Nghệ An xử lý nghiêm hành vi phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
Nhiều vi phạm bị xử lý
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội
lan truyền những thông tin không đúng sự thật liên quan đến việc thực hiện chủ
trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý là những thông
tin liên quan đến việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương .
Thông tin sai sự thật về việc sáp nhập tỉnh, thành được
lan truyền trên mạng xã hội.
Trước thực trạng đó, ngày 28/11,
Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp chỉ đạo cơ quan an ninh
mạng rà soát, xử lý việc đưa các thông tin không đúng sự thật nói trên. Bộ Nội
vụ khẳng định đến thời điểm này, Bộ chưa đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm
quyền sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào.
Tại Nghệ An cũng đã có một số cá
nhân chia sẻ những thông tin không đúng sự thật về sáp nhập tỉnh, thành bị xử
lý.
Điển hình, mới đây, Phòng An ninh
chính trị nội bộ (Công an tỉnh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2
trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành
trên cả nước.
Đó là ông L.V.T. (SN 1988, trú TP
Vinh), phóng viên và ông N.V.M. (SN 1988, trú thị trấn Tân Kỳ), lao động tự do.
Cơ quan Công an làm việc với trường hợp vi phạm. Ảnh tư
liệu: H.T
Trước đó, ngày 26/11/2024, tài
khoản Facebook N.V.M. đăng tải bài viết với nội dung: “Đây là thông tin
Nhập tỉnh tui tải được trên mạng. Không biết có chính xác không” kèm
hình ảnh được cho là của 31 đơn vị hành chính mới dựa trên việc sắp xếp, tách
nhập của các tỉnh, thành trên cả nước. Ngày 28/11, tài khoản Facebook Đ.C. của
ông L.V.T. đăng tải các hình ảnh tương tự với nội dung “Kế hoạch sát nhập
các cơ quan từ Trung ương đến địa phương”.
Tiến hành xác minh, Phòng An ninh
chính trị nội bộ đã triệu tập các ông L.V.T. và N.V.M lên làm việc để làm rõ. Cả
hai thừa nhận mặc dù thông tin chưa kiểm chứng nhưng đã đăng tải trên Facebook
cá nhân nhằm mục đích tăng lượng tương tác. Trong đó đáng chú ý, tài khoản
Facebook của ông N.V.M. là tài khoản có tích xanh với hơn 80.000 lượt theo dõi.
Hành vi của 2 trường hợp này được
xác định vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày
3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong bưu chính, viễn
thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Phòng An
ninh chính trị nội bộ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi trường hợp
5 triệu đồng.
Theo ngành chức năng, mặc dù đã đẩy
mạnh công tác tuyên truyền kết hợp xử lý những hành vi tung tin giả, tin sai sự
thật trên mạng xã hội và các nền tảng như YouTube, TikTok, Instagram, Twitter,
Viber, Wechat, Zalo... Tuy nhiên, vì nhiều mục đích khác nhau, tin giả, tin sai
sự thật vẫn xuất hiện gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến tình hình
ANTT trên địa bàn.
Mới đây, ngày 11/12, Cục An ninh
mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã có văn bản
gửi Cục Di sản văn hóa về việc đề nghị xử lý đối tượng phát tán thông tin giả mạo
trên Facebook.
Trước đó, ngày 14/8/2024, trang
Facebook “Trần Nhật Anh” đăng tải bài viết với nội dung: “Ngày 9/8/2024 món
cháo lươn tỉnh Nghệ An đã được đưa vào Danh mục di sản quốc gia phi vật thể.
Chúc mừng quê hương tui”, đăng kèm ảnh chụp Quyết định số 3737 của Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, được Cục Di sản văn hóa xác nhận là giả mạo.
Cháo lươn Nghệ An không nằm trong Danh mục di sản văn hóa
phi vật thể quốc gia. Ảnh tư liệu
Cục An ninh mạng và Phòng, chống
tội phạm công nghệ cao đã tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh, cảnh cáo chủ
thể sử dụng trang Facebook “Trần Nhật Anh” là bà T.T.N.A (quê quán Thanh
Chương, Nghệ An), hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Làm việc với lực lượng chức năng,
bà T.T.N.A cho biết, nguồn gốc của bức ảnh chụp Quyết định số 3737 là do chồng
bà vô tình đọc được và tải về từ mạng xã hội (nhưng không nhớ tài khoản đăng
ban đầu). Sau đó gửi cho bà đăng lại nhằm quảng bá cho việc bán sản phẩm cháo
lươn của gia đình. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, vợ chồng bà T.T.N.A
đã nhận thức được hành vi sai phạm, tự nguyện gỡ bỏ toàn bộ bài viết trên tài
khoản Facebook “Trần Nhật Anh” và trang Fanpage "Lươn Xứ Nghệ”, đồng thời
cam kết sẽ không tái phạm.
Bên cạnh những trường hợp đăng tải,
lan truyền thông tin sai sự thật do chủ quan không kiểm chứng hoặc mục đích câu
like, câu view để lấy tương tác, hiện nay, mạng xã hội cũng được các thế lực
thù địch, phần tử cơ hội triệt để sử dụng như một công cụ để chống phá Đảng,
Nhà nước, lan truyền các thông tin xuyên tạc, xấu, độc, gây mất niềm tin, hoang
mang trong đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, một số cá nhân do thiếu
hiểu biết, nhận thức chính trị kém đã đăng tải các hình ảnh, thông tin sai sự
thật, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
Lực lượng chức năng làm việc với cá nhân đưa tin sai sự
thật trên mạng xã hội. Ảnh tư liệu: Huyền Thương
Điển hình trong tháng 7/2024,
Công an Nghệ An đã ra quyết định xử phạt 3 trường hợp về việc đăng tải thông
tin, hình ảnh sai sự thật về cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trên mạng xã hội,
gồm: V.Đ.T. (SN 1988, quê ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu); P.V.N. (SN 1984,
quê ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương) và B.T.T. (SN 1981, quê ở xã Mã Thành,
huyện Yên Thành).
Sau khi làm việc với cơ quan công
an, các đối tượng đã gỡ bỏ bài viết; cam kết không đăng tải, chia sẻ các hình ảnh,
thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự, dư luận xấu
trong nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp,
xử lý nghiêm
Theo ngành chức năng, việc lợi dụng
quyền tự do ngôn luận, tự do trên không gian mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại hoạt động kinh tế - xã hội đều sẽ
bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Điều
101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, hành vi cung cấp, chia
sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy
tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc cung cấp, chia sẻ
thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ
nạn xã hội… bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm
còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật
hoặc gây nhầm lẫn...
Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào có một trong những hành vi làm,
tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung
xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên
truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong
nhân dân… thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Nếu phạm tội trong trường hợp đặc
biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm.
Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc
mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết
rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt
hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt
cao nhất đối với người phạm tội có thể đến 7 năm tù và có thể bị áp dụng hình
phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức
vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, Công
an Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Ảnh tư liệu: Hồ Hưng
Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An
đã chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị huy động các nguồn lực, tập trung
xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để phòng ngừa, đấu
tranh với hành vi lan truyền tin giả, sai sự thật trên không gian mạng.
Ngày 6/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An
ban hành Quyết định số 29 quy định phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; xử
lý thông tin đăng, phát trên báo chí và thông tin phản ánh trên mạng xã hội của
các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ, khi phát hiện
thông tin phản ánh trên mạng xã hội sai hoặc có một phần nội dung sai về việc
thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan; của cán bộ, công chức, viên chức trong
cơ quan, đơn vị, địa phương thì người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước gửi
văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông xử lý tổ chức, cá nhân
đăng, phát thông tin sai trên mạng xã hội.
Mới đây, ngày 25/11/2024, Sở
Thông tin và Truyền thông Nghệ An cũng đã có Văn bản số 2541/STTT-TTBCXB đề nghị
các cơ quan báo chí tỉnh Nghệ An, các cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cử
phóng viên thường trú trên địa bàn nhắc nhở phóng viên, nhà báo tuân thủ Quy tắc
sử dụng mạng xã hội của người người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam
ban hành và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông
ban hành; không lợi dụng mạng xã hội để phát tán, đăng tải những tin đồn khi
chưa được kiểm chứng, những thông tin không chính thống làm ảnh hưởng đến danh
dự của cá nhân, tổ chức; không sử dụng thông tin trong quá trình tác nghiệp để
đăng tải trên mạng xã hội khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Tuy nhiên, bên cạnh việc kiểm
soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc, phản cảm trên
mạng xã hội, cũng như đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố
tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội của các ban, ngành liên
quan, thì về phía người dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ vai
trò, trách nhiệm của bản thân trong việc sử dụng mạng xã hội; tôn trọng, làm
theo pháp luật và những chuẩn mực đạo đức xã hội, kiểm chứng thông tin trước
khi đăng tải, chia sẻ để tránh hậu quả về mặt pháp lý.
Theo Khánh Ly (baonghean.vn)