật
Các tổ chức tín dụng đã quy định về 3 loại hình (Công ty con, Công ty kiểm soát
và Công ty liên kết của tổ chức tín dụng) về bản chất được xác định là các bên
có quan hệ liên kết với tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định nêu
trên tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định về các bên có quan hệ liên kết tại
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có
giao dịch liên kết thì còn một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất.
Bộ Tài chính cho hay, năm 2023, tổng
số doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết là 22.542
đơn vị với tổng số chi phí lãi vay phát sinh của các doanh nghiệp này là
258.140 tỷ đồng.
Trong đó, có 18.272 doanh nghiệp
có chi phí lãi vay không vượt mức khống chế (chiếm tỷ lệ 81,06% số doanh nghiệp
có phát sinh giao dịch liên kết) với tổng chi phí lãi vay phát sinh là 180.095
tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 69,8% so với tổng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có
quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết). Có 4.270 doanh nghiệp phát
sinh chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau (chiếm tỷ lệ 18,9%) với tổng
số chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ là 78.045 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi
vay được trừ là 29.271 tỷ đồng và chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau
tương ứng là 48.773 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp phát
sinh chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau, có 1.684 doanh nghiệp
chỉ phát sinh quan hệ liên kết với ngân hàng theo điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định
số 132/2020/NĐ-CP (chiếm tỷ trọng 7,47% trong tổng số các doanh nghiệp có giao
dịch liên kết) và chi phí lãi vay không được trừ tương ứng là 4.931 tỷ đồng
(chiếm tỷ trọng 1,91% trên tổng số chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao
dịch liên kết).
An Nhiên
Nguồn:
taichinhdoanhnghiep.net