image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tối ưu hóa cơ hội và nguồn lực từ thực hiện Nghị quyết đặc thù của Quốc hội

Hiện nay, Nghệ An là địa phương duy nhất trong cả nước được Quốc hội ban hành 2 nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc.

Cần thiết để Nghệ An bứt tốc

Đầu nhiệm kỳ khóa XV, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bao gồm có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022 và kéo dài trong 5 năm, quy định 6 chính sách cụ thể thuộc 3 lĩnh vực gồm: Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (3 chính sách); Quản lý rừng, đất đai (2 chính sách) và quản lý quy hoạch (1 chính sách).

Anh-tin-bai

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Các chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 đã và đang tiếp tục tạo điều kiện cho Nghệ An có các động lực trong phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy: Những cơ chế, chính sách trên chưa bảo đảm tính toàn diện, đủ mạnh để giúp tỉnh Nghệ An giải quyết được các khó khăn, thách thức, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế để thực hiện các mục tiêu phát triển tỉnh trong giai đoạn mới. Mặt khác, do thời gian thực hiện còn ít nên một số chính sách chưa được phát huy hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW phải sau 10 năm kể từ khi ban hành nghị quyết, mới thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội dẫn đến trong thời gian đó Nghệ An thiếu nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nên những mục tiêu lớn đặt ra cho tỉnh chưa thực hiện được.

Anh-tin-bai

Quang cảnh cầu Cấm ( huyện Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Từ thực tế đó, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đã nêu quan điểm: Việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Anh-tin-bai

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Nam An

“Mặc dù tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, đến nay, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. Theo quy hoạch vùng miền Trung, Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu cơ sở thực tiễn để bổ sung thêm sự cần thiết ban hành Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Nghị quyết số 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An của Quốc hội, gồm 8 điều, quy định bổ sung thí điểm 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách) đã được thông qua với đa số tán thành. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thời gian thực hiện trong 5 năm.

Anh-tin-bai

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH tại phiên bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nam An

Quyết liệt cụ thể hóa

Trong 14 cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 137/2024/QH15 có 2 chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác; 8 chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An hoặc tương tự Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi và 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh.

Các cơ chế, chính sách này được nhìn nhận có bước đột phá hơn so với nội dung Nghị quyết số 36/2021/QH15, tạo điều kiện hơn nữa cho Nghệ An khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An.

Anh-tin-bai

Về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để đầu tư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, để cụ thể hóa Nghị quyết số 137/2024/QH15 còn nhiều việc phải làm với yêu cầu tiến độ phải hết sức khẩn trương, rốt ráo. Bởi như trong Công văn số 4060/TTKQH-TT việc công bố Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, trong đó có Nghị quyết số 137/2024/QH15, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã nhấn mạnh, Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành kịp thời văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết này; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với tỉnh Nghệ An cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho tỉnh; ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền, nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển tỉnh Nghệ An.

Như vậy, dưới Nghị quyết của Quốc hội là các văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương mới có thể cụ thể hóa được. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trên nhiều diễn đàn như Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh và HĐND tỉnh đã yêu cầu: Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành cần tiếp tục “đeo bám” các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương liên quan để các cơ quan này sớm ban hành các nghị định, thông tư, hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chúc mừng tỉnh Nghệ An vừa được Quốc hội ban hành Nghị quyết. Ảnh: Phạm Thắng

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đồng thời yêu cầu phải “đeo bám” để tham mưu, đề xuất với các bộ, ngành đề nghị với Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ để tỉnh có thêm điều kiện phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh khi triển khai Nghị quyết.

Hiện nay, Nghệ An cùng một lúc thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết số 36/2021/QH15 và Nghị quyết số 137/2024/QH15. Đây là cơ hội rất lớn cần tranh thủ tối đa để tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để sớm đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả cao nhất đòi hỏi hệ thống chính trị tỉnh nhà phải có cách tiếp cận rất chủ động, năng động, nếu không sẽ làm chậm cơ hội phát triển mà phải rất kỳ công mới tạo dựng được.

Anh-tin-bai

Thành phố Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Thành Duy

Nguồn: baonghean.vn