image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: Nhật ký Chiến dịch từ ngày 23/3 đến ngày 31/3
Ngày 23/3/1954, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa chiến hào. Cùng thời gian, quân địch cũng ráo riết tranh thủ củng cố lại hệ thống trận địa phòng ngự, đặt thêm vật cản, đào thêm nhiều hầm hào và xây dựng thêm một số điểm tựa mới trên hướng đông - bắc của tập đoàn cứ điểm.
Anh-tin-bai

Trong bản Huấn thị số 44/CAB, ngàv 23/3/1954, Cogny chỉ thị cho de Catries phải gấp rút chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến đấu trong những hầm hào và gợi ý nên mở rộng khu vực phòng thủ phía đông, chuyển trọng điểm của trận địa trung tâm sang bên bờ phía đông sông Nậm Rốm trước mùa mưa lũ. Để củng cố lại lực lượng của binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO), trong thời gian này, ngoài hai tiểu dù hoàn chỉnh, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở bắc bộ còn đưa lên Điện Biên Phủ một số sĩ quan và binh lính bổ sung cho các đơn vị bị tổn thất, số pháo địch bị ta bắn hỏng cũng đã được chúng thay thế, đạn dược được bổ sung đầy đủ. Việc bảo đảm cung cấp tiếp tế cho quân đồn trú được tăng cường.

Anh-tin-bai

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đẫm máu kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trên chiến trường phối hợp, sau một loạt các chiến công của quân và dân đồng bằng bắc bộ, đặc biệt là chiến công của quân và dân Đường số 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi “Điện khen các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên Đường số 5”.

Điện khen đã nêu lại thành tích chiến đấu của quân và dân đường 5 từ tháng 1, tháng 2 năm 1954; đặc biệt, một cuộc tấn công mạnh trong tháng 3 vào hệ thống phòng thủ của địch ở Đường số 5, tiêu diệt nhiều vị trí và tháp canh, tiêu diệt nhiều đội quân tiếp viện của địch, đặc biệt đã phá hủy nhiều cầu cống và nhiều đoạn đường sắt, mấy lần cắt đứt con đường chiến lược quan trọng bậc nhất của địch ở chiến trường Bắc Bộ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn, các đơn vị cùng bộ đội chiến đấu ở mặt trận đường 5 tiếp tục ra sức củng cố và khuếch trương thắng lợi, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực giúp nhân dân chống giặc, đề phòng chủ quan khinh địch, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cuộc vây hãm địch của quân ta ở Điện Biên Phủ.

XEM CHI TIẾT>>>

---------------

Anh-tin-bai

Ngày 24/3/1954, theo đúng kế hoạch, bộ đội đào giao thông hào đã tiến vào các trung tâm đề kháng-mục tiêu của ta trong đợt tiến công thứ hai.

Ở phía đông, giao thông hào đã vào gần các cao điểm E, D1, Cl, A1; ở phía tây, một mũi chiến hào chỉ còn cách hàng rào dây thép gai cứ điểm 106, thuộc cụm cứ điểm trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh 50 mét.

Lúc này, vòng vây trận địa chiến hào hình thành đã khiến quân Pháp không còn khả năng rút lui, cũng như khó đưa thêm một số lớn quân tăng viện. Quân địch đứng trước sự thất bại chắc chắn, vì sớm muộn con đường tiếp tế bằng máy bay cũng bị cắt đứt. Trận địa chiến hào của ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm, tách hoàn toàn phân khu Hồng Cúm (Isabelle) khỏi khu trung tâm. Từ lúc này Đờ Cát-xtơ-ri (De Catries) không thể trông chờ sự cứu viện của những tiểu đoàn đóng ở phía nam cánh đồng Mường Thanh.

Phía địch: Máy bay vận tải C-l19 của Mỹ do phi công Pháp lái bắt đầu chuyển sang ném bom napan xuống các vị trí quân ta ở chung quanh Điện Biên Phủ.

Anh-tin-bai

Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 đụng độ với lực lượng ta ở khu vực giữa cụm cứ điểm nam sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm (Claudine) trên dãy đồi phía đông với Hồng Cúm thuộc phân khu Nam.

7 giờ 30 phút, Trung tá Kele, thuộc Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải lên máy bay về Hà Nội để điều trị vấn đề về thần kinh.

Những sĩ quan chỉ huy không quân Pháp trong tình trạng hoang mang tột độ. Đại tá Nico, chỉ huy không quân vận tải ở Hà Nội điện than phiền với tướng Logrin, Tư lệnh không lực Viễn Đông rằng, tuy các máy bay của Pháp ở Điện Biên Phủ đã bay cao, nhưng vẫn bị cao xạ Việt Minh bắn rơi.

Trên các chiến trường phối hợp:

Cùng với tin vui thắng trận từng ngày ở chiến trường Điện Biên Phủ, ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi trên các mặt trận.

Tại Bình Định, bộ đội địa phương và du kích đào hầm “độn thổ” ngay bên lề đường chờ địch đến mới nổ mìn, xông ra diệt địch. Một bộ phận đặc công đào hầm bí mật, nằm lại trong vùng địch khi chúng tràn qua quân địch đánh chiếm Bình Định ta diệt và bắt 800 tên.

XEM CHI TIẾT>>>

 ---------------
Anh-tin-bai

Ngày 25/3/1954, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập hội nghị cán bộ để thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt 2.

Theo đó, hội nghị nhận định: Sau những chiến thắng đầu tiên, các đơn vị tham chiến đã chấn chỉnh xong lực lượng; gần 100km giao thông hào đã được đào và xây đắp đúng tiêu chuẩn. Nhờ công trình nêu trên mà đã hạn chế được viện binh của địch, làm khó khăn sự tiếp tế của chúng, nhất là bộ đội ta đã phát huy được tất cả các cỡ hỏa lực từ súng cối trở lên để uy hiếp tung thâm của địch. Một thành công của việc xây dựng trận địa là đã làm cho các cuộc oanh tạc dữ dội của địch gần như bị vô hiệu, đồng thời thắt chặt vòng vây, tạo điều kiện để bộ đội ta tiếp cận và tiến công quân địch.

Về phía địch, qua đợt đầu bị ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, nhưng do được nhanh chóng bổ sung cho nên quân số còn đông, hỏa lực phi pháo còn mạnh. Trong hệ thống phòng ngự của tập đoàn cứ điểm hiện nay, phân khu trung tâm là nơi phòng ngự chủ yếu. Điểm mạnh của phân khu này là những điểm cao phía đông. Nếu ta tiêu diệt được những điểm cao lợi hại này thì phân khu trung tâm sẽ không đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.

Căn cứ vào nhiệm vụ nêu trên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai: đánh chiếm các điểm cao phòng ngự phía đông của phân khu trung tâm, biến những điểm cao đó thành trận địa của ta, uy hiếp quân địch tại Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động, tạo đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn 351..., đồng loạt tiến công tiêu diệt quân địch.

Cùng ngày 25/3/1954, Tổng Quân ủy phổ biến kế hoạch về quân sự, chính trị, cung cấp cho chiến dịch giành toàn thắng.

XEM CHI TIẾT>>>

---------------
Anh-tin-bai

Ngày 26/3/1954, Hội nghị của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục họp sang ngày thứ 2.

Sau khi quân ta hoàn thành gần 100km đường giao thông hào, để bảo vệ trận địa, các đơn vị bộ đội ta đã lần lượt chuyển từ trên các núi cao xuống ở ngay trong các đường hào vừa được đào đắp.

Lo ngại trước các tuyến hào đang ngày càng siết chặt chung quanh tập đoàn cứ điểm, quân Pháp đã sử dụng một khối lượng lớn hỏa lực phi pháo đánh phá dữ dội và cho bộ binh xe tăng liên tục tiến ra phản kích.

Anh-tin-bai

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. Ảnh: TTXVN

Song đêm đêm, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ta vẫn tỏa ra trên khắp cánh đồng kiên nhẫn đào hào bất chấp bom đạn, không quản mưa rét. Địch tìm mọi cách ngăn chặn.

Ngày 26/3/1954, địch cho 1 đại đội lê dương có xe tăng yểm hộ tiến ra bên ngoài trung tâm đề kháng Huguette (cụm cứ điểm tây sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm) lấp hào của bộ đội ta. Sau đó chúng cho 2 tiểu đoàn có 6 xe tăng yểm hộ đánh ra Pe Luông, Hồng Lếch, Noong Pét, Cò Mỵ. Do phần lớn lực lượng của ta sau một đêm lao động mệt nhọc đã rút trở về rừng nghỉ ngơi, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo vệ trận địa nên bộ binh và xe tăng địch đã phá được một số đoạn hào trục.

Anh-tin-bai

Ở Hồng Lếch, Noong Pét, bộ đội phòng không của ta hạ nòng súng bắn vào đội hình xung phong của bộ binh và xe tăng địch. Khi đạn hết, các chiến sĩ ta đã dùng tới cả cuốc, xẻng chia nhau trấn giữ từng ngách hào, đánh giáp lá cà diệt địch. Vì thiếu lực lượng bộ binh bảo vệ, bộ đội cao xạ của ta bị một số tổn thất, nhưng cuối cùng ta đã đẩy lùi được tất cả các cuộc tiến công bịt hào của địch.

Phía địch: Pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Becna Paul gọi đó là “cuộc tàn sát máy bay Pháp” khi 4 chiếc máy bay bị bắn hạ...

XEM CHI TIẾT>>>

---------------

Anh-tin-bai

Ngày 27/3/1954, kết thúc hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cơ sở nhận định tình hình địch-ta tại mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy đã xác định chủ trương tác chiến của đợt tiến công thứ 2, đó là: “Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực miền đông Điện Biên Phủ”, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, trong đó có một số đơn vị cơ động; chiếm lĩnh một bộ phận trận địa pháo binh của địch và toàn bộ các cao điểm phía đông, biến những cao điểm đó thành trận địa của ta để uy hiếp khu vực Mường Thanh; đồng thời xác định đây là cuộc chiến đấu có tính chất quyết định tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Anh-tin-bai

Căn cứ vào chủ trương tác chiến, Tổng Quân ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham gia đợt tiến công thứ 2 gồm: Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, Đại đoàn công pháo 351, Trung đoàn pháo binh 367 trên các hướng tiến công theo mục tiêu được đảm nhiệm.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, trong thời gian chuẩn bị đợt 2 chiến dịch, quân ta đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, đẩy lùi tất cả các đợt phản công của địch từ Mường Thanh ra, ta phá hủy 6 xe quân sự, 3 máy bay khu trục, hạ hai máy bay vận tải, bắn cháy hai chiếc trên đường băng; 450 tên địch bị chết và bị thương.

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tại Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, quân ta diệt thổ phỉ, bắt 307 tên, thu 531 súng các loại.

Trong ngày 27/3/1954, địch liên tục cho quân ra lấp các chiến hào do bộ đội ta đào lấn bao vây cứ điểm; đồng thời thành lập thêm cứ điểm Opéra ở phía đông sân bay do một đại đội thuộc tiểu đoàn dù xung kích số 8 đóng giữ. Từ ngày 27/3/1954 trở đi, sân bay Mường Thanh của địch hoàn toàn bị tê liệt do bị hỏa lực pháo binh, cao xạ của ta khống chế, không một máy bay nào của địch dám hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh. Để bảo đảm tiếp tế, địch phải dựa vào biện pháp duy nhất là thả dù. Tuy nhiên, biện pháp này khá tốn kém và bấp bênh do vấp phải hỏa lực ta đánh chặn quyết liệt.

XEM CHI TIẾT>>> 

---------------

Anh-tin-bai

Ngày 28/3/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh số 83-ML/B1, trong đó xác định quyết tâm của Bộ trong đợt tiến công thứ 2 là “Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía đông Mường Thanh, tạo điều kiện đầy đủ cho quân ta chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 201 (D1), 201A (D2), vị trí pháo binh địch ở 210, bộ phận cơ động của tiểu đoàn dù Việt Nam số 5...

 

Anh-tin-bai

Các chiến sĩ xung kích của ta đang cắt các hàng rào dây thép gai bắt đầu cuộc tấn công. Ảnh: TTXVN

Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn): Tiêu diệt các cứ điểm 301 (A1), 302 (C1), 304 (C2), phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 hoặc bộ phận tiểu đoàn dù Việt Nam số 5. Sau khi diệt địch, để lại bộ phận lực lượng cải tạo công sự, ngăn địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức trận địa hỏa lực khống chế và sát thương quân địch ở Mường Thanh.

Đại đoàn 308: Tiêu diệt khu vực tung thâm của địch gồm tiểu đoàn Thái số 2 và vị trí pháo binh địch, phối hợp với Trung đoàn 98 tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6; dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh và dùng lực lượng nhỏ kiềm chế các cứ điểm 106 và 310; bố trí lực lượng đánh nhảy dù xuống phía tây và tây nam Mường Thanh, chặn tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên.

Đại đoàn 304: Kiềm chế đắc lực pháo binh địch ở Hồng Cúm; chặn quân tiếp viện không cho chúng từ Hồng Cúm lên Mường Thanh; tiêu diệt địch nhảy dù xung quanh và phía nam Hồng Cúm.

Đại đoàn 351: Lựu pháo yểm hộ cho bộ binh tiến công các cứ điểm của địch; chế áp và phá hủy pháo binh địch, tiêu diệt một bộ phận cơ động của địch; kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Pháo cao xạ yểm hộ cho lựu pháo và bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

Cùng ngày, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng ra Chỉ thị số 84/A1 về việc tổ chức hỏa lực và hợp đồng bộ pháo trong trận tấn công tiêu diệt quân địch ở khu vực phía đông Mường Thanh.

Cũng trong ngày 28/3/1954, tại chiến trường Điện Biên Phủ, chiếc máy bay thứ 43 của quân Pháp bị pháo cao xạ của quân ta bắn hạ.

XEM CHI TIẾT>>>

---------------

Anh-tin-bai

Để chuẩn bị bước vào đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 29/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy gửi thư động viên các đồng chí đảng viên ở mặt trận.

Bức thư nêu rõ: “Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu, dũng cảm chiến đấu của những người đảng viên Đảng Lao động, nhất là trong những giờ phút gay go, quyết liệt. Tất cả các đồng chí chúng ta trong cuộc chiến đấu sắp tới đều phải kiên quyết, dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang Đảng giao cho”.

 

Anh-tin-bai

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ Tịch tặng các đơn vị lập công.

Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có thư động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ trước đợt tiến công lớn vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong thư khẳng định 3 mục đích của đợt tiến công thứ 2, đó là:

- Tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong nhiều cuộc chiến đấu liên tiếp.

- Phá hủy và đánh chiếm một bộ phận các trận địa hỏa lực của địch, làm cho chúng mất chỗ dựa rồi dùng ngay trận địa hỏa lực của chúng mà bắn vào đầu chúng.

- Đánh chiếm những nơi địa hình có lợi cho ta, chiếm giữ những nơi đó dùng làm trận địa của ta để tiến một bước uy hiếp thật mạnh bọn địch còn lại.

Đại tướng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết, dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ, đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều là gương trong khi xung phong giết giặc, mọi người đều có một khí thế rất lớn. Không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là khiếp sợ...

Đại tướng nhấn mạnh: “Đây là cuộc thử thách lớn đối với toàn thể cán bộ cũng như chiến sĩ. Toàn quân trên các mặt trận, đồng bào ta ở khắp toàn quốc đang mong chờ tin chiến thắng này. Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đang mong chờ tin chiến thắng này”.

XEM CHI TIẾT>>>

---------------

Anh-tin-bai

18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Pháo binh chiến dịch dồn dập bắn vào Sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri và các điểm cao C1, D1, E1, các trận địa pháo, khu vực cơ động của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm.

Đáng chú ý, tại cứ điểm C1, cuộc tiến công của Trung đoàn 98 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng diễn ra nhanh chóng. Chỉ sau 15 phút, ta đã dọn xong cửa mở qua 7 lần rào thép gai. Chớp thời cơ, quân ta chỉ bằng một đợt xung phong đã chiếm được lô cốt cao nhất.

Quân địch bị dồn về các lô cốt phía tây, gọi pháo binh bắn vào trận địa ta. Các chiến sĩ dũng cảm dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà, đập tan 3 đợt phản kích của địch.

Chỉ trong vòng 45 phút, trận đánh C1 kết thúc, ta diệt và bắt toàn bộ một đại đội với 140 tên địch thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma-rốc, ta thương vong 10 người.

Anh-tin-bai

Các chiến sĩ xung kích của ta đang tấn công 1 vị trí của địch trên khu đồi C.

Tại khu vực đồi A1, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) diễn ra không thuận lợi. Do mất liên lạc với Đại đoàn ngay từ đầu, nên không nhận được lệnh tiến công. Sau khi cứ điểm C1 bị quân ta tiêu diệt, pháo binh của ta chuyển làn bắn vào đồi A1, Trung đoàn mới tiến hành mở cửa và mất hơn một giờ mới thông đường tiến.

Khi ta xung phong, pháo binh địch bắn dữ dội vào cửa mở; hỏa lực địch dồn về phía lực lượng bộc phá phá hàng rào. Mất hơn nửa giờ hai mũi tiến công mới vượt qua 100m hàng rào và bãi mìn, lọt vào đồn địch.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, địch dựa vào công sự chống cự quyết liệt, sau đó rút vào hầm ngầm. Địch dùng pháo binh bắn dồn dập trút xuống đỉnh đồi khiến bộ đội ta thương vong nhiều. Trung đoàn 174 đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu, song lúc này địch dồn hỏa lực vào đồi A1, các đợt xung phong của ta vẫn không vượt qua lưới hỏa lực của địch. Cuộc chiến đấu tại đồi A1 tiếp tục giằng co tới sáng ngày 31/3/1954.

Chiều và đêm ngày 30/3/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch còn sử dụng lực lượng hình thành 3 mũi thọc sâu với nhiệm vụ tiêu diệt trận địa pháo ở 210 và đánh vào các lực lượng đóng ở vòng trong làm rối loạn trận địa phòng ngự của địch.

XEM CHI TIẾT>>>

---------------

Anh-tin-bai

Ngày 31/3/1954, sau ngày chiến đấu đầu tiên của đợt 2, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định:­ Bộ đội ta đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1 của địch. Trung đoàn 174 đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết A1; Trung đoàn 98 tiến công C2 không thành công, bị tiêu hao, cần điều đơn vị khác tiêu diệt địch ở đồi A1 và phòng ngự ở cao điểm C1 vào ban ngày. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại.

 

Anh-tin-bai

Chiến sĩ công binh cắt hàng rào dây thép gai, mở đường cho chiến sĩ xung kích tấn công tiêu diệt vị trí 206.

Về phía địch, mờ sáng ngày 31/3/1954, Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ họp bàn cách đối phó với tình hình. 7 giờ 45 phút sáng cùng ngày, tiểu đoàn lê dương số 3 với xe tăng yểm trợ từ Hồng Cúm tiến ra đường 41 đi về phía Mường Thanh, tới bản Long Nhai, lọt vào trận địa của Trung đoàn 57, lập tức bị bao vây tiến công. Xe tăng trúng đạn DKZ bốc cháy, bộ binh bị hỏa lực dày đặc của ta tiêu diệt. Gần trưa, pháo của địch phải bắn chặn để tiểu đoàn lê dương số 3 và xe tăng mở đường máu trở lại Hồng Cúm, mang theo 15 xác chết và 50 tên bị thương.

Thời tiết tốt, không quân địch hoạt động trở lại, các máy bay vận tải C.119 do phi công Mỹ điều khiển thả dù tiếp tế đạn dược, lương thực; các máy bay chiến đấu cũng lao xuống, kết hợp với pháo binh địch bắn phá dữ dội vào các điểm cao C1, D1, E và A1.

Trong ngày, bộ đội các đơn vị đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đánh địch lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại các mục tiêu đã mất tại đồi D1, C1 và tổ chức tiến công địch tại đồi A1 lần thứ 2. Được tăng cường một đại đội của Trung đoàn 174, Trung đoàn 102 tổ chức tiến công địch tại đồi A1. Tuy nhiên, ta tổ chức bốn đợt xung phong mà không vượt qua được tuyến ngang trước hầm ngầm. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co quyết liệt, địch chiếm 2 phần 3 cứ điểm, ta bám trụ lại ở 1 phần 3 phía đông đồi A1.

Trên chiến trường phối hợp, tại Liên khu 4, quân ta đánh lật một đoàn tàu, tiêu diệt một đại đội của địch.

XEM CHI TIẾT>>>

BBT