Chiến thắng Điện Biên Phủ - bài học về phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng
Ngày
7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, lá cờ “Quyết chiến quyết
thắng” phấp phới bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Thắng lợi vĩ đại đó có giá trị lý luận, thực tiễn rất sâu
sắc, để lại nhiều bài học quý đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đặc biệt, là bài học về
phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc, thể hiện trên một
số vấn đề sau đây:
Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc; giữ vững sự
lãnh đạo của Đảng; tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân: Trên cơ sở
phân tích khoa học, chính xác tình hình, tháng 12/1953, Bộ Chính trị hạ quyết
tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu, Đảng ủy,
Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, tổ
chức chỉ huy trên các mũi, hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến
trường, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; trong đó, tập trung
quán triệt Chỉ thị của Tổng cục Chính trị “Về công tác chính trị trong Chiến
dịch Điện Biên Phủ”; bộ đội được quan tâm động viên kịp thời, tích cực học tập
theo phương pháp: Cán bộ trước, chiến sĩ sau; trong Đảng trước, ngoài Đảng sau.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch
Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học có tính
nguyên tắc, quyết định là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội, “giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của
Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân
dân” (1).
Để thực hiện tốt mục tiêu đó, cùng với việc nâng cao năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, cần quán triệt sâu sắc và
vận dụng linh hoạt sáng tạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị
quyết, chỉ thị, các chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu
các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn
vị, lực lượng vũ trang trong triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng;
đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc
trong tình hình mới”.
Hai là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ
đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), nòng cốt là Quân đội nhân
dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; huấn luyện sát thực tế chiến đấu: Trải qua tám năm vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa tác
chiến vừa huấn luyện, qua các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, các cuộc vận
động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân”, chấn chỉnh tổ chức biên chế…
đã giúp bộ đội ta nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm vững và sử dụng thành thạo
các loại vũ khí, trang bị, nâng cao kỹ thuật, chiến thuật trong các loại hình
tác chiến.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến
dịch, bộ đội ta đã thực hiện triệt để phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, phát
triển trận địa, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích, thắt chặt vòng
vây tập đoàn cứ điểm...
Đây là nhân tố quan trọng xây dựng bản lĩnh chiến đấu, niềm
tin tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và chỉ huy các cấp; xây dựng và
phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng làm nên thắng lợi chiến dịch Điện
Biên Phủ.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần đặc biệt coi
trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân cân đối và đồng bộ; xây
dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện
đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, trước hết phải vững mạnh về
chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; bảo đảm cho quân đội thật sự
là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của
Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị
quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các kế hoạch của Bộ Quốc
phòng về điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị,
nhà trường cần nghiên cứu, vận dụng xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ,
giải pháp huấn luyện, đào tạo phù hợp với vai trò, chức năng của từng lực
lượng, đối tượng, loại hình cơ quan, đơn vị và đặc điểm địa bàn.
Ba là, chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá, dự báo đúng
tình hình, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ: Chấp nhận giao chiến và giành thắng lợi trên địa bàn mà
đối phương có lực lượng mạnh nhất, vũ khí, trang bị hiện đại; đây là một quyết
tâm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và
dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trên khắp các mặt trận, cả ở trong nước và ngoài nước, cả ở
hậu phương và tiền tuyến, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ các cấp luôn chủ động nắm bắt
mọi diễn biến, đặc biệt là tình hình tư tưởng, kịp thời quán triệt, động viên,
truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, đồng thời đấu tranh khắc phục những tư tưởng
hữu khuynh, tiêu cực và những biểu hiện bi quan, vô kỷ luật, thiếu niềm tin vào
thắng lợi.
Vận dụng bài học từ lịch sử để bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ
sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”, cùng với các cấp, các ngành, Quân đội cần
“nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không
để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” (2).
Đây vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ quan
trọng hàng đầu trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định đất nước, các cơ quan, đơn vị trong
toàn quân, nhất là cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch cần chủ động nâng cao
năng lực nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình.
Qua đó, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc
phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước, chủ trương, chính sách, đối sách xử lý thắng
lợi các tình huống, tuyệt đối không để đất nước bị động, bất ngờ.
Bốn là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
tộc gắn với sức mạnh thời đại; khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và
trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ nói riêng, bằng việc phát huy sức
mạnh nội lực là chủ yếu, kết hợp với sức mạnh thời đại, Việt Nam đã giành được
thắng lợi to lớn, có ý nghĩa thời đại.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sức
mạnh dân tộc cần phải gắn kết chặt chẽ với sức mạnh thời đại, công tác hội nhập
quốc tế và đối ngoại quốc phòng được tiến hành tích cực, chủ động, khôn khéo,
linh hoạt, thực chất, hiệu quả; tiếp tục là điểm sáng trong những trụ cột của
đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.
Quán triệt định hướng chiến lược, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ
sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy bằng biện pháp hòa bình, trong quá
trình triển khai cần nhạy bén, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa đẩy lùi các nguy
cơ đối đầu, xung đột, chiến tranh.
Thực hiện nhất quán phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh;
kiên định, kiên trì nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, làm
cho đối ngoại quốc phòng trở thành công cụ hữu hiệu, kênh ngoại giao quan trọng
của đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước.
Phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước,
nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các đối tác chiến
lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ,
giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xảy ra; mở rộng quan hệ hợp
tác quốc phòng với các nước trên cơ sở kiên định chính sách quốc phòng “bốn
không”, tạo thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, đáp ứng mục
tiêu chiến lược và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các
nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Năm là, xây dựng, phát huy nhân tố chính trị tinh thần, là
cội nguồn của tinh thần quyết chiến, quyết thắng: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến
dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp đã có những biện
pháp tiến hành giáo dục, động viên tinh thần, tư tưởng, kết hợp với giải quyết
khó khăn cho bộ đội.
Thông qua quán triệt, học tập, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân
kiên định mục tiêu độc lập dân tộc; nhận thức rõ tính khách quan, tất yếu của
việc thay đổi phương châm tác chiến; những thuận lợi, khó khăn, qua đó xây dựng
ý chí quyết tâm chiến đấu với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần
đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính
trị tư tưởng, bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân,
kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành
với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cùng với đó, phải chủ động đấu tranh, phản bác các quan
điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; phòng chống hiệu quả những biểu hiện suy
thoái về tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh làm
thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa”
quân đội, “dân sự hóa” quân sự, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân
đội.
Tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Chiến
thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đặc biệt là tinh thần quyết chiến, quyết thắng
của quân và dân Việt Nam trong trận quyết chiến chiến lược vẫn còn nguyên giá
trị cả về lý luận và thực tiễn. Tinh thần đó cần tiếp tục được nghiên cứu và
vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc
phòng; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong
thời kỳ mới.
Nguồn: nhandan.vn
-------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.160.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.159.