TS. Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo doanh
nghiệp (IBIA) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với
doanh nhân Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19/5/1890 - 19/5/2024).
Trong
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều
tâm huyết, tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho giới doanh nghiệp, doanh
nhân Việt Nam.
- Bà có thể chia sẻ về ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với
doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước để Việt Nam
trở nên hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc, cùng tiến bước sánh vai với các
cường quốc trên thế giới?
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai
nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và kinh tế, thúc đẩy các doanh
nhân phát huy nội lực để xây dựng đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa giá trị
truyền thống Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, đã trở thành kim chỉ nam
cho mọi hành động và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, động viên nhiều thế hệ
doanh nhân dám bứt phá để phát triển.
Mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc
và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đã thấm sâu vào ý thức hệ của nhiều doanh
nhân, thể hiện qua các quyết định kinh doanh của họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao lòng yêu
nước, và các doanh nhân Việt Nam thể hiện tình yêu này qua việc đầu tư vào các
dự án kinh tế xã hội, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, tự hào giới
thiệu sản phẩm "Made by Vietnam" và nâng cao tên tuổi sản phẩm và
“cắm cờ” sản phẩm Việt nam trên bản đồ thế giới.
Bác Hồ luôn quan tâm đến cuộc sống của
nhân dân và trách nhiệm xã hội. Doanh nhân ngày nay cũng vừa kinh doanh tạo ra
lợi nhuận vừa gắn với trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và đóng góp cho
cộng đồng, xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu
mạnh và phát triển bền vững.
Nhiều doanh nhân Việt Nam thành công nhờ
chiến lược dài hạn, quy trình quản lý chuẩn, và quan trọng là bền bỉ tuân thủ
và cải tiến quy trình. Họ đoàn kết, hợp tác trong nội bộ và với các đối tác
ngoài doanh nghiệp để phát triển, học hỏi theo tinh thần đoàn kết của Bác Hồ.
Sự sáng tạo và học hỏi liên tục giúp
doanh nghiệp thích ứng và dẫn đầu trong kỷ nguyên số, như cách Bác đã học hỏi
từ tri thức quốc tế. Các doanh nhân Việt Nam đã áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh
vào sản xuất kinh doanh, làm giàu và đóng góp tích cực vào sự phát triển đất
nước. Lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, tư duy sáng tạo, chiến lược dài hạn,
đoàn kết và tinh thần học hỏi sẽ giúp Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên
thế giới.
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp
doanh nhân nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây
dựng và phát triển đất nước. Đồng thời đã giúp định hướng cho doanh nhân rèn
luyện phẩm chất, đạo đức và năng lực cần thiết để hoàn thành tốt vai trò của
mình. Góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam bản lĩnh và tài năng, đóng
góp vào sự phát triển chung của đất nước.
- Bà
đánh giá như thế nào về tầm nhìn và cách nhìn đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh
với doanh nhân Việt Nam, khi Người chỉ rõ: “Những nhà tư bản dân tộc là lực
lượng cần thiết cho cuộc xây dựng nước nhà. Chính phủ cần giúp họ phát triển”?
Theo tôi, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí
Minh về nhà tư bản dân tộc xuất phát từ nhận thức rất sớm và rất sâu sắc về vai
trò của kinh tế tư bản trong quá trình phát triển đất nước.
Theo Bác, trong giai đoạn quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, cần phải phát triển đồng thời cả hai thành phần kinh tế, đó là
kinh tế nhà nước và kinh tế tư bản. Kinh tế tư bản có thể đóng góp vào sự
nghiệp xây dựng đất nước thông qua việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc
làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể
hiện một sự hiểu biết sâu rộng và toàn diện về cách kết hợp các nguồn lực của
đất nước để phát triển kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy tiềm năng và
sức mạnh của các doanh nhân, nhà tư bản dân tộc trong việc góp phần vào sự
thịnh vượng chung của quốc gia.Theo đó, không chỉ nên thừa nhận vai trò của họ
mà còn cần hỗ trợ họ để phát triển.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu
ý rằng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo rằng mọi thành
phần kinh tế đều phát triển theo hướng có lợi cho quốc gia và dân tộc, không để
tư bản tư nhân lũng đoạn nền kinh tế, bóc lột công nhân lao động và làm giàu
cho bản thân.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà
tư bản dân tộc vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Trong bối cảnh kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các nhà tư bản dân tộc vẫn
đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và
nâng cao đời sống nhân dân.
Chúng ta hiện đã và đang có sự quản lý
chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo rằng mọi thành phần kinh tế của Việt Nam đều
phát triển lành mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những chính sách kinh tế của Việt Nam
hiện tại cũng thể hiện rõ sự tiếp nối và vận dụng linh hoạt tầm nhìn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, khi chính phủ tiếp tục khuyến khích sự tham gia của các doanh
nhân và nhà tư bản dân tộc vào các dự án phát triển kinh tế.
Điều này giúp đảm bảo họ có điều kiện
phát triển và đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân. Sự kết hợp giữa quản
lý nhà nước hiệu quả và phát huy vai trò của kinh tế tư bản dân tộc là yếu tố
then chốt để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.
- Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh, doanh nhân phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ
thuật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong làm việc khoa học. Người chỉ
rõ: “Làm nghề gì cũng phải học, làm nghề gì phải thạo nghề đó. Không giỏi về
chuyên môn nghiệp vụ thì làm việc rất khó, thậm chí không mang lại lợi ích gì
cho đất nước”. Người đánh giá cao những doanh nghiệp có những lao động “dám
nghĩ, dám làm”, thực hiện cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến. Quan điểm
của bà về vấn đề này như thế nào?"
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn
toàn đúng đắn và mang tính định hướng cao cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong
thời đại mới. Có thể nói cụ thể theo từng khía cạnh như sau.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số và toàn cầu
hóa, việc nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ
trở nên cực kỳ quan trọng. Các doanh nhân nếu không muốn bị thay thế hay loại
bỏ, cần liên tục học hỏi và cập nhật kiến thức mới để theo kịp những tiến bộ
của khoa học công nghệ.
Những doanh nhân thành đạt là những người
biết cách nhận biết và nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, khả năng áp dụng
chúng vào thực tiễn kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý.
Họ luôn tìm kiếm các cơ hội để cải tiến
kỹ thuật và phát minh sáng kiến, từ đó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá
trị cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, góp phần nâng cao
năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tinh thần “dám nghĩ, dám làm” là yếu tố
then chốt để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp, các doanh nhân
cần phải đủ năng lực nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới và sáng tạo, mạnh
dạn đưa ra những ý tưởng mới, thử nghiệm các phương pháp và mô hình kinh doanh
sáng tạo.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối
cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh gay gắt. Sự can đảm, chủ
động và chấp nhận rủi ro này sẽ giúp doanh nhân tìm ra những cơ hội mới và đạt
được thành công đột phá.
Rèn luyện tác phong làm việc khoa học là
yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh
nhân cần áp dụng các phương pháp làm việc khoa học, từ quản lý thời gian, tổ
chức công việc đến phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Một tác phong làm việc khoa học không chỉ
nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mà còn tạo ra môi trường làm việc
chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm. Doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới
đã và đang góp phần vào sự phát triển thịnh vượng chung của đất nước, đưa Việt
Nam tiến bước và sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
- Người
cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân phải đặc biệt chú ý “3 xây, 3 chống”:
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến
kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì nó liên quan tới năng suất cao,
chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều, thưa bà?
Đúng như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ
Chí Minh về "3 xây, 3 chống" cho doanh nghiệp, doanh nhân tập trung
vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và tiết kiệm, góp phần vào sự phát
triển chung của đất nước.
Ba xây bao gồm:
Nâng cao tinh thần trách nhiệm: Doanh
nghiệp và doanh nhân cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc
phát triển doanh nghiệp và đóng góp cho xã hội. Khi hiểu rõ và tinh thần trách
nhiệm được nâng cao, doanh nhân sẽ nỗ lực làm việc hiệu quả, sáng tạo, từ đó
nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Tăng cường quản lý kinh tế tài chính:
Doanh nghiệp khi tăng cường quản lý chặt chẽ tài chính sẽ giúp sử dụng hiệu quả
các nguồn lực, tránh được lãng phí. Như vậy khi tài chính được quản lý tốt,
tiết kiệm được chi phí sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm và dịch vụ, từ đó nâng
cao năng lực cạnh tranh.
Cải tiến kỹ thuật: Doanh nghiệp cần áp
dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo vào sản xuất và kinh doanh để nâng
cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Việc cải tiến kỹ thuật không chỉ
giúp tăng năng suất mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm các tác động xấu
đối với môi trường.
Ba chống bao gồm:
Chống tham ô: Doanh nghiệp và doanh nhân
cần kinh doanh một cách chân chính, lành mạnh và minh bạch, không tham ô hay
tham nhũng. Việc chống tham ô giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực, có
thể tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng suất, chất lượng sản
phẩm, dịch vụ.
Chống lãng phí: Doanh nghiệp cần tiết
kiệm chi phí, lập kế hoạch và sử dụng hợp lý các nguồn lực để tránh lãng phí.
Khi lãng phí được kiểm soát, chi phí sản xuất sẽ giảm, giá thành sản phẩm và
dịch vụ sẽ thấp hơn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận
thị trường.
Chống quan liêu: Doanh nghiệp cần có bộ
máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, hạn chế thủ tục hành chính rườm rà. Việc chống
quan liêu giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và chi
phí, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
"3 xây, 3 chống" là phương châm
hành động quan trọng cho doanh nghiệp và doanh nhân trong thời đại mới. Việc
thực hiện tốt "3 xây, 3 chống" sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng
suất, chất lượng và tiết kiệm nhiều, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của
đất nước.
- Từ những phân tích trên, theo bà đâu là giá trị căn cốt trong di
sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với doanh nhân Việt Nam?
Giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh
về doanh nhân là chính là tư tưởng về vai trò to lớn của doanh nhân trong việc
thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần
xây dựng và phát triển đất nước, cùng với những phẩm chất, đạo đức cần thiết mà
doanh nhân cần rèn luyện để hoàn thành tốt vai trò đó.
Doanh nhân đóng vai trò chủ chốt trong
việc sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm và dịch vụ, tạo ra việc làm, góp
phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Họ cần tiên
phong trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất và
kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Doanh nhân cũng cần nâng cao năng lực
cạnh tranh, đưa sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam ra thị trường quốc tế, góp
phần vào hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, họ nên tích cực tham gia các
hoạt động xã hội và từ thiện, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Doanh nhân cần đặt lợi ích quốc gia và
dân tộc lên hàng đầu, gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chung của
cộng đồng và toàn xã hội. Họ phải kinh doanh một cách chân chính, lành mạnh,
tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường và lợi ích người tiêu dùng.
Doanh nhân cần có tầm nhìn xa, chiến lược
phát triển dài hạn và đưa ra quyết định phù hợp với xu hướng thị trường. Họ cần
quản lý doanh nghiệp hiệu quả, sử dụng hợp lý các nguồn lực và phát huy tối đa
năng lực và sở trường của đội ngũ nhân viên.
Việc luôn học hỏi, trau dồi kiến thức và
kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của thị trường và khả năng áp dụng công
nghệ là cần thiết. Cuối cùng, doanh nhân cần có nghị lực cao để vượt qua khó
khăn, thử thách, chấp nhận rủi ro, dám nghĩ dám làm đưa doanh nghiệp phát triển
bền vững.
Từ các giá trị căn cốt trong di sản Hồ
Chí Minh, các cơ quan hoạch định chính sách đã ban hành và đang hoàn thiện các
chính sách hỗ trợ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách nên nghiên cứu cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo sự ổn định của chính sách, giúp
tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp.
Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa
học kỹ thuật và công nghệ mới, hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm và dịch vụ
mới. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của
doanh nhân và nhà đầu tư. Tăng cường thông tin và tuyên truyền về vai trò,
trách nhiệm của doanh nhân, đồng thời định hướng phát triển cho doanh nghiệp.
Giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh
về doanh nhân là kim chỉ nam cho hoạt động của doanh nhân Việt Nam trong thời
kỳ tham gia hội nhập toàn cầu. Nhận thức rõ về vai trò và trách nhiệm của mình
trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mỗi doanh nhân cần rèn luyện
phẩm chất đạo đức tốt đẹp, xây dựng văn hóa trong kinh doanh và kinh doanh
hướng tới mục tiêu chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự phát triển bền vững của
môi trường. Doanh nhân cần trau dồi kiến thức và kỹ năng quản lý để điều hành
doanh nghiệp hiệu quả.
Họ cũng cần hợp tác với nhau để cùng phát
triển, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn. Cuối cùng, doanh nhân nên tích cực
tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện, góp phần xây dựng cộng đồng, trở
thành những doanh nhân có ích cho xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và
phát triển đất nước.
-Trân trọng cảm ơn bà!
NGUYỄN VIỆT thực hiện
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
(19/05/2024, 11:00:00)