70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: Nhật ký Chiến dịch từ ngày 01/4 đến ngày 07/4
Đêm 1/4/1954, Trung đoàn 102 tổ chức đợt tiến công thứ 3 về phía hầm ngầm
trên đồi A1. Địch chống cự quyết liệt. Ta đột kích mạnh vào khu hầm ngầm địch
cố thủ nhưng không tìm được cửa hầm. Do hỏa lực địch chế áp mạnh, ta buộc phải
rút về tuyến phòng ngự. Những ngày tiếp theo, mỗi bên chiếm giữ một nửa cứ
điểm, ta ở nửa phía đông, địch chiếm phần phía tây cứ điểm.
Trong lúc Trung đoàn 102 đang chiến đấu trên đồi A1, Trung đoàn 36 nhận
được lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm 106 của địch. 18 giờ 30 phút ngày
1/4/1954, cuộc tiến công cứ điểm l06 bắt đầu; hỏa lực của ta đồng loạt bắn phá
mãnh liệt vào cứ điểm.
Sau một loạt pháo 105mm bắn dồn dập, Tiểu đoàn 80 của Trung đoàn 36 đã vận
động tới sát nút hào cuối cùng. Đại đội đi đầu lập tức lao bộc phá mở cửa.
Do hệ thống phòng ngự của địch trong cứ điểm suy yếu, đại đội chủ công của
Tiểu đoàn 88 xông thẳng vào sở chỉ huy, bắt sống tên Trung úy đồn trưởng. Tiểu
đoàn 80 đã nhanh chóng đánh chiếm khu A và tiến thẳng sang khu B theo đường hào
trong cứ điểm diệt địch, bắt sống được 33 tên. Tại khu C, địch dựa vào lô cốt,
hầm hào chống cự quyết liệt, nhưng đều bị ta vô hiệu hóa. Chỉ trong vòng 30
phút Trung đoàn 36 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 106, tiêu diệt và bắt sống 160
tên lính lê dương.
Về phía địch: Nava
quyết định đưa thêm 3 tiểu đoàn dù tăng viện cho Điện Biên Phủ với hy vọng:
“Nếu Điện Biên Phủ giữ được 3 ngày nữa, Việt Minh sẽ phải bỏ cuộc”. Máy bay
Pháp bắt đầu thả dù ban đêm tăng viện cho Điện Biên Phủ, nhưng mới thả được 1
trung đội thì phải ngừng, vì pháo sáng soi rõ bãi thả, trở thành mục tiêu cho
bộ đội ta tiêu diệt.
XEM CHI
TIẾT>>>
---------------
Ngày 2/4/1954, Trung đoàn 88 nhận
nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm 311 của địch. Nhận thấy 2 đại đội ngụy
Thái bảo vệ cứ điểm đang mất tinh thần do cứ điểm 106 bị tiêu diệt, bộ đội ta
chuyển sang kêu gọi làm công tác địch vận.
Ta dùng loa và bắn đạn truyền đơn vào kêu gọi địch đầu hàng:“Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch,
quay về với kháng chiến, quay về với gia đình!...”.
Ngay buổi chiều cùng ngày, phần lớn 2 đại đội ngụy Thái kéo cờ trắng ra
hàng, một số bỏ cứ điểm chạy về Mường Thanh. Hai đội dũng sĩ của ta thâm nhập
vào sân bay Mường Thanh, bắt 10 tù binh.
Về phía địch, lúc 11 giờ ngày 2/4/1954, quân địch tăng viện từ Mường Thanh
ra phối hợp với lực lượng cố thủ ra sức mở nhiều đợt phản kích định chiếm lại
cứ điểm đồi A1.
Trên trận địa ta chỉ còn lại hơn 50 người. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của
Trung đoàn trưởng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chia thành nhiều tổ phụ trách từng
đường hào. Các cán bộ tiểu đoàn, kể cả Trung đoàn trưởng cũng nhiều lần dùng
tiểu liên, thủ pháo, bộc phá ống cùng bộ đội đánh địch phản kích, đẩy lui nhiều
đợt tiến công của chúng. Nửa đêm quân địch lại tổ chức một đợt tiến công mới
nhằm chiếm lại cứ điểm đồi A1 nhưng không đạt kết quả.
Cùng ngày, địch cho tiểu đoàn số 2 thuộc trung đoàn dù thuộc địa số 1 bắt
đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, do Bréchignac chỉ huy. Ban chỉ huy tiểu đoàn
đóng tại Eliane 4 (C2). Lực lượng lính dù ngụy người Việt trong cứ điểm cũng
đặt dưới sự chỉ huy của Bréchignac. Do địch mất cứ điểm Huguette 7 (106), cứ
điểm Huguette 6 (105) trở thành mục tiêu tiếp theo quân ta tiến công.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
4 giờ 30 phút ngày 3/4/1954, Trung
đoàn 102 (Đại đoàn 308) được lệnh bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1
cho Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), về tập kết tại rừng Mường Phăng để củng cố
lực lượng.
Chiều cùng ngày, Đại đoàn 312 sử dụng Trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 105
(Huguette 6) nằm không xa cứ điểm 106 vừa bị tiêu diệt. Cuộc chiến đấu kéo dài
tới sáng hôm sau, ta chiếm được hai phần ba cứ điểm và chỉ tiêu diệt được một
bộ phận địch.
Sau 5 ngày chiến đấu của đợt 2, ta đã thu được thắng lợi quan trọng. Ở
phía đông, ta đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu. Ở phía tây, ta chiếm thêm được
các điểm cao 106, 311. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp lại và lực lượng
bị tổn thất lớn, trong đó có thêm 3 tiểu đoàn thiện chiến của chúng bị tiêu
diệt. Nhưng ta chưa hoàn thành được tất cả các mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa
chiếm được đồi A1 - một mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này.
Chiều 3/4/1954, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Mặt trận tổng hợp
tình hình bốn ngày đêm chiến đấu liên tục trên đồi A1, báo cáo lại với Đảng ủy
và Bộ Chỉ huy Mặt trận. Sau khi trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận hạ lệnh cho các đơn
vị “Tạm ngừng chiến đấu từ ngày 4/4. Giữ vững vị trí đã chiếm được ở đồi A1 để
sau này tiếp tục tiến công khi có lệnh”.
Ta đề nghị với Pháp ngừng bắn một thời gian để hai bên cùng thu dung
thương binh, vì đã qua 24 giờ nhưng chưa có ai được đưa ra khỏi cứ điểm 106
(Huguette 7).
Về phía địch, trong ngày, đơn vị cuối cùng của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn dù
thuộc địa số 1 nhảy dù xuống phân khu Trung tâm.
Chiến trường phối hợp, đêm 3/4/1954, Bộ đội đặc công tỉnh Bình Định hoạt
động ở thị xã Quy Nhơn tập kích vào "Trung Hoa hý viện", kết quả loại
khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Sau các trận đánh ở các cứ điểm đồi A1
và 105 không thành công, nhận thấy nếu tiếp tục tiến công, bộ đội ta sẽ bị
thương vong nhiều mà vẫn không thu được kết quả; Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh
tạm dừng tiến công. Các đơn vị tiếp tục giữ vững phần đồi đã giữ được, tạo đà
cho trận đánh sau.
Từ sau ngày 4/4/1954, sau khi Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm ngừng
chiến đấu, trên chiến trường mặt phía đông đã ngớt tiếng súng, nhưng ở phía tây
các đơn vị vẫn tiếp tục đào hào, đánh lấn, tiến vào sân bay Mường Thanh “cắt
đứt cái dạ dày tiếp tế” của địch.
Về phía địch, Pháp tổ chức cuộc chiến đấu giành giật các cứ điểm Huguette
(phía tây) bảo vệ đường băng sân bay Mường Thanh:
Đại đội Bailly, thuộc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 xuất phát từ Opéra đến
ứng cứu bằng cách tiến quân theo mương thoát nước, nhưng được nửa đường thì bị
chặn lại.
Đại đội Clédic, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn dù thuộc địa số 1 vừa nhảy
xuống trong đêm trước, đánh thẳng vào đường băng, buộc một tiểu đoàn của ta bố
trí ở điểm nút phải rút lui.
Tại Paris, Đại tá Brohon từ Việt Nam đã về tới sân bay Orly và đi thẳng
tới nhà tướng Ely. Đại tá Brohon báo cáo đã gặp tướng Navarre để phổ biến
về kế hoạch ném bom Vautour (Chiến dịch Chim kền kền).
Trong khi đó, tướng Ely đã có trong tay bức điện của Navarre cho
rằng, kế hoạch ném bom này có thể có hiệu quả quyết định. Tướng Ely quyết định
soạn thành văn bản để trình bày trong cuộc họp hạn chế của Hội đồng Quốc phòng.
Sau đó gửi Navarre một bức điện với nội dung: “Chính phủ đã gửi Washington bản
đề nghị can thiệp đã được ông hưởng ứng. Tôi đảm bảo ông được hoàn toàn ủng
hộ”.
XEM CHI TIẾT>>>
---------------
Sáng ngày 5/4/1954, đơn vị Clédic có
thêm một đại đội thuộc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 được tăng cường xuống Điện
Biên Phủ, hòng chiếm lại hoàn toàn cứ điểm 105 (Huguette 6). Sau đó, Tiểu đoàn
2 thuộc Trung đoàn dù thuộc địa số 1 do Minaud chỉ huy tới thay cho đơn vị
Clédic rút về phía sau làm lực lượng dự bị.
De Castries gửi điện yêu cầu Cogny tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ cả
lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, thậm chí cả binh lính.
Trước tình cảnh ở Điện Biên Phủ, Navarre trông đợi vào kế hoạch ném bom
Vautour (Chiến dịch Chim kền kền), động viên binh lính cố cầm cự cho tới mùa
mưa Việt Minh sẽ phải rút.
XEM CHI
TIẾT>>>
---------------
Ngày 6/4/1954, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy
Chiến dịch triệu tập cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên dự hội nghị sơ kết đợt 2
Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại hội nghị, đại diện các đại đoàn báo cáo thành tích, ưu khuyết điểm của
mình. Kết luận hội nghị, đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch chỉ rõ: ta đã tiêu
diệt 4 cứ điểm phía đông, tiêu diệt và bức hàng 2 cứ điểm phía tây, thu hẹp
phạm vi chiếm đóng của địch. Nguyên nhân thắng lợi của ta là do chủ trương,
phương châm và kế hoạch tác chiến chính xác.
Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị sơ kết đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ
cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm nghiêm trọng về chiến thuật, về chấp
hành mệnh lệnh, cá biệt có đồng chí rời bỏ nhiệm vụ... Một số cán bộ thiếu tinh
thần trách nhiệm, không tuân thủ nguyên tắc về chỉ huy, về chiến thuật, về nắm
địch, về tập trung binh-hỏa lực khi đánh công sự vững chắc; không tiết kiệm đạn
dược... Nguyên nhân chính là do chấp hành mệnh lệnh chưa nghiêm, thiếu tinh
thần trách nhiệm, thiếu quyết tâm, lập trường không vững.
Thực tế ta không tiêu diệt được địch ở cứ điểm đồi A1, một phần do khuyết điểm
về tổ chức trinh sát không tỉ mỉ ở phía sau đồi A1. Tại đây, địch có một giao
thông hào đi từ khu trung tâm lên cứ điểm đồi A1 bảo đảm an toàn cho các đơn vị
địch phản kích mà ta không phát hiện được.
Về phía địch, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kiểm kê dự trữ đạn pháo chỉ
còn 418 quả 155mm, 616 quả 105mm và 1422 quả cối 120mm; đạn pháo sáng cho cối
60mm của các đơn vị bộ binh tiền duyên cũng như cho cối 81mm không còn. Một phi
đội C119 của địch đã thả 18 tấn đạn 105mm, hai khẩu đại bác 75mm và thuốc men
xuống gần bản Cò Mỵ rơi vào trận địa của ta.
XEM CHI
TIẾT>>>
-----------
Ngày 7/4/1954, chiến hào của quân ta
nhích dần chung quanh Phân khu Hồng Cúm. Pierre Langlais lệnh cho binh lính lấp
giao thông hào của ta và lấp được 20m hào.
Pháp điều 11 máy bay C119 thả dù lương
thực và đạn dược tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Cũng trong ngày 7/4/1954, tại cứ điểm
208 (Huguette 2), 70 lính Thái thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn lính Thái số 3 đào
ngũ. Quân Pháp phải đưa lực lượng tới cứ điểm 208 tước vũ khí đại đội lính
Thái, còn các sĩ quan Pháp chỉ huy đại đội này được điều về tăng cường cho Đại
đội 1, Tiểu đoàn ngụy dù số 5.
Tại Paris, tướng Partridge, Tư lệnh
Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đề nghị gặp tướng Navarre để bàn cụ thể
kế hoạch Vautour (Chiến dịch Chim kền kền) ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ.
XEM CHI TIẾT>>>
BBT