Đó là chia sẻ của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân các tỉnh phía
Nam với phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng.
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng thăm doanh nghiệp ngày 14-15/4/2018 tại An Giang.
Ông Trần Văn Lật - Tổng Giám đốc Công ty
TNHH phát triển Lộc Kim Chi (An Giang) cho
biết, "sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát rất lớn
cho đất nước, cho dân tộc, trong đó có lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân
Việt Nam. Bản thân tôi tỏ lòng nuối tiếc và tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí
thư, một người cộng sản kiên trung, cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi
thở cuối cùng".
Nhận xét về sự gần gũi, thân thiện của Tổng Bí thư với doanh
nghiệp, nghiệp doanh nhân, ông Lật cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
rất quan tâm tới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh
nghiệp đó có liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những hình ảnh của
Tổng Bí thư ở các buổi tiếp xúc cử tri, hay các hội nghị lớn, quan trọng và tầm
cấp cao đều mang tính chất điều hành, chiến lược rộng lớn, nhưng nhân tố trong
những buổi làm việc đó không thể thiếu doanh nhân, doanh nghiệp.
“Niềm vinh dự lớn nhất trong đời doanh nhân của tôi và cũng là một
lần được Tổng Bí thư đến thăm nơi làm việc và khu nuôi trồng thuỷ sản trong sự
kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh An
Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an
ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, ngày
14-15/4/2018 tại An Giang”, ông Lật nói.
Theo ông Lật, đặc biệt, tại buổi làm việc của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh An Giang, Tổng Bí thư đã
nhấn mạnh những vấn đề liên quan tới cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, triển
khai vào cuộc sống. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu: “An Giang tập trung
phát triển nông nghiệp chất lượng cao, giá trị cao, chuyển từ sản xuất nông
nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trình độ cao, chất lượng cao, tăng
cường liên kết bốn nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà
nước".
“Chuyến đi thực tế của Tổng Bí Thư mang tính quyết sách để Nghị
quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt
Nam ra đời. Nghị quyết 41 do chính Tổng Bí thư ký ban hành, điều này đã khiến
ông ngày càng trở nên gần gũi và thân thiện hơn với giới doanh nhân, doanh
nghiệp”, ông Lật nói.
Chia sẻ về những tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với
lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân thời kỳ đổi mới, ông Võ Quang Thuận -
nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, chia sẻ: là
một Đảng viên, người lính trở về và trở thành một doanh doanh nhân, bản
thân ghi nhận sâu sắc, đánh giá cao sự lãnh đạo tài ba và tâm huyết của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng thăm nơi làm việc và khu nuôi trồng thuỷ sản của Công
ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (An Giang).
Đặc biệt, những câu nói, phát biểu nhiều lần ở các hội nghị cấp
cao, Tống Bí thư đã nhấn mạnh: “Việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát
huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh
thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách
nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá
trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Cũng theo ông Thuận, về công tác giám sát trong phòng, chống tiêu
cực, Tổng Bí thư đã làm được nhiều hơn những gì đã nói, trong đó phải kể đến
những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng khi nói về quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, công chức,
viên chức, như: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám
sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công
chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm
hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh
nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách,
pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ
hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết, qua theo dõi tại các hội nghị Trung
ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nhiều lần nói đến vai trò của đội ngũ
doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong việc xây dựng đạo đức, văn hoá
kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nêu cao tinh thần của
đội ngũ doanh nhân trong việc hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn
đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và
tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới.
Cũng theo ông Long, một vấn đề được đánh giá là rất sâu sắc được
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với các doanh nghiệp, doanh nhân về một
số nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
Việt Nam, đó là: “Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần
thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao
kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá
Việt Nam. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã
hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy
tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường; lên án, ngăn chặn,
kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh,
vi phạm pháp luật”.
Bài và Ảnh: NGÂN GIANG | 21/07/2024, 04:15:33
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn